Đường dẫn truy cập

Hồi hộp chờ đếm phiếu


Trong các kỳ bầu cử ở Mỹ, ngay đêm đếm phiếu hay qua sáng ngày hôm sau các ứng cử viên thường đã biết mình thắng hay thua.

Khi kết quả chênh lệch hơn 5%, ứng cử viên được ít phiếu gọi điện cho đối thủ để chúc mừng, thừa nhận mình thua cuộc.

Nhưng không phải mọi cuộc đua vào chính trường đều có kết quả phân minh ngay đêm đếm phiếu mà nhiều khi cả tháng sau cũng chưa rõ thắng bại vì số phiếu cách biệt giữa hai ứng cử viên quá sít sao.

Khi có kết quả sau cùng, một ứng cử viên hay bất cứ cử tri nào đã tham gia bầu cử có thể yêu cầu cơ quan chức năng đếm phiếu lại. Nếu kết quả đảo ngược, phía vừa thua cũng có thể yêu cầu đếm phiếu lại lần nữa. Cuối cùng nếu không đồng ý, ứng cử viên thua cuộc còn được quyền khiếu nại trước tòa để phân xử công minh.

Nhiều người nhớ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11-2000. Hơn một tháng sau ngày bầu cử vẫn chưa rõ Thống đốc George W. Bush hay Phó Tổng thống Al Gore sẽ là người lãnh đạo Hoa Kỳ.

Nước Mỹ đã phải hồi hộp chờ hơn một tháng tiểu bang Florida có số phiếu quá sát dành cho hai ứng cử viên, hơn kém khoảng một nghìn phiếu trong số 6 triệu phiếu bầu. Vì thế đã có việc đếm phiếu lại.

Hình ảnh nổi bật của sự kiện đếm phiếu lại ở Florida là các nhân viên kiểm phiếu dùng kính lúp để soi rọi ý của cử tri trên phiếu bầu, vì có thể máy kiểm phiếu chỉ tạo ra dấu ấn mà chưa đục hẳn lỗ phiếu mà cử tri đã chọn.

Đếm những khu vực bầu cử nào, hay cách đếm ra sao cũng đã đưa tới việc hai ban vận động khiếu kiện trước tòa.

Luật sư Tâm Nguyễn
Luật sư Tâm Nguyễn

Năm tuần sau bầu cử, bằng một phán quyết 5 trên 4, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ quyết định chấm dứt tranh cãi về cách đếm phiếu. Kết quả George W. Bush thắng Al Gore rất mong manh ở bang Florida, chỉ hơn 700 phiếu. Với kết quả đó ông Bush giành được 271 đại biểu cử tri đoàn, ông Gore được 266, một khoảng cách sít sao nhất trong lịch sử bầu chọn tổng thống Mỹ.

Công dân Mỹ được đảm bảo quyền tự do bầu cử. Dù có nhiều người không quan tâm đến việc bỏ phiếu. Kỳ bầu cử 4/11 vừa qua chỉ có 36% cử tri toàn quốc tham gia. Quận Cam 45%, vùng San Jose hơn 50% một chút.

Nhưng bất cứ cử tri nào muốn được bỏ phiếu, các cơ quan chức năng sẽ làm theo đúng luật để họ được thể hiện quyền tự do của mình và đảm bảo mọi lá phiếu đều được đếm.

Để việc đếm phiếu được minh bạch và xuyên suốt, trong kỳ bầu cử 4/11 ở California, tại Quận Cam cũng như trên vùng San Jose, nhiều kết quả đã không được biết rõ cho đến hai tuần sau bầu cử vì nhiều phiếu bầu khiếm diện được gửi đến văn phòng bầu cử qua đường bưu điện, được mang đến phòng phiếu trong ngày bầu cử nên cần được kiểm tra địa chỉ và chữ ký.

Bảo Nguyễn với nhiều hy vọng làm thị trưởng Garden Grove (ảnh từ www.baonguyen.us)
Bảo Nguyễn với nhiều hy vọng làm thị trưởng Garden Grove (ảnh từ www.baonguyen.us)

Đáng chú ý với người Việt là cuộc bầu chọn thị trưởng Garden Grove ở Little Saigon Quận Cam. Thành phố này có 170 nghìn cư dân, 30 % là gốc Việt. Kiểm phiếu trong những ngày đầu cho thấy Thị trưởng đương nhiệm Bruce Broadwater hơn Ủy viên giáo dục Bảo Nguyễn khoảng 350 phiếu, chưa đến 2%.

Tiếp tục đếm các phiếu bầu gửi qua bưu điện và những phiếu tạm đã đưa số phiếu cách biệt nhỏ dần. Sau cùng Bảo Nguyễn lật ngược kết quả, đạt 11,785 phiếu và Bruce Broadwater 11,770, hơn nhau vỏn vẹn 15 phiếu, theo kết quả cuối cùng công bố vào chiều thứ Hai 17/11.

Bruce Broadwater đã chính thức yêu cầu cơ quan tổ chức bầu cử đếm phiếu lại.

Năm 2007 ở vùng này có cuộc bầu chọn giám sát viên với kết quả được công bố Trung Nguyễn hơn Janet Nguyễn 7 phiếu. Sau nhiều yêu cầu đếm phiếu lại của cả hai phía, bà Janet hơn ông Trung 3 phiếu. Trung Nguyễn khiếu kiện trước tòa và chánh án đưa ra phán quyết với phần thắng về Janet Nguyễn.

Sự kiện ứng viên thắng cử chỉ hơn đối thủ vài ba phiếu cho thấy sự quan trọng của từng lá phiếu trong bất cứ kỳ bầu cử nào từ cấp liên bang đến thành phố, quận hạt hay hội đồng giáo dục địa phương.

Năm 2010, ở San Jose có ứng cử viên Scott Phạm Duy Hưng đã thắng với một kết quả thật sát trong cuộc bầu chọn 3 ủy viên cho một hội đồng giáo dục.

Có tất cả 9 ứng cử viên, số phiếu của Scott Phạm trong vài ngày đầu hơn người về thứ tư chừng 200. Khi các phiếu bầu gửi qua bưu điện và phiếu tạm của cử tri mới đổi nơi cư trú được đếm, số phiếu cách biệt giữa Scott Phạm và người về kế ngày càng thu nhỏ, xuống còn 80, 50 rồi 20.

Sau khi đếm hết phiếu, Scott Phạm được 3,737 phiếu, chỉ hơn ứng cử viên về thứ tư 2 phiếu và đắc cử.

Kỳ bầu cử 4/11 vừa qua, cuộc bầu chọn dân biểu tiểu bang California, Địa hạt 39 cũng có kết quả rất sát, với ứng cử viên Patty Lopez được 21,887 phiếu, tức 50.3%, và Raul Bocanegra 21,652 phiếu, tức 49.7%, hơn nhau chỉ 235 phiếu.

Nghị viên Sam Liccardo, ứng viên thị trưởng San Jose
Nghị viên Sam Liccardo, ứng viên thị trưởng San Jose

Tại San Jose, kết quả ban đầu với Sam Liccardo hơn Dave Cortese 2% trong số 110 nghìn phiếu nên ông Cortese chưa chấp nhận thua, vì còn đến 70 nghìn phiếu chưa đếm.

Một tuần sau, khoảng cách có nhỏ lại, nhưng không thể đảo ngược, lúc đó Dave Cortese mới tuyên bố thừa nhận kết quả. Kết quả sau cùng ông Sam được 91,840 phiếu (50.76%) và ông Dave 89,090 (49.24%), hơn nhau 2,750 phiếu.

Không kém hồi hộp chờ đợi kết quả là ứng cử viên Tâm Nguyễn, tranh chức nghị viên San Jose Khu vực 7 với Maya Esparza. Những kết quả đầu tiên cho thấy ông Tâm hơn đối thủ 7%. Số khác biệt nhỏ lại mỗi ngày và kết quả sau cùng Tâm Nguyễn được 6,942 phiếu (50.76%) và Maya Esparza 6,733 (49.24%), hơn kém nhau 209 phiếu.

Với những kết quả sít sao như thế, các ứng cử viên và cử tri gốc Việt từ Quận Cam lên đến Thung lũng Hoa vàng San Jose đã hồi hộp chờ kết quả từng ngày trong suốt hai tuần lễ qua và hiện vẫn đang theo dõi cuộc đếm phiếu lại giữa Bảo Nguyễn và Bruce Broadwater tranh chức thị trưởng Garden Grove trong những ngày tới.

Nếu kết quả không thay đổi, Bảo Nguyễn sẽ trở thành thị trưởng gốc Việt thứ hai tại Quận Cam, cùng với Trí Tạ của Westminster là hai thành phố có mật độ cư dân gốc Việt cao nhất tại Hoa Kỳ.

Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Bùi Văn Phú

    Tác giả dạy đại học cộng đồng và hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Các bài viết của Bùi Văn Phú là bài viết cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG