Đường dẫn truy cập

LHQ đánh dấu kỷ niệm 20 năm Tuyên ngôn Nhân quyền


Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon.
Hôm nay là Ngày Nhân quyền Quốc tế. Ngày Nhân quyền năm nay cũng là ngày Liên hiệp quốc đánh dấu kỷ niệm 20 năm ngày các nước ký kết Tuyên bố Vienna để cam kết bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền của mọi người và lập ra chức vụ Cao ủy trưởng Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc. Từ trụ sở Liên hiệp quốc ở New York, thông tín viên Magaret Besheer của đài chúng tôi gởi về bài tường thuật sau đây.

Trẻ em tới trường để học tập là một việc dường như rất đơn giản.

Tuy nhiên, vụ tấn công hồi năm ngoái của phe Taliban nhắm vào Malala Yousafzai, một thiếu nữ tranh đấu cho quyền đi học của bé gái ở Pakistan, đã cho mọi người thấy rằng đi học không phải là một quyền tự dưng mà có.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon nói rằng 57 triệu trẻ em trên thế giới không thể tới trường. Nhiều em trong số đó sinh sống ở những khu vực có xung đột và hầu hết là bé gái.

"Không có em bé nào phải chết vì cắp sách tới trường. Không có nơi nào mà giáo viên sợ dạy hay trẻ em sợ học."

Quyền được giáo dục, quyền của trẻ em, bài trừ nạn bạo hành phụ nữ, và xóa bỏ nghèo đói là những mục tiêu mà Công ước Vienna đề ra cho tất cả mọi người.

Phụ tá Tổng thư ký Liên hiệp quốc đặc trách nhân quyền Ivan Simonovic nói rằng tuyên bố năm 1993 là một bước ngoặt.

"Đó là một sự kiện thật sự đã đưa nhân quyền lên tuyến đầu của nghị trình làm việc toàn cầu."

Tuy đã có nhiều tiến bộ, ông Philippe Bolopion của tổ chức Human Rights Watch nói rằng cuộc tranh đấu vẫn tiếp diễn.

"Vào một ngày như ngày hôm nay, chúng ta khó lòng không nghĩ tới những thường dân đang bị mắc kẹt ở Syria hay ở Cộng hòa Trung Phi, những người có lẽ đang nghĩ rằng cộng đồng quốc tế không chu toàn nhiệm vụ bảo vệ cho họ. Và họ nghĩ như vậy là đúng. Mặc dù đã có những tiến bộ mà chúng ta đã thấy ở Liên hiệp quốc liên quan tới việc đặt nhân quyền làm ưu tiên hàng đầu, vẫn còn những thiếu sót mang tính bi kịch và thông thường thì thường dân là những người phải trả giá đắt."

Ông Simonovic cho rằng chà đạp nhân quyền thường là dấu hiệu đầu tiên của xung đột.

"Nếu chúng ta hành động kịp thời, thì có lẽ chúng ta có thể ngăn chận được những vụ xung đột. Ông Tổng thư ký đang đưa kế hoạch hành động mới có tên là Rights Up Front, Nhân quyền trên hết. Kế hoạch này đặt nhân quyền vào vị trí trung tâm của nỗ lực ngăn chận xung đột."

Các chính phủ có nhiệm vụ bảo vệ nhân quyền. Tuy nhiên, ở Syria và Cộng hòa Trung Phi, các quan chức chính phủ nằm trong số những người bị tố cáo là thủ phạm của những hành vi tàn ác.

Ông Bolopion của tổ chức Human Rights Watch mới đây đã đến thăm Cộng hòa Trung Phi và cho biết ông đã gặp nhiều người có thân nhân bị giết hại bởi những phiến quân giờ đây đang nắm quyền ở nước này.

"Thông thường thì chính phủ là những kẻ chịu trách nhiệm đối với những vụ ngược đãi nghiêm trọng nhắm vào dân chúng của họ, và khi những việc như vậy xảy ra thì cộng đồng quốc tế cần phải ra tay ngăn chận."

Trong ngày Nhân quyền Quốc tế năm nay, Liên hiệp quốc vinh danh 5 nhà bảo vệ nhân quyền, trong đó có một nhà báo ở Ma rốc và cô Malala Yousafzai, thiếu nữ tranh đấu cho quyền đi học của bé gái ở Pakistan.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG