Đường dẫn truy cập

Lãnh tụ biểu tình Miến Điện vẫn bi quan về việc cởi mở chính trị


Ông Gambira nói tôi bị buộc phải cởi áo tu. Tôi thực sự không bằng lòng và tôi không muốn từ bỏ cuộc sống tu hành, nhưng quân đội áp lực nặng nề lên tôi
Ông Gambira nói tôi bị buộc phải cởi áo tu. Tôi thực sự không bằng lòng và tôi không muốn từ bỏ cuộc sống tu hành, nhưng quân đội áp lực nặng nề lên tôi

Cởi mở chính trị tại Miến Điện được ca ngợi như là việc nới lỏng quyền hành của quân đội và cho phép nhà cầm quyền cai trị một cách dân chủ hơn. Tuy nhiên một số người chỉ trích, như các nhà sư lãnh đạo cuộc nổi dậy năm 2007 được biết dưới tên Cách mạng Tăng bào, nói tình hình nói chung vẫn không thay đổi. Tại miền bắc Thái Lan, Thông tín viên Steve Standford nói chuyện với ông Gambira, một nhà hoạt động chính trị và là một cựu tu sĩ Phật giáo đã trở thành một khuôn mặt của quần chúng trong cuộc nổi dậy cuối cùng tại Miến Điện.

Vào tháng 8 năm 2007, hàng ngàn người tại Miến Điện, đã xuống đường để phản đối việc giá xăng dầu và thực phẩm gia tăng.

Trong những tuần lễ sau đó, có thêm nhiều nhà sư tham gia cuộc phản kháng mà sau này được gọi là cuộc Cách mạng Tăng bào.

Ông Gambira nói các nhà hoạt động đã có kế hoạch thách thức sự cai trị của quân đội, nhưng những bất bình ngày càng tăng về giá xăng dầu và thực phẩm đã làm cho cuộc phản kháng diễn ra sớm hơn:

“Chúng tôi thực sự vạch kế hoạch cho cuộc Cách mạng Tăng bào với qui mô lớn vào năm 2008 nhưng nhiều người đã phẫn nộ về giá dầu ăn và giá gạo tăng cao, do đó chúng tôi tập họp sớm hơn dự kiến.”

Tập đoàn quân nhân cầm quyền đã đàn áp cuộc nổi dậy. Ông Gambira bị bắt và bị kết án 68 năm tù.

Sau khi ngồi tù 4 năm dưới những điều kiện tàn bạo, ông Gambira nằm trong số đông đảo những người được đặc xá trước chuyến viếng thăm Miến Điện của tổng thống Obama vào năm 2012.

Tuy nhiên kể từ đó, ông bị nhà cầm quyền bắt lại 3 lần -gần đây nhất là để ngăn không cho ông tham gia cuộc biểu tình chống mỏ đồng tại Mandalay. Ông nói:

“Tôi bị bắt buộc phải cởi áo nhà sư. Tôi thực sự không bằng lòng và tôi không muốn từ bỏ cuộc sống tu hành, nhưng quân đội áp lực nặng nề lên tôi. Họ lục soát mỗi tu viện tôi đến và nói với các viện chủ không cho tôi ở lại.”

Việc đối xử này buộc ông Gambira phải rời khỏi nước, gia nhập hàng ngũ của những người chỉ trích cho rằng những chính sách của chính phủ làm cho chia rẽ tôn giáo tệ hại và sắc tộc trở nên tệ hại hơn, và gây phương hại cho những sự cải cách được nước ngoài ca ngợi.

Và do đó ông có mặt tại miền bắc Thái Lan, dạy cho các di dân đồng hương và tiếp xúc với các đồng nghiệp bên kia biên giới. Giữa lúc Miến Điện chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm tới, ông Gambira vẫn có thái độ hoài nghi:

“Nhiều nước, trong đó có Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu châu, đã giành cho chính phủ Miến Điện thời gian để cải cách đất nước. Cuộc bầu cử năm 2015 sắp đến nhưng họ chưa làm việc gì để có được cải cách thực sự. Tất cả đều là dối trá vì chính phủ nói sẽ cải cách, nhưng chỉ để bảo vệ cho công cuộc làm ăn và quyền kiểm soát của họ.”

Đối với Miến Điện, năm tới sẽ là năm để mọi người biết được là những người chỉ trích như ông Gambira có lý do để bi quan hay không, và nhà cầm quyền có thể tiến hành một cuộc bầu cử tự do và công bằng, không có xáo trộn trên đường phố, hay không.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG