Đường dẫn truy cập

Nghi ngờ về hình ảnh lạc quan trong chuyến thăm Anh của Chủ tịch Tập


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân trong chuyến thăm Mỹ hồi cuối tháng 9/2015.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân trong chuyến thăm Mỹ hồi cuối tháng 9/2015.

Vào lúc Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc chuẩn bị du hành sang Anh quốc trong tuần tới, các giới chức ở cả Bắc Kinh lẫn London đang tô vẽ một hình ảnh lạc quan về bang giao và đưa ra những dự kiến vĩ đại về tác động của chuyến thăm vượt ra khỏi quan hệ song phương.

Nhưng chuyến thăm sẽ đi vượt qua việc tăng cường quan hệ đến mức nào là điều chưa rõ, theo nhận xét của các chuyên gia phân tích ngoại giao, và không phải tất cả mọi người đều phấn khởi về chuyến thăm.

Bang giao giữa hai nước đã có nhiều phức tạp vì vấn đề lịch sử và quá khứ đô hộ của Anh. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho chuyến thăm, các chuyên gia Trung Quốc đã nói rằng chuyến đi sẽ đánh dấu sự xuất hiện của một “thời vàng son” trong đó Vương quốc Anh sẽ có tác dụng như một cửa ngõ để bành trướng việc đầu tư và ảnh hưởng của Trung Quốc ở phương Tây.

Ngay cả các vị bộ trưởng của Anh cũng gợi ý rằng chuyến thăm sắp tới sẽ có tác dụng xoay chuyển tình thế, với Bộ trưởng tài chính Anh George Osborne nói rằng Vương quốc Anh có thể trở thành “đối tác tốt nhất của Trung Quốc ở phương Tây”.

London bày tỏ sự sốt sắng muốn trở thành đối tác được ưa chuộng của Trung Quốc ở châu Âu trong những tháng gần đây, khi Anh trở thành quốc gia Tây phương đầu tiên thành lập một trung tâm kiểm soát đồng nguyên và sau đó gia nhập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Á châu do Trung Quốc lãnh đạo, bất chấp những dè dặt của các giới chức ở Washington.

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair dự kiến “một thập kỷ vàng” trong quan hệ giữa Anh và Trung Quốc. Ông nói Trung Quốc và Pháp có thể là những đối tác quan trọng đối với Anh trong lãnh vực năng lượng hạt nhân và Bắc Kinh có thể giúp phát triển cơ sở hạ tầng đường sắt.

Nhưng một số nhà phân tích coi tình hình một cách khác và nêu ra mức độ cực kỳ thấp của các giao dịch tài chính giữa hai nước. Trung Quốc chỉ chiếm có 0,1% số đầu tư vào Vương quốc Anh trong năm 2014, và gợi ý rằng London sẽ tiếp tục lệ thuộc nặng vào các thị trường Tây phương ngay cả sau khi số tiền mà Trung Quốc hứa hẹn đến nơi.

"Khi các lập trường rõ ràng ‘thân Trung Quốc’ như thế được quảng bá trong công chúng, kết quả trớ trêu là phân cực công luận", theo nhận định của ông David Kelly, một chuyên gia làm việc cho công ty nghiên cứu Chính sách Trung Quốc. Ông nói: “Một chính đảng đương quyền thúc đẩy một chính sách thân Trung Quốc cuối cúng sẽ bị thách thức bởi một đảng đối lập có thể bằng nhiều cách dùng những tín hiệu để rêu rao một chính sách chống Trung Quốc cho khối cử tri".

Chỉ trích về nhân quyền

Một thành phần trong giới truyền thông ở London đã chỉ trích các bộ trưởng Anh bị cho là khai thác tình cảm Trung Quốc và thậm chí nêu ra những quan ngại về việc đặt phát triển thương mại lên trên vấn đề nhân quyền khi giao dịch với Trung Quốc.

Chính phủ Anh nêu ra trong tuần này rằng họ đã trưng bày một biểu tượng của bản hiến pháp Anh ở Bắc Kinh tại tư thất của đại sứ và sau đó ở trường Đại học Nhân dân.

Đây được coi như một hành động để chứng tỏ rằng không có sự đi lệch ra khỏi niềm tin Anh quốc vẫn đặt vào pháp trị, ngay cả khi giao dịch với Trung Quốc.

Nhưng hiến chương bị bất chợt lấy ra khỏi nơi trưng bày ở trường Đại học Nhân dân, nêu ra những nghi vấn về việc liệu Ban chấp hành Đảng Cộng sản có bất bình về hành động dạy bảo cho sinh viên Trung Quốc về khái niệm dân chủ của Anh hay không.

Ông Kelly nói: “Chúng ta chưa thấy có cuộc thảo luận công khai về việc trưng bày bị gỡ bỏ ở trường Đại học Nhân dân. Cuối cùng chúng ta có thể biết được chẳng hạn là họ đã quyết định tránh né những sự hiểu lầm, và rằng không có sự can dự nào của Bộ Chính trị, Ủy ban An ninh Quốc gia hay cục tuyên truyền nào về quyết định gỡ bỏ ấy. Nhưng cũng có thể có tình trạng ngược lại như thế”.

Một số quan sát viên lo ngại các bộ trưởng Anh sẽ giữ im lặng về các vấn đề có liên quan đến nhân quyền và Tây Tạng trong thời gian ông Tập đến thăm để khỏi gây xáo trộn cho các kế hoạch đầu tư đang được thảo luận.

Ông Kerry Brown, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại trường Đại học Sydney nêu nhận định: “Về mặt nhân quyền và pháp trị, Vương quốc Anh không cần phải đứng cùng với các đối tác Âu châu khác, Hoa Kỳ, Australia và các đối tác khác trong việc duy trì một đường lối nhất quán về việc đối xử với các ký giả và các luật sư nhân quyền ở Trung Quốc chống lại những luật lệ và pháp trị mà bản thân chính phủ Trung Quốc nói là họ tôn trọng”.

Cửa ngõ Anh

Trung Quốc đang rất thẳng thừng về ý muốn dùng Anh Quốc như một cửa ngõ quan trọng giúp mở rộng đầu tư và ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Âu.

Ông Phương Vĩnh Bình, Phó chủ tịch Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, nói: “Nếu chúng ta có thể tham gia dự án xây dựng năng lượng hạt nhân ở Vương quốc Anh, tôi nghĩ sẽ không có giới hạn cho Trung Quốc trong việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở thế giới Tây phương”.

Ông Phương nói đầu tư Trung Quốc về cơ sở hạ tầng sẽ có tác dụng như một nhu cầu quan trọng về chính trị của chính phủ Anh. Phát triển cơ sở hạ tầng sẽ giúp chính phủ giao tiếp với một bộ phận các chính trị gia đòi nước này rút ra khỏi Liên hiệp châu Âu.

Trong khi đang chật vật để đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 7% và chống lại một loạt tin xấu về mặt trận kinh tế, Trung Quốc cũng cần phải có một số hợp đồng kinh doanh quan trọng ở nước ngoài để củng cố hình ảnh của mình, theo ông David Kelly của viện Chính sách Trung Quốc.

Ông nói: “Chuyến thăm sẽ tăng thêm uy tín về chính sách đối ngoại của ông ta và cũng củng cố sự tin tưởng vào các triển vọng ổn định kinh tế, đã bị nêu nghi vấn bởi những chấn động trong thị trường chứng khoán và tỷ giá hối đoái hồi hè vừa qua”.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG