Đường dẫn truy cập

HRW kêu gọi Thái Lan thay đổi chính sách về trẻ em di trú


Người tị nạn người Turk bị giữ trong một đồn điền cao su trong quận Hat Yai, tỉnh Songkhla, miền nam Thái Lan 13/3/14
Người tị nạn người Turk bị giữ trong một đồn điền cao su trong quận Hat Yai, tỉnh Songkhla, miền nam Thái Lan 13/3/14

Một bản phúc trình của tổ chức Human Rights Watch kêu gọi chính phủ Thái lan chấm dứt chính sách giam giữ trẻ em di trú và tỵ nạn trong các trại tạm giam, và nói rằng tiến trình đó là độc đoán và vi phạm luật quốc tế. Theo tường trình của thông tín viên VOA Ron Corben từ Bangkok, tổ chức nhân quyền có trụ sở ở New York này nói các chọn lựa ngoài việc giam giữ phải được cứu xét, cũng như cải thiện các điều kiện ở các trung tâm.

Human Rights Watch nói có ít nhất 4 ngàn trẻ em của công nhân di trú và trẻ em tỵ nạn được cứu xét hồ sơ qua các trạm giữ người di trú của Thái Lan mỗi năm.

Bản phúc trình nói các em này ở lại trung bình gần 10 tháng, nhưng nhiều em bị giữ tới 2 năm.

Bà Alice Farmer là một nhà nghiên cứu về quyền trẻ em của Human Rights Watch:

“Thái Lan có một hệ thống độc đoán giam giữ trẻ em và các gia đình di trú mà việc giam giữ có thể là vô thời hạn và việc giam giữ vô thời hạn một cách độc đoán là vi phạm luật quốc tế trong đó có công ước về quyền trẻ em mà Thái Lan là một bên ký kết.”

Cuộc khảo cứu dựa trên những cuộc phỏng vấn trên 100 trẻ em và người lớn di trú cũng như các giới chức chính phủ thuộc bộ di trú, cảnh sát và bộ phát triển xã hội và an ninh nhân sự.

Human Rights Watch nói các trung tâm giam giữ thường quá tải một cách trầm trọng, và trẻ em bị dồn ép vào những phòng giam chật hẹp cùng với người lớn. Trong một cuộc khảo cứu từng trường hợp, một gia đình phải ở chung một phòng giam cùng với 100 người khác, với những nhà cầu bẩn thỉu và nước cống trên sàn nhà và phẩm chất không khí tồi tệ.

Thái Lan cũng phải đối mặt với một sự tăng vọt về người tỵ nạn và những người đi tầm trú từ Syria, Pakistan, Sri Lanka và Somalia, mặc dầu đại đa số những người bị giữ ở các trung tâm tạm giam là từ nước láng giềng Myanmar, tức Miến Điện.

Bà Farmer nói bởi vì các gia đình thường bị phân ly, trẻ em thường bị bỏ lại với rủi ro bị tổn thương về tâm lý và các lo ngại về sức khoẻ thể chất, trong đó có tình trạng thiếu dinh dưỡng và chăm sóc y tế yếu kém. Chúng còn thường không tiếp cận được với giáo dục đầy đủ. Bà nói:

“Khi trẻ em bị giữ lúc còn rất nhỏ chúng không hiểu tại sao chuyện đó lại xảy ra cho mình, nhất là đối với các trẻ em tỵ nạn chúng thường bỏ trốn các tình trạng gây chấn động trong lúc chạy qua một nước khác, nay chúng lại trải qua thêm những cơn chấn động trong cuộc hành trình, và việc bị giam giữ vì tình trạng di trú chỉ làm cho các vấn đề đó trở nên trầm trọng hơn.”

Những người ở các trung tâm tạm giữ nhận được sự trợ giúp của các tổ chức phi chính phủ, của Văn phòng Di trú Liên Hiệp Quôc, và Cao uỷ Tỵ nạn Liên Hiệp quốc cũng như các đại sứ quán nước ngoài ở Bangkok.

Human Rights Watch yêu cầu chính phủ Thái Lan chấm dứt việc giam giữ trẻ em di trú theo đúng hướng dẫn do Ủy ban Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em định ra.

Lời đáp của chính phủ Thái Lan trước bản phúc trình nói rằng các vấn đề trong các trại tạm giam đang được giải quyết, và rằng chính phủ coi trách nhiệm bảo vệ trẻ em là rất nghiêm trọng. Chính phủ Thái cũng nói rằng nhiều người lớn di trú và tỵ nạn yêu cầu trẻ em ở lại cùng với họ trong các trại. Ngoài ra, chính phủ nói những chậm trễ trong việc thả người bị giữ thường có liên quan đến việc họ không hội đủ tình trạng pháp lý ở quê nhà, hay vì những chậm trễ của Liên Hiệp Quốc trong việc đánh giá đơn xin tỵ nạn của họ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG