Đường dẫn truy cập

Kỷ Niệm 40 Năm bang giao Việt-Úc 1950-2013


Thủ tướng Úc Gough Whitlam.
Thủ tướng Úc Gough Whitlam.
Ngày 26 tháng 2 năm 2013 là kỷ niệm 40 năm bang giao song phương giữa Australia và Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Cách nay đúng 40 năm, vào ngày 26 tháng 2 năm 1973, Thủ tướng Gough Whitlam tuyên bố chính phủ Úc công nhận Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp bậc Đại Sứ Quán với Hà Nội. Ông Whitlam cũng nói rõ là Australia tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao với Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và Đại Sứ Quán Úc tại Sài Gòn vẫn tiếp tục hoạt động.
.
Trong ngôn từ ngoại giao, Ngoại trưởng Úc Bob Carr đánh giá năm 2013 là ‘Năm Mốc Điểm’ và ông đã mời người đối nhiệm Phạm Bình Minh và Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang viếng thăm Australia trong năm nay. Chương trình kỷ niệm và lời lẽ trao đổi giữa hai bên tạo ra ấn tượng là quan hệ giữa Australia và Việt nam chỉ có trong bốn thập niên vừa qua mà thôi.

Luật sư Lưu Tường Quang đã phục vụ tại Đại Sứ Quán VNCH ở Canberra khi Thủ tướng Whitlam công nhận Bắc Việt. Trong bài tham luận về quan hệ giữa Việt Nam và Australia,mà Tập San Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai Cửu Long tại Sydney sắp phổ biến, ô Lưu Tường Quang đưa ra vài nhận định về chiều dài và bề sâu trong lịch sử hữu nghị giữa hai nước và phân tích những khó khăn cũng như thành tựu trong quan hệ song phương Canberra/Hà Nội.

Chúng tôi nêu lên vài câu hỏi với tác giả về vấn đề này.

Ngọc Hân: Thưa ông Lưu Tường Quang – ông lập luận rằng 40 năm không phải là chiều dài và bề sâu trong quan hệ thân hữu giữa Australia và Việt Nam. Vậy thì quan hệ này có từ lúc nào?

Ls Lưu Tường Quang: Thưa cô Ngọc Hân và kính chào quí thính giả Đài VOA. Quan hệ thân hữu giữa hai nước và hai dân tộc Việt-Úc đã có từ đầu năm 1950. Do Hiệp định Elysée ký ngày 08-03-1949 giữa Quốc Trưởng Bảo Đại và Tổng thống Pháp Vincent Auriol, Việt Nam dành được độc lập như là một quốc gia thống nhất từ Mũi Cà Mau đến biên giới Ải Bắc. Dưới thời Pháp thuộc, Nam Kỳ là một thuộc địa (colony) trong khi Trung Kỳ và Bắc Kỳ là lãnh thổ bảo hộ (protectorates). Australia công nhận Việt Nam độc lập và thống nhất ngày 08-02-1950 và sau đó thiết lập phái bộ ngoại giao tại Thủ đô Sài Gòn. Hoa Kỳ và Anh Quốc công nhận Việt Nam một ngày trước, nhưng Hoa Kỳ đã có liên hệ lâu hơn về thương mại từ năm 1889 và lãnh sự từ năm 1907 tại Sài Gòn trước khi công nhận ngoại giao.

Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mặc dù không có lãnh thổ và không có thủ đô, cũng được Liên Xô và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa công nhận vào đầu năm 1950. Ở thời điểm này, Quốc Gia Việt Nam được 35 nước công nhận, ít nhất là gấp đôi so với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Ngọc Hân: Hiệp Định Genève 1954 chia đôi lãnh thổ Việt Nam tại vĩ tuyến thứ 17. Vậy trong bang giao quốc tế, quan hệ giữa Việt Nam và Australia đã được hành xử như thế nào?

Ls Lưu Tường Quang: Australia tiếp tục công nhận Việt Nam Cộng Hòa về mặt pháp lý và hoàn toàn không có liên hệ gì với Bắc Việt. Điểm cao trong quan hệ thân hữu Việt-Úc là chuyến công du Australia của Tổng Thống Ngô Đình Diệm hồi tháng 9 năm 1957. Ông Ngô Đình Diệm là vị nguyên thủ quốc gia nước ngoài đầu tiên chính thức thăm viếng Australia, kể từ khi Australia thành lập thể chế liên bang độc lập hồi đầu năm 1901. Tổng thống Ngô Đình Diệm đã được chính phủ liên đảng Robert Menzies, lãnh tụ Đảng Lao Động Tiến sĩ H.V Evatt và công chúng Úc tiếp đón nồng nhiệt.

Sau khi Hà Nội dựng lên Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam năm 1960 để bắt đầu chiến dịch tấn công quân sự VNCH, quan hệ giữa Việt Nam và Australia càng trở nên quan trọng hơn. Với sự đồng ý của VNCH, Australia đã gửi Toán Huấn Luyện Bộ Binh đến Nam Việt Nam hồi tháng 8 năm 1962 và trực tiếp tham chiến, với tư cách là quân đội đồng minh, từ năm 1965 đến năm 1972.

Ngọc Hân: Tại Australia, Đảng Lao động theo đuổi lập trường khác với chính phủ Liên đảng bảo thủ về cuộc chiến Việt Nam. Nhưng sau 23 năm ở thế đối lập, Đảng Lao động đã thắng cử vào cuối năm 1972, vậy chính sách ngoại giao mới của Thủ tướng Whitlam như thế nào?

Ls Lưu Tường Quang: Ở thế đối lập – nhất là từ sau năm 1968, Đảng Lao Động Úc chống đối việc Australia tham chiến. Cánh Tả Đảng Lao Động còn công khai ủng hộ phe cộng sản trong cuộc chiến Việt Nam. Nổi bật trong lãnh vực ngoại giao là sự kiện ông Whitlam công nhận chế độ Bắc Kinh vào cuối năm 1972 và công nhận chính quyền Bắc Việt vào ngày 26 tháng 2 năm 1973, trong khi vẫn duy trì Đại Sứ Quán Úc tại Sài Gòn. Đây là điểm thấp trong bang giao Canberra / Sài Gòn.

Ngọc Hân: Còn trong bang giao Canberra / Hà Nội, có những điểm gì nổi bật, thưa ông Quang?

Ls Lưu Tường Quang: Tại Úc, vì bế tắc chính trị nội bộ, Thủ tướng Whitlam bị toàn quyền liên bang John Kerr bãi chức vào ngày 11-11-1975 và Liên đảng bảo thủ trở lại chính quyền do ông Malcolm Fraser làm Thủ tướng.

Ông Ngô Đình Diệm
Ông Ngô Đình Diệm
​Tại Việt Nam, sau khi chiến thắng quân sự hồi tháng 4 năm 1975, Đảng Cộng Sản Việt Nam rất kiêu ngạo, nên bỏ lỡ cơ hội thảo luận tiến trình thiết lập bang giao với Mỹ, thiên hẳn về Liên Xô với Hiệp ước Việt-Xô mà Tổng bí thư Lê Duẩn ký tại Moscow tháng 11 năm 1978 trong khi gặp khó khăn với Trung Quốc và với đàn em của Bắc Kinh tại vùng biên giới phía Nam là chế độ Campuchia. Đây là lầm lỗi quan trọng của Hà Nội trong sách lược hậu chiến. Hà Nội xâm lăng Campuchia ngày 25 tháng 12 năm 1978. Ông Đặng Tiểu Bình trả đũa, ra lệnh tấn công quân sự sáu tỉnh miền Bắc gọi là ‘để dạy cho Hà Nội một bài học’ và cứu vãn đàn em Campuchia. Hậu quả là Hà Nội bị sa lầy tại Campuchia trong 10 năm.

Đó là bối cảnh chính trị có ảnh hưởng sâu rộng trong bang giao Canberra / Hà Nội. Bang giao này xuống rất thấp trong thời gian chính phủ Fraser cầm quyền từ năm 1976 đến năm 1983. Úc đã áp dụng chính sách chung với Mỹ, Liên Âu, Asean và Trung Quốc là tiếp tục công nhận chế độ Campuchia, trừng phạt kinh tế, cắt đứt viện trợ và cô lập Hà Nội.

Khi Đảng Lao động trở lại thế chính quyền vào năm 1983, chính phủ Bob Hawke tiếp tục theo đuổi chính sách chung này. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Bill Hayden muốn giúp đỡ chính quyền Hà Nội thoát khỏi tình trạng bị cô lập. Tháng 6 năm 1983, ông Hayden đến Việt Nam và mời Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch thăm viếng Australia. Ông Nguyễn Cơ Thạch là nhân vật cao cấp nhất lúc bấy giờ của CHXHCNVN đặt chân đến Canberra vào tháng 4 năm 1984. Đường lối uyển chuyển đối với Hà Nội của Ngoại trưởng Hayden đã bị Bắc Kinh phản đối. Mỹ và sáu quốc gia trong tổ chức Asean lúc bấy giờ cũng không hài lòng, đến mức độ mà ông Hayden phải che giấu viện trợ cho Hà Nội qua trung gian của các tổ chức quốc tế đa phương. Tuy vậy, Úc tiếp tục theo đuổi đường lối uyển chuyển nầy khi Nghị sĩ Gareth Evans kế nhiệm ông Hayden và đóng vai trò tích cực ngoại giao đa phương để giải quyết vấn đề Campuchia và do đó, tạo cho Hà Nội một lối thoát.

Với Ngoại trưởng Bill Hayden và Gareth Evans, Úc đã giúp đỡ Hà Nội rất nhiều khi Hà Nội bị cô lập vì vấn đề Campuchia, vì cấm vận của Mỹ đến năm 1995 và những khó khăn với Trung Quốc ít nhất cho đến khi có Hội nghị bí mật tại Thành Đô ngày 02-09-1990 giữa Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Đỗ Mười và ông Phạm Văn Đồng với Tổng Bí Thư Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng của Trung Quốc.

Hội nghị Thành Đô là lầm lỗi quan trọng thứ hai của Hà Nội về mặt chiến lược quốc gia và tạo những khó khăn mất mát cho Việt Nam đến ngày nay.

Ngọc Hân: Vậy bang giao song phương hiện nay như thế nào?

Ls Lưu Tường Quang: Sau khi vấn đề Campuchia được giải quyết, bang giao Canberra / Hà Nội phát triển đều đặn. Ông Võ Văn Kiệt là vị Thủ tướng cộng sản Việt nam đầu tiên đến Úc năm 1993. Sau ông Võ Văn Kiệt là Thủ tướng Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng. Căn bản của liên hệ song phương hiện nay là Thỏa hiệp Hợp tác Toàn diện được ký hồi năm 2010 nhân chuyến viếng thăm Úc Châu của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Ngoài các lãnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục và viện trợ, hợp tác quốc phòng cũng được mở rộng. Canberra và Hà Nội đã có Đối thoại Chiến lược Ngoại giao và Quốc phòng ở cấp viên chức hồi tháng Hai năm 2012. Khi thăm viếng Việt Nam hồi tháng 8 năm 2012, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Stephen Smith loan báo hội nghị Đối thoại Chiến lược Quốc phòng sẽ được nâng lên cấp Bộ Trưởng.

Vấn đề còn lại là bao giờ thì ‘hợp tác toàn diện’ giữa hai bên sẽ được nâng cấp thành ‘hợp tác chiến lược’ – là điều mà ông Nông Đức Mạnh hình như đã muốn hồi năm 2010, nhưng Thủ tướng Kevin Rudd của Úc lúc bấy giờ có vẻ chưa sẵn sàng.

Ngọc Hân: Xin cảm ơn ông Lưu Tường Quang.

VOA Express

XS
SM
MD
LG