Đường dẫn truy cập

Hy Lạp kêu gọi biểu quyết ‘không’ trong cuộc trưng cầu dân ý dù nhượng bộ về nợ


Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsirpas tuyên bố sẵn sàng chấp nhận hầu hết các điều kiện của Ủy hội Châu Âu về khoản tiền cứu nguy mới.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsirpas tuyên bố sẵn sàng chấp nhận hầu hết các điều kiện của Ủy hội Châu Âu về khoản tiền cứu nguy mới.

Hy Lạp bị nợ nần chồng chất đã đề nghị những nhượng bộ hôm thứ Tư về các yêu cầu của các chủ nợ đòi họ thực hiện thêm những biện pháp kiệm ước, nhưng Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras vẫn hô hào quốc dân bỏ phiếu ‘không’ trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày Chủ nhật về kế hoạch của các nước cho vay đòi áp dụng thêm những hạn chế tài chính mới để đổi lấy các khoản tiền cứu nguy mới.

Các nhà lãnh đạo Âu châu lập luận rằng một cuộc biểu quyết chống lại kế hoạch của các nước cho vay nợ sẽ có tác động là Athens rút ra khỏi khối 19 nước sử dụng đồng Euro, nhưng ông Tsipras bác bỏ lập luận đó.

Trong một bài phát biểu truyền hình với đồng bào, thủ tướng Hy Lạp nói: “Bỏ phiếu ‘không’ là một bước quyết định đối với một thỏa thuận tốt hơn mà chúng tôi nhắm mục tiêu sẽ ký ngay sau cuộc trưng cầu dân ý. ‘Không’ không có nghĩa là một sự rạn nứt với châu Âu.”

Trước đó, trong một bức thư, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nói với các chủ nợ quốc tế rằng Athens sẵn sàng chấp nhận hầu hết các điều kiện của Ủy hội Âu châu về khoản tiền cứu nguy mới. Thủ tướng Đức Angela Merkel bác bỏ các cuộc thương nghị mới, và nói với quốc hội ở Berlin rằng “Chúng ta sẽ chờ cho tới khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra. Không thể có thương thuyết về một chương trình viện trợ mới trước cuộc trưng cầu dân ý.”

Là người nồng nhiệt tán thành các biện pháp kiệm ước gay gắt ở Hy Lạp, nhà lãnh đạo Đức bác bỏ ý kiến cho rằng hỗn loạn tài chính Hy Lạp sẽ đưa tới chỗ tan rã của khu vực euro gồm 19 nước.

Bà nói, “Thế giới đang theo dõi chúng ta. Nhưng tương lai của châu Âu không có gì nguy cấp. Tương lai của châu Âu sẽ lâm nguy nếu chúng ta quên chúng ta là ai và điều gì làm chúng ta hùng mạnh – đó là một cộng đồng dựa vào luật lệ và trách nhiệm.”

Bức thư của thủ tướng Hy Lạp được chia sẻ với các hãng tin vài giờ trước khi các vị bộ trưởng tài chính Âu châu tham dự một cuộc họp trực tuyến để cứu xét yêu cầu xin cho vay 32,4 tỉ đô la của Hy Lạp.

Hôm thứ Ba, các vị bộ trưởng tài chính Âu châu đã quyết định không triển hạn một chương trình cứu nguy và Athens đã không trả được khoản tiền 1,8 tỉ đô la cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF. Món nợ này đánh dấu lần đầu tiên một quốc gia phát triển không thể trả nợ cho IMF đúng hạn.

Cũng trong hôm thứ Ba, công ty xếp hạng tín dụng Fitch hạ mức tín dụng của Hy Lạp xuống “hạng ve chai”, có nghĩa là công ty này tin là Hy Lạp “rất có thể” không có khả năng trả các khoản nợ tư.

Hy Lạp đã tích lũy một khoản nợ khổng lồ trong 5 năm vừa qua. Điều kiện để vay các khoản nợ mới mà các chủ nợ nhấn mạnh là chính phủ phải đề xuất các cải cách kinh tế kiệm ước hơn, nhưng cho đến nay, chính phủ vẫn ngần ngừ trước các yêu cầu đó. Hy Lạp nói người dân của họ đã phải chịu khổ với các cắt giảm chi tiêu và tăng thuế hạ thấp mức sinh hoạt của họ đủ rồi.

Các ngân hàng ở Hy Lạp đóng cửa trong tuần này như một biện pháp khẩn cấp để kiểm soát tình trạng rối loạn tài chính. Các máy rút tiền tự động tiếp tục mở nhưng với các hạn chế gay gắt về số tiền bằng đồng euro mà các trương chủ có thể rút ra. Giới hữu trách ở Athenss cho phép khoảng một ngàn chi nhánh ngân hàng khắp nước mở cửa trong hôm thứ Tư để phục vụ những người lãnh tiền hưu không có thẻ rút tiền tự động cần lấy tiền mặt.

Tại Washington, Tổng thống Barack Obama hôm thứ Ba tuyên bố vụ khủng hoảng tài chính Hy Lạp là “một vấn đề rất đáng quan ngại” nhưng có ảnh hưởng đối với châu Âu nhiều hơn là Hoa Kỳ. Ông Obama nói Hoa Kỳ không tin rằng tình trạng rối loạn tài chính hiện này sẽ dẫn tới một “chấn động quan trọng” đối với nền kinh tế Mỹ, là nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nói chuyện với các bộ trưởng tài chính Âu châu qua điện thoại hôm thứ Ba, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Jack Lew nói sau đó rằng điều có lợi nhất cho tất cả các bên, và cho nền kinh tế toàn cầu, là Hy Lạp và các chủ nợ tiếp tục cố gắng tiến tới một giải pháp đưa Hy Lạp trên con đường hướng tới cải cách và phục hồi bên trong khu vực đồng Euro.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG