Đường dẫn truy cập

Mỹ tin sẽ không có đảo chánh quân sự ở Thái Lan


Người biểu tình chống chính phủ phất cờ trước cảnh sát chống bạo động và binh sĩ Thái Lan tại thủ đô Bangkok.
Người biểu tình chống chính phủ phất cờ trước cảnh sát chống bạo động và binh sĩ Thái Lan tại thủ đô Bangkok.
Hai viên chức của chính quyền Obama cho biết họ không tin quân đội Thái Lan sẽ can thiệp vào vụ khủng hoảng chính trị hiện nay như họ đã làm trong cuộc đảo chánh không đổ máu năm 2006. Thông tín viên Victor Beattie của đài VOA có bài tường thuật sau đây.

Thừ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ phụ trách Nam Á và Đông Nam Á, bà Amy Searight, thừa nhận Thái Lan đang lâm vào một vụ khủng hoảng chính trị. Phát biểu hôm thứ ba tại một cuộc hội thảo ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington, bà Searight nói rằng Hoa Kỳ tôn trọng quyền của Thái Lan trong việc giải quyết các vấn đề nội bộ và tìm kiếm một con đường tiến tới phù hợp với lợi ích của người dân Thái Lan.

"Nhưng, trong lúc xảy ra cuộc khủng hoảng này, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ xin được tán dương sự tự chế và tinh thần chuyên nghiệp mà Quân đội Hoàng gia Thái Lan đã chứng tỏ. Điều này quả thật đã cho mọi người thấy rõ sự tiến hóa theo một chiều hướng tích cực trong mối quan hệ giữa phe dân sự và phe quân sự ở Thái Lan."

Bà Searight cho biết sự tự chế của quân đội Thái Lan là một quyết định có tính chất chiến lược và họ không muốn dính líu vào vấn đề chính trị một lần nữa, sau khi đã học được những bài học sau cuộc đảo chánh năm 2006.

"Phải chăng chúng tôi tin là họ sẽ tiếp tục có sự tự chế và thái độ chuyên nghiệp trong tình hình hiện nay? Xin thưa là chúng tôi tin tưởng khá nhiều. Như quí vị đã biết, đây là một tình huống phức tạp và có nhiều chuyện có thể xảy ra, và vì lý do đó, chúng tôi đang theo dõi sát tình hình và duy trì sự tiếp xúc với các đối tác Thái Lan. Vì vậy, tôi không muốn nói là chúng tôi tin tưởng quá độ về bất kỳ sự việc nào có thể sẽ xảy ra. Và vào thời điểm này, chúng tôi không có lý do nào để nghĩ rằng quân đội Thái Lan sẽ thay đổi lập trường hiện nay của họ."

Bà Searight cho biết Hoa Kỳ sát cánh với Thái Lan trong giai đoạn khó khăn này và sự hợp tác quân sự giữa hai nước đang ở vào tình trạng tốt đẹp hơn bao giờ hết.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra vẫy chào người ủng hộ tại Bangkok, ngày 7/5/2014.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra vẫy chào người ủng hộ tại Bangkok, ngày 7/5/2014.

Thái Lan đang có một chính phủ tạm quyền sau khi cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, cùng với 9 thành viên nội các, bị Tòa án Hiến pháp cách chức hồi tuần trước vì can tội lạm quyền. Kết quả cuộc bầu cử sớm diễn ra hồi tháng hai đã bị vô hiệu hóa và chính phủ hiện nay nói rằng họ hy vọng sẽ xúc tiến cuộc bầu cử mới vào ngày 20 tháng 7.

Ông Scot Marciel, Chánh Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á Thái bình dương, cho biết Washington không tìm cách áp đặt một giải pháp cho vụ khủng hoảng. Ông gọi Thái Lan là một đồng minh có hiệp ước, một nước bạn thân thiết và một đối tác thương mại quan trọng. Ông Marciel nói thêm như sau.

"Chúng tôi quan tâm tới sự ổn định chính trị và thể chế dân chủ ở Thái Lan và chúng tôi rất mong là họ có thể giải quyết những vấn đề đó một cách nhanh chóng. Và chúng tôi đã khẳng định là theo quan điểm của chúng tôi, những vấn đề đó phải được giải quyết theo một cách thức phù hợp với hiến pháp, một cách dân chủ, và dĩ nhiên là một cách hòa bình."

Chuyên gia Đông Nam Á của CSIS, ông Ernest Bower, cho rằng cuộc xung đột ở Thái Lan có phần chắc sẽ tiếp diễn.

"Đây là một cuộc đấu tranh quyền lực vô cùng gay gắt, 100 năm mới có một lần. Điều quan trọng là ai là người nắm giữù quyền hành khi cuộc thừa kế ngôi vua diễn ra, khi Quốc vương Bhumipol băng hà. Và do đó, bất chấp những dấu hiệu khả quan mà chúng ta đang thấy, bất kể vị thủ tướng nào sẽ bị lật đổ trong tương lai gần, cuộc đấu tranh này sẽ không chấm dứt cho tới khi nào việc kế vị diễn ra. Chúng ta không thể và không nên trông đợi có được một giải pháp hay có sự ổn định ở Thái Lan cho tới khi việc đó xảy ra, và khi việc đó xảy ra, Thái Lan sẽ cần có bạn bè và chúng ta cần có mặt ở đó."

Tuần trước, Quốc vương Bhumipol, 86 tuổi, đã có một cuộc xuất hiện hiếm có trước công chúng để kỷ niệm năm thứ 64 ngày ông đăng quang.

Ông Bower nói rằng Washington có nhiều ảnh hưởng đối với Thái Lan, bao gồm những mối quan hệ tốt đẹp với quân đội, sự tiếp xúc chặt chẽ với tất cả các phe trong vụ khủng hoảng chính trị và những mối quan hệ vô cùng tốt đẹp với cộng đồng doanh thương Thái Lan.

Ông Bower cho rằng một nước Thái Lan hùng cường và ổn định là quan trọng đối với Hoa Kỳ vì sự đóng góp của họ cho nền kinh tế khu vực và toàn cầu và mối quan hệ an ninh giữa Bangkok với Washington.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG