Đường dẫn truy cập

Nghi ngờ về bầu cử Bangladesh sau vụ tẩy chay của phe đối lập


Cảnh sát cố gắng ngăn các nhà hoạt động của đảng cầm quyền - Liên đoàn Awami - tấn công các luật sư trung thành với đảng Quốc gia Bangladesh (BNP) trong một cuộc biểu tình bên ngoài Tòa án tối cao ở Dhaka, ngày 29/12/2013.
Cảnh sát cố gắng ngăn các nhà hoạt động của đảng cầm quyền - Liên đoàn Awami - tấn công các luật sư trung thành với đảng Quốc gia Bangladesh (BNP) trong một cuộc biểu tình bên ngoài Tòa án tối cao ở Dhaka, ngày 29/12/2013.
Cử tri Bangladesh sẽ đi bỏ phiếu vào ngày Chủ Nhật này, nhưng vì các đảng đối lập đang tẩy chay cuộc bầu cử nên có những nghi vấn về độ tin cậy của cuộc bầu cử. Thông tín viên Anjana Pasricha tường trình từ New Delhi về bế tắc chính trị mà quốc gia Nam Á này đang phải đối mặt.

Các chiến dịch, các cuộc mit-tinh và các biểu ngữ là những dấu hiệu thông thường của một cuộc bầu cử những những thứ này lại đang thiếu vắng ở Dhaka, thủ đô của Bangladesh. Có ít nhu cầu cho tất cả những thứ này.

Vì các đảng đối lập đang tẩy chay cuộc đầu phiếu, những ứng cử viên của Liên đoàn Awami, là đảng đương quyền, đã giành được 154 trong tổng số 300 ghế trong quốc hội đang được mang ra bầu chọn, khiến cho việc bỏ phiếu hôm Chủ Nhật trở nên vô nghĩa.

Giáo sư môn Quan hệ Quốc tế tại đại học Dhaka, ông Imitiaz Ahmed, cho biết thậm chí một số đồng minh trước đây của đảng cầm quyền cũng tham gia vào việc tẩy chay.

“Thực tế là hơn 50% số ghế không có tổ chức bầu cử và không có một lá phiếu nào được bỏ vào thùng phiếu, và họ lại được được đắc cử. Điều này là một vấn đề nghiêm trọng vào thời điểm này. Họ được chọn bởi vì chỉ có một ứng cử viên duy nhất”.

Bầu không khí ở quốc gia Nam Á này có tính chất dao động khá lớn. Bạo động đã leo thang kể từ khi cuộc bầu cử được loan báo vào cuối tháng 11. Ðã có những ghi nhận về người thiệt mạng trong các cuộc biểu bình trên đường phố.

Quân đội đã được triển khai để ngăn chặn bạo động. Dhaka hầu như đã bị tách hẳn ra khỏi những nơi khác trong nước , trong lúc nhà chức trách ra lệnh ngưng chỉ các dịch vụ xe buýt, tàu lửa và phà dẫn vào thành phố để ngăn chặn các cuộc biểu tình trên đường phố của những người ủng hộ phe đối lập.

Các đảng đối lập đã từ chối tham gia vào cuộc bầu cử vì chính phủ đã từ bỏ cách làm trong quá khứ là tổ chức bầu cử dưới một chính phủ tạm quyền. Cơ chế này đã bị hủy bỏ cách nay hai năm. Các nhà phân tích chính trị cho rằng sự hủy bỏ đó có thể bắt nguồn từ sự kiện là những thất bại trong các cuộc bầu cử cấp địa phương cho thấy sự ủng hộ yếu ớt đối với đảng cầm quyền.

Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và khối thịnh vượng chung đã từ chối phái quan sát viên đến theo dõi cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật. Họ cho rằng giới hữu trách Bangladesh cần phải tạo ra các điều kiện cho một cuộc bầu cử có tính chất minh bạch và bao gồm nhiều thành phần và xu hướng chính trị. Họ kêu gọi chính phủ giải quyết vụ bế tắc chính trị.

Giáo sư Amena Mohsin của đại học Dhaka hy vọng Thủ tướng Sheikh Hasina cuối cùng sẽ đồng ý đứng sang một bên để một chính quyền tạm quyền giám sát cuộc bầu cử mới.

“Cộng đồng quốc tế đã nói rằng những cuộc bầu cử này là không đáng tin cậy. Không ai xem nó là nghiêm túc cả. Mọi người đang nghĩ đây chỉ là một sự việc có tính chất tạm bợ, vá víu. Tôi nghĩ áp lực quốc tế và sự leo thang bạo lực sẽ buộc bà ấy phải xem xét lại”.

Bế tắc chính trị vì cuộc bầu cử đã diễn ra giữa lúc những căng thẳng tăng cao trong nước khi một toà án xét xử tội ác chiến tranh đã kết án từ hình nhiều nhà lãnh đạo của phe Hồi giáo vì vai trò của họ trong cuộc chiến giành độc lập năm 1971.

Phân cực chính trị không phải là mới đối với Bangladesh. Hai đảng chính của quốc gia này đều do phụ nữ đứng đầu - Thủ tướng Sheikh Hasina và lãnh đạo đối lập Khaleda Zia, và sự kình địch giữa hai nhà lãnh đạo này đã phủ bóng mờ lên trên chính trường của nước này trong nhiều thập niên qua. Tuy nhiên các nhà phân tích chính trị cho rằng vụ khủng hoảng hiện nay là một trong những sự việc nghiêm trọng nhất mà nước này phải đối diện.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG