Đường dẫn truy cập

Nhà từ thiện muốn làm một cuộc 'cách mạng sách' ở Việt Nam


Các học sinh chụp hình phía trước của thư viện với nhà từ thiện Nguyễn Quang Thách tại một trường tiểu học trong tỉnh Thái Bình, Việt Nam (M. Brown / VOA)
Các học sinh chụp hình phía trước của thư viện với nhà từ thiện Nguyễn Quang Thách tại một trường tiểu học trong tỉnh Thái Bình, Việt Nam (M. Brown / VOA)
Tại Việt Nam, các tổ chức viện trợ cảnh báo rằng chất luợng thấp về giáo dục đang cản trở nước này tiến lên tình trạng thu nhập trung bình. Nhưng một người đang tìm cách thay đổi sự kiện đó qua việc xây các thư viện do cộng đồng tài trợ tại các trường học. Từ Thái Bình, thông tín viên Marianne Brown ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau.

Tại trường tiểu bọc An Bái, một lũ trẻ ùa giỡn đến giằng những cuốn sách từ tay giáo viên và đặt chúng lên một loạt giá ở phía sau lớp học. Những cuốn sách này nằm trong một chiến dịch của anh Nguyễn Quang Thạch, 37 tuổi, nhằm cung cấp những “thư viện phụ huynh” tại các trường học ở nông thôn.

Theo anh Thạch, nông dân trong các cộng đồng như thế này ít khi được tiếp cận với sách vở. Hầu hết các trường học có đủ sách giáo khoa nhưng ít có gia đình nào có thêm tài liệu để đọc.

Anh Thạch cho biết: “Khi tôi làm cuộc thăm dò với trường học, tôi phỏng vấn nhiều nông dân, công nhân và rất nhiều học sinh. Họ đến từ các khu vực nông thôn. Họ nó họ chưa bao giờ đến thư viện trường để đọc sách cả. Nhiều người còn không nghĩ là trường có thư viện. Vì thế thư viện nằm trong hệ thống trường học giống như một cái nhà kho, chứ không phải chỗ thực sự để đọc sách.”

Giáo dục là một đề tài nóng bỏng ở Việt Nam, nơi tỷ lệ biết đọc biết viết cao bất kể các phương pháp giảng dạy cổ hủ và tham nhũng gây thiệt hại cho việc học hành.

Mặc dù Việt Nam khoe là có tỷ lệ biết chữ lên tới 90% với một thành phần dân số phần lớn ở vùng nông thôn, các tổ chức viện trợ nói có sự cách biệt giữa những gì được giảng dạy ở trường học với những gì mà giới công nhân Việt Nam cần biết.

Thành tích học tập ở các trường học Việt Nam cũng ở mức tương đối thấp so với các nước khác trong vùng. Một phần lớn vấn đề là hối lộ, và các cơ quan truyền thông nhà nước thường loan tải chuyện các giáo viên bị kỷ luật vì nhận tiền học sinh để cho điểm cao. Theo một số chuyên gia, các phương pháp giảng dạy dựa nặng vào từ chương, cũng có nghĩa là học sinh Việt Nam không được khuyến khích tự suy nghĩ hay phát triển óc sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề.

Các thư viện nhộn nhịp đầy sách có thể đem lại một phần giải pháp. Anh Thạch làm việc với các nhà xuất bản ở Hà Nội để cung cấp một danh sách các đầu sách giảm giá cho giáo viên và học sinh chọn lựa.

Anh cho biết anh cũng đang trông đợi thay đổi các quan niệm về công tác từ thiện ở Việt Nam, nơi dân chúng thường chi ra hàng ngàn đôla để xây một nhà văn hóa mới hay một cái cổng làng để phô trương sự giàu có và thế lực.

Anh Thạch nói: “Thực chất là kiến thức, chứ không phải một thứ để khoe khoang, như ngôi chùa to, hay nhiều tiền để làm đám cưới, nhiều tiền để làm giỗ chạp, họ nên dùng tiền vào việc tốt hơn, đầu tư cho tương lai, chính là sách vở.”

Học sinh sử dụng sách mượn từ 'thư viện phụ huynh' tại một trường tiểu học trong tỉnh Thái Bình (M. Brown / VOA)
Học sinh sử dụng sách mượn từ 'thư viện phụ huynh' tại một trường tiểu học trong tỉnh Thái Bình (M. Brown / VOA)
Tính đến nay, gần 1.000 thư viện phụ huynh đã được xây, mỗi thư viện có hàng trăm đầu sách và mô hình của anh Thạch đã được nhân lên ở nhiều tỉnh khắp nước. Ở mỗi trường anh Thạch giúp xây thư viện cho tới 4 lớp học thì những trường học sẽ nhân mô hình đó lên. Phụ huynh đóng 3 đôla mỗi nguời cho năm đầu tiên và 1 đôla cho những năm sau.

Hiệu trưởng trường trung cấp An Ðức, ông Phạm Ðức Dương, nói rằng nhờ mô hình của anh Thạch mà chất lượng giáo dục tại trường học cao hơn.

Ông Dương nói học sinh đã có kết quả tốt hơn trong các kỳ thi, nhất là về môn khoa học xã hội.

Bà Dương Lê Nga là người đứng đầu nhóm thanh niên trong trường. Bà nói sau khi các thư viện được xây, học sinh bắt đầu đặt nhiều câu hỏi hơn với giáo viên. Bà nghĩ mô hình của anh Thạch giúp học sinh có một lối suy nghĩ khác đi.

Bà Nga nói học sinh bắt đầu lập các câu lạc bộ thảo luận trong lớp học. Mỗi lớp có 3 hay 4 câu lạc bộ về các đề tài khác nhau. Nay, thay vì dựa vào tài liệu của giáo viên, thì chính họ điều hành các câu lạc bộ.

Hiệu phó của trường, ông Uông Minh Thanh, nói nhiều học sinh ở đây sẽ trở thành công nhân của các nhà máy gần đó. Tuy nhiên, sau khi nhìn thấy ảnh hưởng của các thư viện mới, ông hy vọng các em sẽ có tham vọng cao hơn cho mình lúc ra trường.

Ông Thanh nói các thư viện đã khuyến khích việc đọc sách trong giới học sinh và giáo viên và các gia đình khi các em đem sách về nhà.

Mặc dầu nhắm mục tiêu vào nông dân nghèo ở Việt Nam, mô hình của anh Thạch lại không bao gồm các sắc tộc thiểu số. Tuy chỉ chiếm 14% dân số, các nhóm nay lại chiếm tới 2/5 số dân nghèo trong nước.

Anh Thạch cho biết anh dự định mở rộng mô hình tới các em học sinh sắc tộc thiểu số vào năm tới, nhưng sách sẽ được cung cấp bằng tiếng Việt, là sinh ngữ thứ nhì đối với đa số và tỷ lệ biết đọc biết viết rất thấp.

Anh Thạch nói ước mơ của anh là một ngày nào đó mô hình của anh sẽ tự túc được và sẽ không cần đến anh nữa. Trong khi chờ đợi, anh nói anh hy vọng cuộc “cách mạng sách” của anh có thể giúp nông dân Việt Nam đứng ngang hàng với người dân của các nước phát triển.

VOA Express

XS
SM
MD
LG