Đường dẫn truy cập

Liệu phương Tây có đủ biện pháp đối phó với nhóm Nhà nước Hồi giáo?


Các chiến binh thuộc các bộ tộc được triển khai để chiến đấu chống các phần tử chủ chiến nhóm Nhà nước Hồi giáo trong thị trấn Haditha, nằm về hướng tây bắc Baghdad, 25/8/14
Các chiến binh thuộc các bộ tộc được triển khai để chiến đấu chống các phần tử chủ chiến nhóm Nhà nước Hồi giáo trong thị trấn Haditha, nằm về hướng tây bắc Baghdad, 25/8/14

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã loại bỏ khả năng gửi bộ binh đến Iraq để chống các phần tử chủ chiến thuộc nhóm gọi là Nhà nước Hồi giáo, hay ISIS, bất chấp việc các giới chức ở Washington mô tả nhóm cực đoan này là mối đe doạ lớn nhất mà Hoa Kỳ phải đối mặt trong nhiều năm. Thông tín viên VOA Henry Ridgwell tại London ghi nhận về tình trạng bất định ngày càng tăng có liên quan đến việc liệu sự đáp ứng của phương Tây đối với ISIS có sẽ đủ để đánh bại nguy cơ khủng bố hay không.

Chỉ trong vòng 2 năm, nhóm tự xưng là Nhà nước Hồi giáo đã đi từ chỗ là một liên minh lỏng lẻo các nhóm Hồi giáo nổi loạn đến chỗ là một lực lượng chiến đấu nắm quyền kiểm soát nhiều vạt đất ở Syria và Iraq.

Phản ứng của nước Mỹ cho tới nay là những cuộc không kích có giới hạn khởi đi từ một hàng không mẫu hạm trong vùng Vịnh Ba Tư. Điều đó sẽ không đủ để đánh bại các phần tử khủng bố, theo nhận định của ông Thomas Hegghammer, giám đốc về nghiên cứu khủng bố tại Cơ sở Nghiên cứu Quốc phòng Na Uy ở Oslo. Ông nói:

“Oanh kích không thôi chưa đủ. Chúng chỉ có thể làm khuấy động cái tổ ong.”

Phát biểu hôm thứ ba, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama một lần nữa loại trừ khả năng đưa bộ binh Mỹ vào chiến trường Iraq:

“Chúng ta sẽ không cho phép Hoa Kỳ bị lôi kéo trở lại vào một cuộc bộ chiến khác ở Iraq. Bởi vì chung cuộc, việc thu hẹp cách biệt và tự cứu mình là tuỳ thuộc vào phía Iraq.”

Theo ông Thomas Hegghammer, có một yếu tố sử dụng các thủ đoạn để đạt lợi thế tâm lý trong sách lược ngoại giao giữa phương Tây:

“Các nước địa phương có xu hướng chờ đợi một nước lớn như Hoa Kỳ can thiệp và bao dàn mọi thứ về mặt tiền bạc cũng như sinh mạng. Cái khó là tránh được điều đó, làm sao để các nhân vật chính ở địa phương can dự và nhận lãnh phần chi trả nhiều hơn.”

Sự bất động hiện thời đang đem lại thêm sức mạnh cho ISIS, theo nhận xét của ông Shiraz Maher thuộc Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu về Chủ nghĩa Cực đoan tại trường Đại học Kings ở London:

“Ngay lúc này dứt khoát không có động năng hay thích thú nào để đưa binh sĩ vào chiến trường ở Iraq hay Syria. Và điều không may là nếu không như vậy thì dường như không thể nào chống lại ISIS được. Các quân đội của Syria và Iraq không có khả năng làm việc ấy, không có lực lượng Ả Rập nào sẽ làm điều này ngay cả nếu có khả năng, và điều đó khiến cho ISIS trở thành một nguy cơ tiềm tàng như thế.”

Ông Thomas Hegghammer cho rằng các hành động mới đây của ISIS – trong đó có việc sát hại các nhóm thiểu số Cơ đốc giáo và Yazidi và việc chặt đầu ký giả Mỹ James Foley – dường như nhắm mục đích khiêu khích phương Tây. Ông nói:

“ISIS có thể muốn có một sự can thiệp ở mức trung bình của phương Tây ở Iraq, một sự can thiệp đủ lớn để đem lại cho ISIS sự khả tín chính trị và giúp họ trong việc tuyển mộ, nhưng một sự can thiệp không lớn đến độ có thể gây sứt mẻ nghiêm trọng, về mặt quân sự.”

Trên hiện trường ở miền bắc Iraq, lực lượng của người Kurd đã ở tuyến đầu chiến đấu với ISIS. Nhiều nước Tây phương đã dành vũ khí cho họ. Điều đó sẽ giúp họ có khả năng chống ISIS, theo ông Bayan Sami Abdul Rahman, đại diện của Chính quyền Khu vực Kurd ở London.

“Chúng tôi không kêu gọi đưa quân đến hiện trường. Chúng tôi đã có quân của chúng tôi: chúng tôi có Peshmerga. Nhưng chúng tôi kêu gọi có thêm viện trợ, nhất là có thêm các cuộc oanh kích, vũ khí cho Peshmerga, hỗ trợ hậu cần và chia sẻ tình báo.”

Chưa chắc được liệu sự hỗ trợ Tây phương dưới hình thức đó có đưa đến việc đánh bại được Nhà nước Hồi giáo hay không. Nhưng Hoa Kỳ và các đồng minh quyết tâm rằng bộ quân sẽ không trở lại các vùng sa mạc của Iraq trong nay mai.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG