Đường dẫn truy cập

Khủng bố, an ninh xen vào nghị trình thương mại của APEC


Binh sĩ Thủy quân Lục chiến Philippines cạnh vũ khí chống máy bay được gắn gần địa điểm tổ chức Hội nghị APEC ở Manila, ngày 14/11/2015.
Binh sĩ Thủy quân Lục chiến Philippines cạnh vũ khí chống máy bay được gắn gần địa điểm tổ chức Hội nghị APEC ở Manila, ngày 14/11/2015.

Tại Manila hôm nay, ban tổ chức hội nghị APEC tìm cách giữ cho cuộc họp tập trung vào thương mại và phát triển kinh tế giữa lúc thế giới dồn sự chú ý vào vấn đề khủng bố sau khi xảy ra những vụ tấn công ở Paris và căng thẳng khu vực gia tăng vì các tranh chấp lãnh thổ.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nằm trong số nhiều vị nguyên thủ quốc gia cuộc 21 nước thành viên APEC sẽ dự cuộc họp thượng đỉnh trong 2 ngày vào thứ tư và thứ năm tuần này.

Các nhà lãnh đạo Trung – Mỹ cũng tham gia cuộc họp thượng đỉnh G-20 ở Thổ Nhĩ Kỳ tập trung vào các vụ tấn công khủng bố có phối hợp tại thủ đô Pháp đã làm ít nhất 129 người thiệt mạng, và vào cuộc nội chiến Syria đã kéo dài 4 năm rưỡi và châm ngòi cho sự nổi lên của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo, là nhóm đã nhận trách nhiệm về những vụ tấn công ở Paris.

Chia buồn về vụ tấn công Paris

An ninh được thắt chặt cho Hội nghị APEc tại thủ đô Manila, Philippines, ngày 17/11/2015.
An ninh được thắt chặt cho Hội nghị APEc tại thủ đô Manila, Philippines, ngày 17/11/2015.

Tuy không nằm trong nghị trình APEC, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, ông Albert del Rosario nói gần như mọi diễn giả tại các cuộc họp cấp bộ trưởng tổ chức hôm nay đều đề cập đến vấn đề các vụ tấn công khủng bố ở Paris.

Ông del Rosario nói: “Mọi người đều ngỏ lời chia buồn với các gia đình nạn nhân của những hành động khủng bố. Có lời kêu gọi đoàn kết giữa các dân tộc và quốc gia. Và có thêm lời kêu gọi phải đưa ra trước công lý những kẻ là thủ phạm của những diễn biến khủng khiếp ở Paris hôm thứ sáu tuần rồi.”

Tuy nhiên, ngoại trưởng Philippines xác định rằng không có động thái nào trong ngày hôm nay để APEC chính thức đề cập đến vụ tấn công Paris hay mối đe dọa của Nhà nước Hồi giáo trong khu vực APEC.

Các quốc gia APEC như Indonesia, Malaysia, Singapore và Brunei đã từng thấy công dân của mình du hành qua Syria và Iraq để tham gia cuộc chiến đấu của ISIS nhằm thành lập một nhà nước hồi giáo hay “vương quốc hồi giáo.”

Quốc gia có số dân đông nhất theo đạo Hồi là Indonesia, đã chịu đựng những vụ tấn công trước đây của các phần tử chủ chiến Hồi giáo có liên hệ với al Qaida, kể cả những vụ đánh bom ở Bali năm 2002 làm 202 người thiệt mạng, đa số là du khách nước ngoài. Nhưng vụ tấn công khủng bố lớn mới đây tại Indonesia là vào năm 2009, và lực lượng an ninh ở đó phần lớn đã đạt được thành quả phá vỡ các mạng lưới khủng bố đó.

Philippines và Thái Lan cũng tiếp tục chống chọi với các nhóm ly khai do Hồi giáo thống trị ở những vùng phía nam các nước này.

An ninh APEC

Cảnh sát Philippines tuần tra tại các khu vực gồm các tuyến đường chính quanh bốn dãy phố nơi có địa điểm chính của hội nghị.
Cảnh sát Philippines tuần tra tại các khu vực gồm các tuyến đường chính quanh bốn dãy phố nơi có địa điểm chính của hội nghị.

Sau những vụ tấn công ở Paris, Philippines đã nhấn mạnh đến công cuộc chuẩn bị an ninh của họ cho APEC. Manila đã công bố 4 ngày nghỉ lễ trong dịp hội nghị, đóng cửa các trường học và nhiều doanh nghiệp. Gần 1 ngàn 400 chuyến bay đã bị bãi bỏ để tạo điều kiện cho những chuyến bay tới lui của các nhà lãnh đạo đến phó hội. Các con đường chính gần các địa điểm họp đã bị đóng cửa và trên 30 ngàn cảnh sát viên và binh sĩ đã được bố trí ở thủ đô. Quân lực Philippines cũng đang áp dụng những vùng cấm bay và những khu vực cấm tàu bè qua lại quanh các địa điểm họp APEC.

Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch hôm qua đã chỉ trích chính phủ Philippinese là bắt giữ hàng trăm người vô gia cư, kể cả trẻ em để khai quang các con đường cho APEC.

Mậu dịch Tự do

Tại hội nghị APEC hôm nay, các nhà lãnh đạo cấp bộ trưởng đã đồng ý xúc tiến việc khai triển Khu vực Mậu dịch Tự do của châu Á Thái Bình Dương, còn gọi tắt là FTAAP, một hiệp ước tự do mậu dịch đa phương được nhiều người coi là một sáng kiến do Trung Quốc dẫn đầu để đối lại với hiệp ước hợp tác thương mại xuyên Thái Bình Dương TTP do Hoa Kỳ lãnh đạo.

Bắc Kinh, Tokyo, và Seoul cũng vừa đồng ý khai triển các thỏa thuận tự do thương mại giữa các nước với nhau và để thúc đẩy một hiệp ước thương mại tương tự gọi là Hiệp ước Hợp tác Kinh tế Toàn diện trong Khu vực (RCEP).

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Philippines Gregory Domingo nói các thành viên APEC coi tất cả các thỏa thuận này là cùng tìm cách hướng tới một mục tiêu chung là thúc đẩy thương mại toàn cầu đầy đủ và toàn diện hơn.

Ông Domingo nói, “Có một số nhận định cho rằng những thỏa thuận thương mại khác thuộc loại này như TPP, RCEP, các thỏa thuận thương mại song phương, đang bùng phát, các hiệp ước thương mại khác, tất cả đều là những khối xây dựng thực sự tốt đẹp.”

Các thành viên APEC gồm những nền kinh tế lớn trong khu vực như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Triều Tiên, và gộp lại nhóm này chiếm gần phân nửa thương mại toàn cầu và trên 50% tổng sản lượng quốc dân GDP.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG