Đường dẫn truy cập

Ngoại trưởng Mỹ: Quân đội Nga gây ‘bầu không khí sợ hãi’ ở Ukraine


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, trái, bắt tay với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trước khi bắt đầu cuộc họp tại Paris, ngày 30/3/2014.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, trái, bắt tay với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trước khi bắt đầu cuộc họp tại Paris, ngày 30/3/2014.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry kêu gọi Nga rút hàng ngàn quân dọc theo biên giới Ukraina. Ông nói rằng những lực lượng này đang gây ra một ‘bầu không khí sợ hãi’ không thuận lợi cho đối thoại ngoại giao. Thông tín viên Đài VOA tại Bộ Ngoại giao Mỹ Scott Stearns tường trình từ Paris, nơi Ngoại trưởng Kerry gặp Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov vào cuối ngày hôm qua.

Dù có những quan điểm khác biệt về những biến cố dẫn đến cuộc khủng hoảng, ông Kerry nói Hoa Kỳ và Nga đồng ý về tầm quan trọng của việc tìm ra một giải pháp ngoại giao, và cả hai đưa ra đề nghị về phương thức làm thế nào để xuống thang tình hình an ninh và chính trị.

“Chúng tôi cũng đồng ý làm việc với chính phủ Ukraina và người dân để thực thi các biện pháp mà họ đang tiến hành nhằm bảo đảm những ưu tiên sau đây: quyền của người thiểu số, quyền về ngôn ngữ, giải giới và giải thể các lực lượng không chính qui và những người khiêu khích, tiến trình cải cách hiến pháp sâu rộng và những cuộc bầu cử tự do và công bằng được cộng đồng quốc tế giám sát.”

Nhưng ông Kerry nói bất cứ tiến bộ thực sự nào cũng phải bao gồm việc rút 40.000 binh sĩ Nga đang trú đóng dọc theo biên giới Ukraina.

“Chúng tôi tin là những lực lượng này đang tạo ra ‘một bầu không khí sợ hãi và đe dọa’ tại Ukraina. Sự kiện này chắc chắn không tạo ra một bầu không khí mà chúng ta cần có để đối thoại.”

Sau 4 giờ thảo luận, ông Lavrov tổ chức một cuộc họp báo riêng tại Paris và đọc một tuyên bố gần như tương tự về những ưu tiên mà hai ông đã đồng ý. Nhưng thay vì binh sĩ Nga, ông chú trọng đến việc phân quyền để bảo vệ các sắc dân thiểu số - đây là những quan ngại mà Moscow đã dùng để biện minh cho việc sát nhập bán đảo Crimea.

Ông Lavrov nói là trong khung làm việc này, tất cả các vùng và các lực lượng chính trị sẽ có tiếng nói bình đẳng trong việc đồng ý loại hình chính trị, kinh tế, tài chánh, xã hội và truyền thống tôn giáo sẽ được tôn trọng tại các phần đất khác nhau của Ukraina.

Ngoại trưởng Kerry nói Hoa Kỳ vẫn còn xem hành động của Nga tại Crimea là “bất hợp pháp và không chính đáng,” và bác bỏ bất cứ nỗ lực nào đề ra các cơ cấu liên bang mới mà không bao gồm giới hữu trách lâm thời tại Kyiv.

“Chúng tôi sẽ không chấp thuận con đường tiến tới mà chính phủ hợp pháp của Ukraina không được tham gia thảo luận. Nguyên tắc này rõ ràng: Không có quyết định nào về Ukraina mà không có sự tham dự của chính phủ Ukraina.”

Các giới chức Hoa Kỳ cho biết họ nhìn thấy qua các cuộc thảo luận này sự kiện Nga ngày càng thừa nhận rằng Ukraina đang đáp ứng được một số quan ngại của nước này về quyền của các sắc dân thiểu số trong vùng nói tiếng Nga. Đó có thể là một phương cách để Điện Kremlin rút bớt một số binh sĩ.

Hiện nay Washington tin là Moscow sử dụng số binh sĩ không những chỉ dể đe dọa Ukraina nhưng cũng là một con bài để mặc cả với châu Âu và Hoa Kỳ, trong cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất giữa Đông và Tây kể từ khi chấm dứt Chiến tranh Lạnh.

Các nhà lãnh đạo phương Tây đang cứu xét các chế tài rộng rãi hơn chống lại Nga. Những biện pháp này có thể nhắm vào ngành dầu mỏ và khí đốt của Nga. Các giới chức chính quyền Obama nói rõ ràng là những chế tài này có tác dụng và Nga không muốn chịu thêm những chế tài khác nữa.

Trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình nhà nước, Bộ trưởng Ngoại giao Lavrov bác bỏ việc phương Tây cấm cấp visa và phong tỏa tài sản của những đồng minh của Tổng thống Vladimir Putin.

Ông Lavrov nói ông không muốn nói là các biện pháp này là nực cười. Ông cũng không muốn nói là Nga không quan tâm. Chúng rất khó chịu. Song sự kiện họ tìm cách áp dụng các biện pháp chế tài đó ở tầm mức cá nhân hơn và nhắm vào một số người nào đó rõ ràng chỉ có ý trả thù.

Tiếp theo những cuộc thảo luận, ngoại trưởng Kerry tìm cách tiếp tục làm áp lực đối với Nga tại cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao các nước NATO được tổ chức trong tuần này, với việc Tổng thống Obama kêu gọi liên minh xuyên Đại Tây Dương điều thêm quân đến những quốc gia “dễ bị ảnh hưởng.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG