Đường dẫn truy cập

Lý thuyết sổ hưu của Đại tá Thanh


Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Trần Đăng Thanh thuộc Học viện Chính trị của Bộ Quốc phòng (anhbasam.wordpress)
Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Trần Đăng Thanh thuộc Học viện Chính trị của Bộ Quốc phòng (anhbasam.wordpress)
Trong những ngày cuối năm 2012 này, một nhân vật bình thường của Việt Nam bỗng trở nên nổi tiếng/tai tiếng. Bài phát giảng được thu âm của ông Trần Đăng Thanh về chính trị và quốc phòng cho lãnh đạo các trường đại học ở Hà Nội không những trở thành một chủ đề nóng được đem ra bình luận ở khắp nơi trong số các nhóm người Việt trong và ngoài nước mà còn được Asia Times đưa tin với tựa đề giật gân “các bí mật quốc gia bị tiết lộ ở Việt Nam”.

Theo giới thiệu trong băng ghi âm, người giảng/báo cáo là Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Trần Đăng Thanh thuộc Học viện Chính trị của Bộ Quốc phòng. Người nghe là các lãnh đạo đảng ủy khối, lãnh đạo đảng, tuyên giáo, công tác chính trị, quản lý sinh viên, đoàn, hội thanh niên các trường đại học - cao đẳng Hà Nội. Nội dung chính của bài giảng là về tình hình Biển Đông và chính sách của nhà nước Việt Nam về Biển Đông.

Ông Trần Đăng Thanh tỏ ra khá am hiểu về tình hình tranh chấp trên Biển Đông. Ông khẳng định Trung Quốc là nước có nhiều hành động xâm lấn “hơn”. Ông cho rằng “Nhiều hơn là Trung Quốc. Một là họ đẩy mạnh tuyên truyền Biển Đông là của Trung Quốc tạo dựng hành lang pháp lý với quốc tế, đấy là việc làm đầu tiên của họ. Thứ hai là đẩy mạnh đầu tư nâng cấp vùng chiếm đóng đặc biệt là Hoàng Sa […]. Thứ ba là ngăn cản phá hoại các hoạt động kinh tế trên Biển Đông của ta. Thứ tư là đẩy mạnh đánh bắt thủy sản tạo ra vùng đánh bắt truyền thống. Thứ năm, thăm dò, khảo sát, mời thầu vùng tài nguyên trên biển của chúng ta. Thứ sáu, tìm mọi cách để hạ đặt giàn khoan trên biển của ta nếu ta không ngăn chặn kịp thời. Thứ bảy là chiếm bãi cạn của ta trong trường hợp ta không có người chốt giữ, nếu mà ta sơ xểnh cái là nó cướp luôn. Và đích cuối cùng là độc chiếm Biển Đông.”

Tuy nhiên, lý thuyết mà Đại tá Thanh đưa ra liên quan đến cách đối phó với Trung Quốc, hay nói cách khác, là chính sách của nhà nước Việt Nam về Biển Đông, cái mà ông gọi “là cốt lõi nhất để định hướng cho các thầy và các thầy lại truyền lửa cho sinh viên đấy” thì lại rất hoang đường.

Không chỉ chĩa mũi dùi vào Trung Quốc

Đầu tiên, ông cho rằng về mặt nhận thức chung, thì Việt Nam không “được phép là chĩa mũi dùi vào một phía nào đó mà hiện nay thiên hướng là cứ tập trung vào mỗi ông Trung Quốc”. Ông cho rằng nếu chúng ta chỉ tập trung vào mỗi một mình Trung Quốc là hoàn toàn chưa đúng, chưa chính xác mà phải đặt trong mối quan hệ tổng thể Việt Nam với Trung Quốc, Việt Nam với Mỹ, và Việt Nam với các nước ASEAN.

Lý do theo ông Thanh là, mặc dù Trung Quốc trong suốt lịch sử thời phong kiến đã có tới “trên dưới hai chục lần các triều đại phong kiến Trung Quốc đã từng xâm lược Việt Nam”, thế nhưng “trong 4 năm kháng chiến chống Pháp, 21 năm chống Mỹ, nhân dân Trung Quốc, nhà nước Trung Quốc đã từng nhường cơm xẻ áo dành cho chúng ta từ hạt gạo, từ khẩu súng, từ đôi dép để chúng ta giành thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp và thắng Mỹ. Như vậy ta không quên họ đã từng xâm lược chúng ta nhưng ta cũng không được quên họ đã từng nhường cơm xẻ áo cho chúng ta. Ta không thể là người vong ơn bội nghĩa.”

Ngược lại, Phó Giáo sư Thanh, người không biết nói tiếng Anh, cho rằng nước “Mỹ chưa hề, chưa từng và không bao giờ tốt thật sự với chúng ta cả. Phải nói rõ luôn. Nếu có tốt chỗ này, có ca ngợi chúng ta chỗ kia, có ủng hộ chúng ta về Biển Đông chẳng qua vì lợi ích của họ. Họ đang thực hiện ‘thả con săn sắt, bắt con cá rô’. Họ chưa bao giờ tốt thật sự với chúng ta, tội ác của họ trời không dung, đất không tha.” Ông khuyến cáo “Để thay đổi Việt Nam, Mỹ cần phải dựa vào kinh tế và chất xám của thế hệ trẻ Việt Nam được học tập và đào tạo tại Mỹ và phương Tây […] Cho nên một trong 9 mũi tiến công là người Mỹ đang thực hiện diễn biến hòa bình trên lĩnh vực giáo dục đào tạo của chúng ta.”

Ba không bốn tránh

Về mặt nguyên tắc để xử lý vấn đề Biển Đông, ông Thanh đưa ra 7 nguyên tắc mà ông gọi là “3 không, 4 tránh”.

Ba không, theo ông là thứ nhất không được mất là chủ quyền và quyền chủ quyền. Thứ hai không được mất là môi trường hòa bình, và thứ ba không được mất là mối tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Ông cho rằng nếu hai cái “không” đầu tiên mâu thuẫn với nhau, thì “phải ưu tiên tối thượng là giữ được môi trường hòa bình” - tức là ông đặt hoà bình lên trên việc mất chủ quyền. Lý do theo ông Thanh là nếu “để xảy ra chiến tranh, xin thưa với các đồng chí vất vả lắm”.

Biện minh cho cái “không” thứ ba, ông lập luận “lịch sử giao cho dân tộc chúng ta phải sống bên cạnh cái nước ta bảo họ tư tưởng nước lớn, không phải tư tưởng, họ là nước lớn thật sự. Nói tư tưởng thế nào được, họ là nước lớn thật sự. Dân số của họ là 1 tỷ 354 triệu người dân, ta có 87 triệu, họ là nước lớn thật sự”. Vì thế, ông cho rằng “cho nên ta phải học tập cha ông chúng ta”. Ông dẫn ra câu chuyện của nhà Lê sau khi chém Liễu Thăng vẫn phải “sang cống nạp để làm sao hòa hiếu giữ cho muôn đời không phải chiến tranh”.

Bốn cái tránh, theo Đại tá Thanh là (1) tránh đối đầu quân sự, (2) tránh đối đầu toàn diện, (3) tránh bị bao vây cô lập, và (4) tránh lệ thuộc nước ngoài. Ông không đưa ra giải thích nào về việc tại sao phải có 4 cái tránh này.

Kiên quyết bảo vệ chủ quyền bằng phản đối chính thức

Theo Đại tá Thanh, việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông là phải “kiên quyết, kiên trì, khôn khéo, không khiêu khích, không mắc mưu khiêu khích và phải kiên định, đấu tranh bằng biện pháp hòa bình.” Đó là các nguyên tắc chung, nhưng các hành động cụ thể là gì?

Ông đưa ra hai ví dụ. Ví dụ đầu, theo ông, là “hành động đấu tranh kiên quyết, kiên quyết đỉnh cao”. Đó là việc “đồng chí Tổng Bí thư của chúng ta sang tận bên kia nói rõ, và nói rõ với Hồ Cẩm Đào rằng: Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý, các đồng chí không nhất trí, tôi với các đồng chí cùng ra tòa quốc tế. Tòa án quốc tế xử lý như thế nào thì tôi chấp nhận như thế. Tổng Bí thư ta đã khẳng định như vậy đấy.” Ông cho rằng “như vậy là rất kiên quyết rồi, không có úp mở gì cả, ta không có né không có tránh gì cả.”

Ví dụ thứ hai mà Đại tá Thanh đưa ra là “vừa rồi cuộc đấu tranh mới nhất là Bộ Quốc phòng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tổng tham mưu trưởng Trung Quốc đã trả lời rất rõ: vấn đề đó là của Việt Nam.”

Ông Thanh không đưa ra khuyến nghị nào hướng dẫn cho sinh viên, thanh niên tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông. (còn tiếp)

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

VOA Express

XS
SM
MD
LG