Đường dẫn truy cập

Dân Hong Kong tuần hành đòi dân chủ, yêu cầu lãnh đạo từ chức


Hàng trăm ngàn dân Hong Kong tham gia biểu tình đòi dân chủ 1/7/13
Hàng trăm ngàn dân Hong Kong tham gia biểu tình đòi dân chủ 1/7/13
Ít nhất một trăm ngàn cư dân Hong Kong đã tham gia một cuộc tuần hành đòi dân chủ toàn diện nhân kỷ niệm 16 năm chủ quyền của đặc khu này được chuyển giao cho Trung Quốc.

Nhiều người tham gia cuộc biểu tình hôm thứ Hai yêu cầu nhà lãnh đạo thành phố không do dân bầu Leung Chun-ying từ chức, và chính phủ phải bảo đảm một cuộc bầu cử tự do cho chức vụ trưởng ngành hành pháp thành phố sau năm 2017.

Bất chấp mưa to do một cơn bão nhiệt đới gây ra, người biểu tình vẫn tới tham gia cuộc xuống đường thường niên vào ngày 1/7. Cuộc tuần hành bắt đầu tại công viên Victoria và sau đó tiến tới quận thương mại trung tâm của thành phố.

Bà Ho, một người mẹ Hong Kong tuần hành cùng với con trai còn nhỏ, nói với đài VOA rằng, thời tiết xấu khiến cho cuộc biểu tình càng thêm ấn tượng. Bà nói rằng, “vì có quá nhiều người không quản mưa bão ra ngoài biểu tình nên chính quyền phải lắng nghe chúng tôi.”

Những người tổ chức biểu tình nói rằng số người tham gia cuộc biểu tình này là 430.000 người vượt quá xa con số mà cảnh sát ước tính là 66.000 người.

Các nhà khảo cứu Trường Đại Học Hong Kong theo dõi cuộc biểu tình này ước tính số người tham gia là 103 ngàn người, gia tăng khoảng 20 ngàn người so với con số người biểu tình hồi năm ngoái mà họ đã đưa ra.

Ông Leung nhậm chức ngày 1/7 năm ngoái sau khi được chọn lựa bởi một ủy ban của Hong Kong gồm đa phần những người trung thành với chính quyền và Bắc Kinh.

Kể từ đó, uy tín của ông sụt giảm vì các vụ bê bối liên quan tới nội các của ông, cách hành xử của ông trước khi nhậm chức cũng như sự bất mãn của công chúng về giá cả nhà đất tăng và con số người Hoa đại lục tới đặc khu.

Trung Quốc đã đồng ý để cho cư dân Hong Kong trực tiếp bầu trưởng đặc khu khi hết thời hạn nắm quyền của ông Leung vào năm 2017.

Hồi sáng thứ Hai, ông Leung đã lặp lại một lời cam kết bắt đầu một cuộc tham vấn công khai về việc tổ chức bầu cử cho năm 2017 “vào một thời điểm thích hợp.” Ông đã nói trong một lễ mừng ngày kỷ niệm việc trao trả Hong Kong năm 1997 như vậy. Sau đó trong ngày, chính quyền của ông Leung đã hứa lắng nghe “cẩn thận” quan điểm của những người biểu tình.

Một số người biểu tình nói rằng họ lo ngại là chính phủ Bắc Kinh sẽ ảnh hưởng tới luật lệ về cuộc bầu cử để ngăn chặn các ứng cử viên có chủ trương dân chủ ra tranh cử chức vụ trưởng ngành hành pháp đặc khu này.

Họ tố cáo Trung Quốc là tìm cách “thuộc địa hóa” Hong Kong và phất cờ của lãnh thổ cựu thuộc địa nước Anh để phản đối.

Trong cuộc biểu tình tuần hành này, một học sinh 16 tuổi có tên là Lai nói rằng, em e ngại là cuộc bầu cử trong tương lai sẽ không công bằng.

Trung Quốc đã bảo đảm cho Hong Kong được hưởng mức độ tự trị cao và hứa duy trì nếp sống của thành phố này trong ít nhất 50 năm. Họ cũng tuyên bố rằng tất cả các thành viên viện lập pháp gồm 70 ghế đại biểu của lãnh thổ này có thể được bầu cử trực tiếp sớm nhất là vào năm 2020.

Chỉ có 40 nhà lập pháp được bầu trực tiếp bởi các cử tri trong cuộc bầu cử năm 2012. Ba mươi nhà lập pháp còn lại được bầu chọn bởi các cử tri của một khu vực “chức năng”công nghệ và đại diện cộng đồng hầu hết là trung thành với chính phủ.

Cuộc biểu tình tuần hành vừa kể là ôn hòa, và chỉ có một vụ ẩu đả ngắn ngủi giữa một vài người biểu tình và cảnh sát.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG