Đường dẫn truy cập

Hội đồng Bảo an lên án vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên


Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta cho biết Mỹ phải sẵn sàng để đối phó với Bình Nhưỡng và các quốc gia bất hảo khác
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta cho biết Mỹ phải sẵn sàng để đối phó với Bình Nhưỡng và các quốc gia bất hảo khác
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án vụ thử hạt nhân mới nhất của Bắc Triều Tiên trong một phiên họp khẩn cấp kéo dài hai giờ sáng thứ ba.

Các thành viên Hội đồng gọi vụ thử nghiệm là "một sự vi phạm nghiêm trọng” các nghị quyết trước đây của Hội đồng Bảo an phản đối việc Bắc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo. Một tuyên bố của hội đồng nói vụ thử nghiệm là "một mối đe dọa rõ ràng đối với hòa bình quốc tế."

Các thành viên sẽ bắt đầu làm việc với những gì họ gọi là "các biện pháp thích hợp" để trừng phạt Bình Nhưỡng vì đã coi thường Hội đồng. Bắc Triều Tiên hiện đang bị áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ của Liên hợp quốc vì các chương trình hạt nhân và phi đạn của nước này.

Bình Nhưỡng bất chấp cảnh báo quốc tế khi thực hiện cuộc thử nghiệm hạt nhân lần ba vào hôm thứ ba. Bình Nhưỡng cho biết vụ thử nghiệm là hành động đáp trả với những gì họ gọi "thái độ thù nghịch vô trách nhiệm" của Hoa Kỳ, đã đưa đến cuộc công kích toàn cầu mở rộng các biện pháp chế tài nhắm vào quốc gia cộng sản này.

Sau vụ thử nghiệm, Bộ Ngoại giao của Bắc Triều Tiên đã cảnh báo về các biện pháp không rõ mà nước này có thể phải gánh chịu thêm. Nam Triều Tiên áp quân đội trong tình trạng cảnh báo vì Bắc Triều Tiên có thể thực hiện thêm các vụ thử nghiệm hạt nhân hoặc phóng phi đạn.

Tổ chức Hiệp ước cấm thử nghiệm hạt nhân toàn diện cho rằng vụ thử nghiệm "đề ra một mối đe dọa rõ ràng" đối với hòa bình thế giới. Các tổ chức đa quốc cho biết dữ liệu sơ bộ cho thấy sức nổ của vụ thử nghiệm lớn gấp hai lần so với vụ thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên vào năm 2009.

Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên cho biết vụ nổ tạo ra sức mạnh lên đến 6 đến 7 kiloton.

Tại Hoa Kỳ, Bộ trưởng Quốc phòng sắp xuất nhiệm Leon Panetta cho biết Mỹ phải sẵn sàng để đối phó với Bình Nhưỡng và các quốc gia bất hảo khác:

"Hoa Kỳ sẽ phải đối phó với các loại vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt và việc phổ biến các loại vũ khí đó. Chúng ta sẽ phải tiếp tục đối phó với các quốc gia bất hảo như Iran và Bắc Triều Tiên. Chúng ta vùa chứng kiến những gì Bắc Triều Tiên đã thực hiện trong những tuần lễ gần đây. Một cuộc thử nghiệm phi đạn và nay lại là một cuộc thử nghiệm hạt nhân. Chúng tiêu biểu cho một mối đe dọa nghiêm trọng đối với Hoa Kỳ và chúng ta phải sẵn sàng để đối phó với sự kiện đó."

Chỉ vài giờ sau vụ thử nghiệm, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nói với phóng viên Steve Herman của đài VOA rằng Tokyo sẽ cần phải đẩy mạnh phòng thủ để đáp ứng với các hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên:

"Bởi vì Bắc Triều Tiên đã thực hiện một hành động khiêu khích, chúng ta phải cần tăng cường hệ thống quốc phòng để đối phó với các mối đe dọa thuộc loại này. Nhưng vì hiến pháp chủ hòa của chúng ta, đất nước đang ở trong một tình huống rất hạn chế về những vấn đề có liên quan đến vũ khí hạt nhân cũng như việc tăng cường lực lượng quy ước của chúng ta. Do đó việc tăng cường liên minh an ninh Mỹ-Nhật là điều rất quan trọng."

Nam Triều Tiên hôm thứ Ba cho biết họ sẽ nhanh chóng bố trí phi đạn có khả năng tấn công bất cứ nơi nào ở Bắc Triều Tiên để tự vệ.

Từ nhiều tuần lễ, Bắc Triều Tiên đã đe dọa thực hiện thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba để trả đũa các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đã được mở rộng sau vụ phóng hỏa tiễn tầm xa của Bình Nhưỡng vào tháng 12.

Truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên nói vụ thử nghiệm dưới lòng đất sử dụng một quả bom hạt nhân nhẹ và nhỏ hơn nhưng có sức công phá lớn hơn so với những vụ thử nghiệm trước đó – làm gia tăng lo ngại Bình Nhưỡng đã đạt được tiến bộ trong việc chế tạo một quả bom đủ nhỏ để đặt trên một phi đạn.

Chuyên gia phân tích an ninh Michael McKinley của Đại học Quốc gia Australia nói với đài VOA rằng việc xác định trong những ngày tới liệu Bắc Triều Tiên đã có sử dụng plutonium hoặc uranium đuợc tinh chế cao để tiến hành thử nghiệm hay không là điều rất quan trọng:

“Bằng chứng quan trọng ở đây sẽ là liệu họ có sử dụng plutonium như họ đã làm trong hai vụ thử hạt nhân trước hay không, hay họ đã sử dụng uranium trong lần này. Điều đó tất nhiên sẽ cho thấy, rằng họ đã có một chương trình tinh chế uranium bí mật."

Trong năm 2009, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ bắt đầu tinh chế uranium, để cung cấp một nhiên liệu thứ hai cho vũ khí hạt nhân. Các chuyên gia cho rằng chương trình tinh chế uranium là bền vững hơn và dễ che giấu hơn trong các cơ sở bí mật.

Trong 20 năm qua, Bắc Triều Tiên đã ký một số thỏa thuận quốc tế nhằm chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của mình. Nhưng đã rút khỏi Hiệp ước Cấm phổ biến hạt nhân và phớt lờ các biện pháp trừng phạt kinh tế và ngoại giao gắt gao chống lại họ.

Bình Nhưỡng nói rằng họ cần vũ khí hạt nhân vì điều mà họ gọi là chính sách thù địch của Mỹ. Và nó nói rằng những lợi ích hứa hẹn để chấm dứt chương trình hạt nhân của mình, chẳng hạn như gia tăng viện trợ kinh tế và nhiên liệu từ các quốc gia phương Tây, không bao giờ trở thành hiện thực. Đất nước này đang trong tình trạng nghèo khổ, và phải phụ thuộc nhiều vào viện trợ lương thực nước ngoài để nuôi sống người dân.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG