Đường dẫn truy cập

Lo sợ Bạo động, gian lận bao phủ cuộc bầu cử ở Afghanistan


Nhân viên phụ trách bầu cử dùng lừa để vận chuyển thùng phiếu và các vật liệu dùng cho phòng phiếu, 3/4/14
Nhân viên phụ trách bầu cử dùng lừa để vận chuyển thùng phiếu và các vật liệu dùng cho phòng phiếu, 3/4/14
Nhiều triệu người Afghanistan được yêu cầu bất chấp những đe dọa của tổ chức Taliban và tham gia cuộc bầu cử Tân Tổng thống được tổ chức vào thứ Bảy này. Nhưng nhân dân Afghanistan và các nhà phân tích nói rằng mối lo sợ lớn nhất của họ là cuộc bầu cử này sẽ bị làm hỏng vì gian lận, và các ứng cử viên thất cử sẽ không chấp nhận kết quả. Điều đó có thể dẫn tới tình trạng xáo trộn, bất ổn và bạo động nhiều hơn.

Cho tới nay, có ba ứng cử viên dẫn trước: ông Ashraf Ghani, một cựu giới chức Ngân hàng Thế Giới, ông Abdullah Abdullah, một cựu bộ trưởng ngoại giao, và ông Zalmai Rasoul, cũng là một cựu bộ trưởng ngoại giao. Ngoài những khác biệt về cung cách cá nhân, ông Ghani được coi như một người câu nệ hình thức, ông Abdullah là một người quý tộc ăn mặc lịch sự, và ông Rasoul là một người chủ trương chế độ kỹ trị, có quan hệ thân cận với Tổng thống Hamid Karzai. Không có nhiều khác biệt mấy trong những thông điệp vận động.

Cả ba ông đều thề quyết chống tham nhũng, cải thiện nền kinh tế yếu kém, tạo công ăn việc làm, và điều hành tốt việc nước, cũng như lãnh đạo đất nước tiến tới. Mỗi người đều tuyên bố là sẽ ký hiệp định song phương với Hoa Kỳ. Và cả ba ứng cử viên này đều hứa hẹn là bảo vệ quyền lợi của phụ nữ.

Nhưng ông Abdullah đã chọn một lập trường cứng rắn hơn đối với Taliban, và thề quyết sẽ thay đổi hệ thống chính trị hiện tại vốn đặt hầu hết quyền lực trong tay Tổng thống, thành một chế độ đại nghị.

Các giới chức bầu cử hy vọng là có khoảng 12 triệu cử tri bất chấp những đe dọa của phe Taliban và tham gia bỏ phiếu. Cũng có khoảng 300000 binh sĩ và nhân viên cảnh sát được triển khai khắp nước để bảo vệ khoảng 6400 phòng phiếu hầu cầm chắc là cuộc bầu cử sẽ diễn ra.

Nhưng trên các đường phố bụi bậm và lộn xộn của Kabul, các cử tri như ông Mullah Mohammad Aman lo ngại hơn về gian lận bầu cử cũng như phản ứng của các ứng cử viên trước kết quả cuộc bầu cử này. Ông nói:

Bất cứ ứng cử viên nào thắng cuộc bầu cử một cách sạch sẽ, chúng tôi sẽ chấp nhận họ. Lo ngại của chúng tôi là về gian lận và nếu có gian lận và cuộc bầu cử bước sang vòng thứ nhì, khi đó đất nước này, vốn đã phải chịu quá nhiều đổ máu, sẽ lại phải chịu khốn khổ vì bạo động. Chúng tôi kêu gọi tất cả các ứng cử viên tôn trọng lá phiếu của nhân dân. ”

Nhân dân Afghanistan vẩn còn nhớ những cáo buộc rộng rãi về gian lận bầu cử, dồn phiếu vào thùng, các phiếu ma, và tham nhũng tràn lan đã làm hỏng cuộc bầu cử năm 2009. Cuối cùng, Tổng thống Hamid Karzai thắng cuộc bầu cử đó trước khi vòng bầu cử thứ nhì được tổ chức vì ông Abdullah Abdullah đã rút khỏi vai trò ứng cử viên của ông.

Theo các giới chức Liên Hiệp Quốc tại Kabul, các giới chức bầu cử đã được chuẩn bị khá hơn cho cuộc bầu cử lần này. Khoảng 750 phòng phiếu tại những khu vực không an ninh đã được đóng cửa, ít hơn nhiều so với 2000 phòng phiếu bị đóng cửa năm 2009.

Một số nhà phân tích cũng e ngại rằng hệ thống bảo trợ mạnh mẽ của Tổng thống Hamid Karzai cho một ứng cử viên có thể làm sai lạc kết quả cuộc bầu cử. Ông Peter Galbraith, cựu đại diện đặc biệt của phái đoàn Liên Hiệp Quốc tại Afghanistan là một trong những người đó.

Ông nói, “Ủy ban Bầu Cử Độc lập do ông Karzai chỉ định, như vậy không phải ông Karzai chỉ bổ nhiệm những người điều hành cuộc bầu cử, có trách nhiệm đối với ông, mà còn bổ nhiệm những người sẽ quyết định nếu bất cứ điều gì trái quy luật bầu cử, và kết quả là sẽ khó có nhiều tin tưởng vào hệ thống bầu cử này.”

Hầu hết nhân dân Afghanistan chờ đợi trường hợp có một mức độ gian lận, không có người thắng rõ ràng, và một vòng bầu cử thứ nhì. Nhưng, các nhà phân tích nói rằng sẽ được coi là đủ nếu chính nhân dân Afghanistan -- và các ứng cử viên – sẵn lòng chấp nhận kết quả cuối cùng.

Ông Andrew Wilder thuộc Viện Hòa Bình Hoa Kỳ nói rằng, một số các ứng cử viên hàng đầu đã nói về việc xây dựng sự đồng thuận sau bầu cử. Ông nói, “Tôi nghĩ là họ biết khá hơn về người nào sẽ thua, và điều gì đang bị đe dọa ở đây, và có lẽ sẽ có nhu cầu cho một loại chính phủ đoàn kết quốc gia khi một số ứng cử viên thất cử sẽ được dàn xếp bởi những người thắng cử.”

Kết quả sơ khởi sẽ được cống bố vào ngày 24 tháng Tư, hơn 2 tuần lễ sau ngày bầu cử. Ngày kiểm phiếu cuối cùng hy vọng sẽ là 14 tháng Năm. Nếu không có người thắng cử dứt khoát, cuộc bầu cử vòng nhì sẽ được tổ chức trong vòng 2 tuần lễ. Nhưng các ứng cử viên và những người ủng hộ họ đã nói rằng họ sẽ không công nhận kết quả nếu họ nghi ngờ là có gian lận.

Văn phòng của ông Jandad Spinghar, Giám đốc điều hành Tổ chức Bầu cử Tự do và Công bằng của Afghanistan (FEFA) giản dị, và giống như hầu hết các văn phòng ở đây, nằm khuất sau các cổng cao bằng kim loại được giăng giây thép gai phía trên. Phe Taliban đã nhiều lần thề quyết giết chết những ai tham gia cuộc bầu cử này.

Ông Spinghar nói rằng điều thiết yếu là các ứng cử viên thất cử chấp nhận bị đánh bại.” Trên phương diện chính trị, cộng đồng quốc tế và xã hội dân sự Afghanistan nên đóng một loại vai trò để tìm cách thuyết phục các ứng cử viên này rằng họ nên đạt được một thỏa thuận về một số nguyên tắc tổng quát theo đó họ chấp nhận kết quả cuối cùng.”

Cuộc bầu cử này được coi như quan trọng cho sự ổn định và tương lai chính trị cũng như kinh tế của Afghanistan. Đây cũng là một trắc nghiệm về khả năng của lực lượng an ninh Afghanistan để đẩy lui những cuộc tấn công của các phần tử tranh đấu và duy trì an ninh cho đất nước họ.

Các phần tử tranh đấu cũng quyết tâm không kém trong việc gây trở ngại cho cuộc bầu cử này. Quyền Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc Gia, ông Rahmatullah Nabil, nói rằng nhiều tổ chức tranh đấu khác nhau, trong đó có Pakistan Taliban, sẽ hợp lực với Afghanistan Taliban trong toan tính đạt được mục tiêu này.

Nhiều cử tri đang đợi cho tới ngày bầu cử để quyết định xem có đủ an toàn để đi tới các phòng phiếu tại địa phương họ hay không. Vụ đánh bom gây nhiều đổ máu và các cuộc tấn công bằng súng mới đây tại Kabul cũng như trên khắp nước đã khiến nhiều người e ngại. Điều đó có nghĩa là vào đêm trước ngày bầu cử quan trọng này, hãy còn chưa rõ ai sẽ thắng, và vì thế cũng chưa biết được Afghanistan sẽ chọn đi theo chiều hướng nào cho 5 năm sắp tới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG