Đường dẫn truy cập

Khi Doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ (phần 1)


Khác với quan điểm phổ biến rằng đã là doanh nghiệp nhà nước (SOE) thì luôn không hiệu quả, có nhiều điển hình khắp nơi trên thế giới về các SOE thành đạt. Lý do gì để một số trường hợp các SOE này hoạt động hiệu quả, thậm chí hơn cả các doanh nghiệp tư, trong khi một số SOE khác thì lại chìm đắm trong thua lỗ triền miên?

Hãng hàng không Singapore Airlines thường được bầu chọn là hãng hàng không tốt nhất nhì thế giới. Hãng này do Temasek Holdings sở hữu 57%. Temasek Holdings là một tập đoàn do Bộ tài chính Singapore sở hữu 100%, tương tự như Tổng công ty Đầu tư và Knh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) của Việt Nam. Công ty Bombay Transport Authority của Ấn Độ cũng được coi là một trong những công ty kinh doanh hiệu quả kiểu mẫu, và nó cũng là một SOE. Các công ty tầm cỡ thế giới như công ty sản xuất máy bay EMBRAER của Brazil, công ty sản xuất ô tô Renault của Pháp, công ty sản xuất thép POSCO của Hàn Quốc, đều bắt đầu là các doanh nghiệp quốc doanh rất thành công, và cho tới nay thì nhà nước vẫn có ảnh hưởng cực lớn đối với một số như EMBRAER và Renault. Ngay ở Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) thường được nhìn nhận là điển hình thành công trong số các SOE của đất nước.

Nhiều nước trên thế giới đã thành công với các doanh nghiệp nhà nước trong nửa sau của thế kỷ 20 như Áo, Pháp, Na Uy, và Tây Đức. Các nước này có khu vực SOE phình khá to và thành công. Ở Pháp, các doanh nghiệp nhà nước thường dẫn đầu trong nỗ lực hiện đại hóa khu vực công nghiệp.

Ở gần Việt Nam hơn, Singapore cũng có khu vực doanh nghiệp nhà nước khá lớn. Theo số liệu của Cơ quan Thống kê của Singapore năm 2001, các doanh nghiệp có liên quan tới nhà nước (Government Linked Companies – GLC - với sở hữu của nhà nước trên 20%) đóng góp 12.9%. Các GLC của Singapore không chỉ hoạt động trong các lĩnh vực “thông thường “ của SOE như viễn thông, năng lượng (điện và xăng dầu), giao thông (đường sắt, xe buýt), và cảng, mà còn hoạt động cả trong các lĩnh vực “ít gặp” của SOE như sản xuất chíp bán dẫn, đóng tàu, cơ khí, vận tải biển, và ngân hàng.

Tại sao lại cần các SOE?

Tạm loại ra ngoài câu chuyện SOE thì hiệu quả hơn hay kém hiệu quả hơn các doanh nghiệp tư nhân, nền kinh tế thị trường luôn luôn gắn liền với khái niệm tư hữu, và vì thế, các players chính của nó phải là các doanh nghiệp tư nhân. Vậy tại sao các nền kinh tế thị trường, ngay cả các nền kinh tế thị trường phát triển, vẫn cần có SOE? Vấn đề này thường được giải thích bằng một hoặc một số các yếu tố sau:

  • Độc quyền tự nhiên: Có một số ngành công nghiệp mà đặc điểm của nó là tình trạng tối ưu là độc quyền. Thí dụ, hệ thống phân phối điện và nước sạch tới các hộ gia đình. Tình trạng tối ưu của nó là mỗi gia đình chỉ cần một hệ thống dây dẫn đưa điện tới gia đình họ và cũng chỉ cần một hệ thống đường ống nước mà thôi. Vấn đề của độc quyền là ở chỗ giá cả mà nhà độc quyền tính sẽ luôn cao hơn mức cạnh tranh, và sản lượng cung cấp ra sẽ ít hơn. Vì thế, nhiều khi nhà nước muốn có các SOE “chốt” trong các ngành này để đảm bảo rằng không xảy ra chuyện doanh nghiệp tư nhân trở nên độc quyền và dựa vào đó bóp cổ người tiêu dùng.
  • Thất bại của thị trường vốn: Có một số ngành công nghiệp “tiên phong” đòi hỏi nhiều vốn và mức độ rủi ro cao khiến cho việc huy động vốn tư nhân qua thị trường vốn là không khả thi. Thí dụ như việc phát triển ngành sản xuất máy bay ở Brazil (EMBRAER) hay thép ở Hàn Quốc (POSCO).
  • Ngoại ứng: Các nhà đầu tư tư nhân không muốn đầu tư vào các ngành mà lợi ích của nó lan tỏa sang nhiều ngành khác trong khi họ không thu được phí từ sự lan tỏa này. Trường hợp của POSCO là điển hình thú vị. Chính phủ Hàn Quốc đã đẩy POSCO lên vị trí số 1, và POSCO đã không lợi dụng vị trí độc quyền này để bòn rút lợi nhuận mà thay vào đó nó chia sẻ lợi ích này với các ngành khác, và vì thế làm lợi cho cả nền kinh tế.
  • Công bằng xã hội: Khu vực tư nhân nhiều khi không chịu vươn tới các khu vực nghèo đói, vùng sâu, vùng xa vì lợi nhuận thấp. Vì thế, phải có các SOE làm việc này để đảm bảo quyền tiếp cận tới các dịch vụ và tiện ích tối thiểu của công chúng.
Trên lý thuyết thì các vấn đề trên đều có thể giải quyết được mà không cần phải có các SOE. Thí dụ vấn đề công bằng xã hội có thể giải quyết bởi các doanh nghiệp tư nhân nếu nhà nước trợ cấp cho các doanh nghiệp này. Tuy nhiên, trên thực tế, các giải pháp này đều phải thực thi qua hệ thống chính sách, các cam kết, và hợp đồng giữa nhà nước và các doanh nghiệp tư. Việc thiết kế hệ thống chính sách này hoàn toàn không đơn giản và đòi hỏi chi phí giao dịch rất lớn.

Các vấn đề chính của SOE

Vấn đề lớn nhất của các SOE hay được nói tới là vấn đề người chủ - người thợ (principal – agent problem). Theo định nghĩa, các SOE là chúng được lãnh đạo bởi những cá nhân không sở hữu các doanh nghiệp này. Với bản chất tư lợi, các “người thợ” này sẽ không lãnh đạo doanh nghiệp mà họ làm thuê hiệu quả giống như khi họ là “người chủ”.

Những người thợ này sẽ có động cơ để lười biếng, trục lợi cá nhân, thậm chí trộm cắp, hoặc tham gia vào các danh mục đầu tư phiêu lưu nhằm hưởng lợi. Thí dụ, nếu là người chủ thực sự, khả năng rất cao là anh ta sẽ không đầu tư vào các lĩnh vực mà anh ta hoàn toàn không am hiểu gì (mặc dù vẫn có một số các ông chủ như vậy, và cuối cùng thua lỗ không còn là ông chủ nữa). Nhưng vì anh ta chỉ là một người thợ đi làm thuê, anh ta có thể vẫn liều đầu tư vì anh ta có lợi từ các khoản đầu tư này. Thí dụ đầu tư cho bạn bè, cho đối tác, và anh ta sẽ được hưởng một phần “lại quả” xứng đáng. Đây có thể là một trong những lý do hàng đầu khi rất nhiều doanh nghiệp trong hệ thống SOE của Việt Nam đầu tư tràn lan vào các lĩnh vực không thuộc phạm vi kinh doanh cốt lõi của họ trong thời gian vừa qua.

Một vấn đề cốt yếu khác thường được nhắc đến là vấn đề ăn theo (free-riding). Người chủ trong trường hợp của các SOE là các công dân, và đại diện bởi bộ máy nhà nước. Trên nguyên tắc, những người chủ này có thể thường xuyên kiểm tra, giám sát các “người thợ” của họ. Tuy nhiên, việc giám sát này lại thường là tốn kém, mất thời gian. Và quan trọng hơn, lợi ích từ việc giám sát này được chia đều cho mọi người. Tức là những người không giám sát có thể ăn theo (free-ride) công sức của những người đi giám sát. Kết cục là không ai muốn mình phải là người đi giám sát cả.

Vấn đề ăn theo này cũng áp dụng cho chính bộ máy giám sát của nhà nước. Các cơ quan này có trách nhiệm phải giám sát, tuy nhiên họ cũng không được lợi gì từ sự giám sát đó. Thậm chí, các cá nhân trong bộ máy giám sát có thể được lợi từ chỗ lơ là việc giám sát của mình. Các lãnh đạo của các doanh nghiệp nhà nước có thể hối lộ những người có chức năng giám sát để vô hiệu hóa các cá nhân này và từ đó có thể tự tung tự tác làm bậy. (còn tiếp)

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

VOA Express

XS
SM
MD
LG