Đường dẫn truy cập

Lan man chuyện học sử nước nhà


Lịch sử giống như một con đường xuyên suốt từ quá khứ, đến hiện tại, và dẫn lối đến tương lai. Chính vì vậy, mọi chi tiết trong sách sử luôn cần được viết và được học đến một cách khách quan, chân thực, thẳng thắn nhất.
Lịch sử giống như một con đường xuyên suốt từ quá khứ, đến hiện tại, và dẫn lối đến tương lai. Chính vì vậy, mọi chi tiết trong sách sử luôn cần được viết và được học đến một cách khách quan, chân thực, thẳng thắn nhất.

Đã quá lâu kể từ lúc tôi tốt nghiệp trường cấp 3. Kể từ đó, tôi không còn bận tâm nhiều về những đổi mới giáo dục. Dạo gần đây có đọc được tin dân tình la ó về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa môn lịch sử vào danh sách các môn học tự chọn trong chương trình học trung học phổ thông (THPT). Để giải thích về vấn đề này, Bộ GD&ĐT nói rằng lịch sử là một nội dung được tích hợp trong nột chương trình bắt buộc khác có tên là “Công dân với Tổ quốc”. Tức là nếu một số học sinh không chọn học riêng biệt, chuyên tâm vào môn lịch sử thì vẫn được trang bị kiến thức trong môn học công dân kia. Về vấn đề này, rất nhiều chuyên gia, giáo viên lịch sử, hay thậm chí người già, cựu chiến binh cảm thấy rất bất bình. Một bài báo có nhan đề “Sử không còn, Tổ quốc có còn không?” của một cựu chiến binh được chia sẻ khá rộng rãi trong thời gian gần đây, chia sẻ nỗi canh cánh về thế hệ mới sẽ chẳng còn quan tâm đến những sự kiện lịch sử của đất nước.

Mới chỉ vài tháng trước rộ lên một clip về kiến thức lịch sử ngây ngô của các em học sinh cấp 1 khi được hỏi “Quang Trung – Nguyễn Huệ là ai, có quan hệ như thế nào?” Những câu trả lời như họ là bố con, hay là đôi bạn thân khiến không ít người (lớn) nhảy bổ vào chỉ trích. Bản thân tôi thấy nếu ngày xưa vào cái tầm 10, 11 tuổi, được hỏi vài câu sử tương tự thì chắc tôi cũng trả lời sai bét. Ai cũng biết những môn học với lượng kiến thức đồ sộ, đòi hỏi trí nhớ siêu phàm như lịch sử là vô cùng khó học, nhưng rõ ràng là không đáng bị “khai tử”. Tuy nhiên, nói riêng về sử Việt Nam, tôi lại thấy “khai tử” nó lại là điều đáng mừng.

Nói không ngoa, phải đến khi tôi vác bút vở sang Mỹ học, khi đó tôi mới biết cuộc chiến chống “đế quốc Mỹ” là cuộc chiến tranh Nam - Bắc. Tức là cứ tưởng tượng bao nhiêu thế hệ học sinh Việt Nam từ bé đến lớn, bước ra khỏi cổng trường sau 12 năm học dù chăm học môn sử hay không vẫn nhớ như in một sự kiện lịch sử về miền Nam bị Mỹ chiếm đóng và có ý định xâm lược thâu tóm miền Bắc. Những người Việt sau năm 75 lên thuyền vượt biên sang Mỹ và phải bỏ mạng là kết cục của những kẻ “phản quốc”, chối bỏ quê hương. Chúng tôi, chẳng khác nào những cô cậu bé được hỏi về Quang Trung – Nguyễn Huệ, vẫn ngây ngô tự hào về chiến thắng vẻ vang, về truyền thống đánh giặc cứu nước từ xa xưa, ngàn năm Trung Hoa đô hộ, đến thực dân Pháp và cuối cùng là “đế quốc Mỹ”.

Tôi là kẻ học văn. Tôi nhìn vào lịch sử qua những câu chuyện kể, qua những tâm sự ẩn dấu của những người yêu văn khác. Ngày trước tôi rất thích truyện ngắn “Một người Hà Nội” của tác giả Nguyễn Khải. Tôi thích cái chỉn chu đẹp đẽ của quang cảnh Hà Nội và những người Hà Nội xưa trong từng chi tiết. Bà Hiền trong truyện thuộc tầng lớp tư sản, bà sống có chừng mực, quy tắc và luôn thực tế. Có chi tiết tôi cứ nghĩ mãi, khi tác giả - là người cháu, hỏi bà Hiền:

Tại sao cô không phải học tập cải tạo, cô giấu cũng tài nhỉ?

Cô Hiền cười rất tươi:

- Tao chưa đủ tiêu chuẩn.

Tôi cũng cười:

- Lại còn chưa đủ.

Cô nói thản nhiên:

- Tao có bộ mặt rất tư sản, một cách sống rất tư sản, nhưng lại không bóc lột ai cả thì làm sao thành tư sản được.

Và còn vô số những chi tiết khác về tầng lớp “tiểu tư sản” ngày ấy, tại sao họ bị kỳ thị, phải đi học tập cải tạo, tại sao họ phải bán nhà bán cửa, nhiều người chịu cảnh ăn bám khổ sở khi họ thực sự có tài? Có quá nhiều mảnh ghép còn thiếu để tôi có thể hiểu về câu chuyện này nhiều hơn trong những tháng ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng tôi chẳng có cơ sở để hiểu, chẳng tìm đâu ra kiến thức để học hỏi, để tự trả lời cho câu hỏi về những gì mà giai cấp “tiểu tư sản” khi đó đã trải qua khi sống trong một chế độ “không thích cá nhân làm giàu, chỉ cần họ đủ ăn, thiếu ăn một chút càng hay, thiếu ăn là vinh chứ không là nhục.” Phải đến bây giờ, tôi mới có thể mường tượng về mối liên quan mơ hồ với sự kiện Cải cách ruộng đất trong những năm 1950, chưa khi nào được nhắc đến một cách rõ ràng, minh bạch trong sách giáo khoa lịch sử.

Lịch sử giống như một con đường xuyên suốt từ quá khứ, đến hiện tại, và dẫn lối đến tương lai. Chính vì vậy, mọi chi tiết trong sách sử luôn cần được viết và được học đến một cách khách quan, chân thực, thẳng thắn nhất. Chỉ cần một đoạn đường bị chặn, bị lấp sẽ dẫn đến việc khó xác định đường đi. Và bất cứ người dân bào ở một xã hội phát triển công bằng đều biết rằng đấu tranh cho lịch sử, chính là đấu tranh cho chính hiện tại của mình và tương lai của thế hệ kế tiếp. Chiều ngày 29/10, tại trường nữ sinh Ewha Hàn Quốc, hàng trăm học sinh đã tập trung giữa sân trường để phản đối chuyến thăm của Tổng thống Park Geun Hye nhân dịp đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ 70. Những tấm bảng được giơ lên in rõ dòng chữ: “Chúng tôi không thể hoan nghênh vị tổng thống đang đi ngược với ý nguyện của nhân dân”, khi bà Park phê duyệt quyết định cho biên soạn sách lịch sử dưới sự chỉ đạo và kiểm soát của chính phủ.

Người trẻ ở nước Việt, người trẻ ở thế hệ chúng tôi đang là những kẻ lạc lối khi liên tục bị nhồi nhét vào đầu một loạt thông tin không xác thực về nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước. Việc chuyển đổi môn lịch sử hiện nay trở thành môn phụ hay chính rõ ràng không nên là một mối bận tâm quá lớn, khi mà cả ngàn trang sách kia được viết ra chỉ có tác dụng như lời ru ngủ mộng mị từng lứa thế hệ sau của đất nước.

*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Hoàng Giang

    Hoàng Giang sinh ra và lớn lên tại thủ đô Hà Nội, từng đi du học ngành truyền thông tại Mỹ, là cây bút tự do cho nhiều tờ báo dành cho giới trẻ trong và ngoài nước. 'Trong lòng Hà Nội' là suy nghĩ về những đổi thay của đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp dưới góc nhìn khách quan và mới mẻ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG