Đường dẫn truy cập

Hỏi đáp Y học: Viêm thần kinh thị giác và bệnh đa xơ cứng


Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Trong chương trình hỏi đáp y học kỳ này, Bác Sĩ Hồ Văn Hiền trả lời thắc mắc của thính giả Châu A Giêng, về Viêm thần kinh thị giác (Optic neuritis), và Bệnh đa xơ cứng (Multiple sclerosis)

Viêm thần kinh thị giác (Optic neuritis) & Bệnh đa xơ cứng (Multiple sclerosis)

Thính giả Châu A Giêng ở Ðồng Nai, Việt Nam, gởi thư đến Chương trình Hỏi đáp Y học với câu hỏi như sau:

Kính gởi Bác sĩ Hiền

Tôi muốn hỏi cho trường hợp của con gái tôi của tôi, năm nay 41 tuổi. Cách đây 2 năm trong khi đang làm việc, đột nhiên mắt của con tôi bị mờ, rồi sau đó hầu như không nhìn thấy nữa. Sau này đi khám ở bệnh viện thì mới biết là con tôi bị viêm tủy, khô tủy!

Gia đình chúng tôi đưa con tôi đi khám và chữa bệnh ở nhiều bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng hầu như không có kết quả. Chúng tôi đi khám ở Trung tâm EXSON, nơi Bác sĩ Võ Xuân Sơn, chuyên khám và điều trị các bệnh về cột sống, tủy xương -- bệnh chỉ đỡ hơn thôi, chứ không thể chữa trị dứt điểm.

Chúng tôi cũng đã khám và điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, nhưng cũng không có kết quả tốt hơn. Vì hoàn cảnh khó khăn nên chúng tôi đành đưa cháu về nhà. Có Bác sĩ nói là bệnh này không chữa được.Hiện nay bệnh của con tôi ngày càng xấu đi. Trước đây còn tự ăn uống được, nay thì tay chân yếu hẳn, gần như là bại liệt.

Tôi gởi thư này đến quý đài, nhờ chuyển đến bác sĩ tư vấn xem ở các nước tiên tiến có thể điều trị được bệnh của con tôi không.



Trả lời:
please wait

No media source currently available

0:00 0:16:08 0:00
Tải xuống

Câu chuyện của ông kể về cô con gái 41 tuổi, đột ngột bị mờ mắt, chữa không khỏi, rồi bệnh nặng hơn, tay chân yếu đi, không tự ăn uống được. Ông gọi bệnh này là bệnh “khô tuỷ”.

Tôi xin có một số nhận xét sau đây:

1) Có lẽ ông lẫn lộn về tên bệnh này.

• Bệnh có thể có liên hệ gần xa với cái gọi là "khô tủy" là bệnh myelofibrosis, trong đó tuỷ xương (bone marrow) bệnh nhân là nơi sản xuất các tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu bản/Red blood cell, white blood cell, platelets) không còn hoạt động sản xuất các tế bào máu nữa. Bệnh nhân xanh xao, thiếu máu, dễ nhiễm trùng, gan, lá lách sưng to.

• Về "tuỷ", cần phân biệt "tuỷ xương" (bone marrow, French:moelle osseuse), là phần xốp đỏ có nhiều mỡ, chúng ta thấy trong ruột xương lúc chặt ngang một khúc xương heo, bò.

• “ Tuỷ sống" (spinal cord,French: moelle epiniere), là phần thần kinh màu trắng bạc, nằm trong các đốt xương sống lưng (vertebral canal).

• Tuỷ sống, là nơi nối liền bộ óc chúng ta với các phần từ cổ trở xuống.

2) Tôi giải thích cho rõ điểm này vì câu chuyện ông kể có vẻ không dính dáng gì đến "tuỷ xương" (bone marrow), hay 'khô tuỷ xương", và vì nhầm lẫn định bệnh của con gái, tôi đoán có thể ông tìm đến người chuyên môn về giải phẫu cột sống, tuỷ xương.

3) Cho nên, trước hết, nếu ông muốn tìm hiểu về các trị liệu ở nước ngoài, ông cần xin bác sĩ xác nhận con gái ông bị bệnh gì, chẩn đoán theo thuật ngữ khoa học (danh từ chuyên môn) gọi là gì, và tiếng Anh tên bệnh ấy, kết quả xét nghiệm, bệnh học mô tả bằng danh từ Anh ngữ như thế nào. Như thế để tránh hiểu lầm, và khỏi phải lặp lại (nếu ra nước ngoài chữa) không cần thiết các thí nghiệm, nghiên cứu đã làm ở VN rồi.

4) Để giúp ông tìm hiểu thêm tôi xin sơ lược một số khái niệm về trường hợp bệnh tình tương tự:

a) Bệnh nhân nữ, trẻ, đột ngột bị mờ mắt, thường nhất là do bệnh "optic neuritis", nghĩa là viêm dây thần kinh thị giác.

b) Trong mắt chúng ta, những tín hiệu ánh sáng từ ngoài vào con ngươi (pupil), chiếu vào đáy tròng mắt, lên võng mạc (retina). Hình chiếu trên võng mạc được biến thành dòng điện, được dẫn truyền vào óc chúng ta bằng một dây thần kinh, tương tự như dây cáp nối camera video với computer (bộ óc). Các sợi (fiber) trong bó dây thần kinh này được bao bọc bởi một chất mỡ gọi là myelin để bảo vệ chúng, và dòng điện dẫn truyền riêng rẽ theo từng sợi thần kinh. Cũng giống như dây cáp video có lớp nhựa bao bọc mỗi sợi dây điện trong đó, làm điện không bị " mát dây".

c) Trong cơ thể chúng ta, có một số tế bào phụ trách hệ thống phòng thủ, chống "ngoại xâm' như vi trùng, các protein lạ từ ngoài vào. Trong một số trường hợp, các tế bào thuộc hệ thống phòng thủ này, gọi là hệ miển nhiễm (immune system) bị rối loạn, chúng "trở giáo", chống lại các tế bào của chính cơ thể mình (“phe ta”). Trường hợp này gọi là bệnh tự miễn nhiễm (auto-immune disease).

d) Trong bệnh viêm thần kinh thị giác, các tế bào hệ miễn nhiễm phá huỷ chất myelin của dây thần kinh, và phá huỷ các tế bào (oligodendrocytes) sản xuất chất myelin này. Dây thần kinh bị hư (demyelination of the optic nerve), và các tín hiệu từ mắt vào óc bị gián đoạn. Bệnh nhân thấy đau sau mắt, nhất là tròng mắt nhìn qua lại, lên xuống, mắt mờ dần, càng ngày càng tăng trong vài ngày, vài tuần. Bệnh nhân bị mắt mờ, màu sắc rối loạn hoặc hoàn toàn mù.

d) Hiện nay, chưa có thuốc chữa dứt được bệnh này. Tuy nhiên, dù chữa hay không chữa trị, chừng 90 % trường hợp, tự phục hồi lại được, một phần hoặc toàn phần.

e ) Optic neuritis có thể là triệu chứng đầu tiên của một bệnh của hệ thần kinh (nervous system), bao gồm bộ óc (brain) và tuỷ sống (spinal cord). Các tế bào phòng thủ có thể tấn công luôn chất myelin trong não bộ và tuỷ xương sống, tạo nhiều hư hại, trong vùng chất trắng (white matter) cũng như chất xám (gray matter) của bộ não và gây những triệu chứng thần kinh như mất khả năng trí tuệ (loss of cognitive abilities), mệt mỏi (fatigue), chóng mặt, trầm cảm (depression), liệt các cơ của cơ thể (paralysis).

Bệnh này gọi là multiple sclerosis ( MS) (đa xơ cứng), nhưng xin chú ý đây không nói về xơ cứng xương khớp, mà từ "xơ cứng" (sclerosis) được các bs giải phẫu học thế kỷ thứ 19 dùng để mô tả những mảng (plaque) mô sờ cưng cứng như mô sẹo/thẹo, rải rác trong não bộ và tuỷ sống bệnh nhân lúc giải phẩu tử thi ( multiple =đa, nhiều; sclerosis, từ la tinh có nghĩa là sẹo/thẹo [scar]).

f) Chẩn đoán bệnh đa xơ cứng dựa trên các tiêu chuẩn:

- Bằng chứng khách quan chứng minh có 2, hoặc nhiều hơn, dấu hiệu tổn thương ở não bộ hoặc tuỷ sống
- Các dấu hiệu này trải dài trong thời gian và không gian: có nghĩa là các tổn thương xảy ra trên hai vùng khác nhau của hệ thần kinh trung ương, và cách nhau trên 3 tháng.

g) Trong 10 năm qua, chữa trị bệnh MS đã cải thiện hơn nhiều, nhờ những thuốc mới được dùng ngay sau khi bệnh nhân được xác nhận là mắc bệnh đa xơ cứng (MS), và các tiến bộ về chẩn đoán hình ảnh (imaging) bằng MRI, tuy chúng ta vẫn cần những liệu pháp tốt hơn, hữu hiệu hơn. Hiện nay, FDA công nhận 5 thứ thuốc gọi là immunomodulators (thuốc điều hoà hệ miễn nhiễm) được dùng cho MS: gồm những thuốc interferon beta 1-a, và 2 thuốc glatiramer và mitoxantron. Đều là thuốc chích, từ mỗi ngày cho đến mỗi tháng. Giá thuốc từ US$1000 đến $1500 mỗi tháng.

Nói tóm lại, có thể bệnh nhân mắc chứng multiple fibrosis. Bệnh này do hệ miễn nhiễm tấn công các sợi thần kinh và cả tế bào thần kinh. Bệnh bớt rồi tái lại từng cơn, triệu chứng đi từ bộ phận này qua bộ phận khác, trải dài trong thời gian.

Định bệnh căn cứ phần lớn trên bệnh sử các triệu chứng, cho nên bs cần nhiều thì giờ điều tra và theo dõi mới chẩn đoán chính xác, phân biệt với nhiều bệnh tương tự.
Cần bs chuyên khoa thần kinh (neurologist) có kinh nghiệm chữa MS. Có những thuốc mới (immunomodulators) tuy đắt tiền có thể cải thiện các cơn bệnh, làm tiến trình chậm lại.

Có những biện pháp giúp cải thiện đời sống hàng ngày của bệnh nhân, do đó cần cộng tác với bs gia đình, chuyên viên vật lý trị liệu, bs tâm thần, v..v..

Chúc bệnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
(Hien V. Ho, MD, FAAP)
Ngày 4 tháng 11, năm 2012

**********************************

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com, bấm vào mục Hỏi Đáp Y Học trong phần chuyên mục. Các bài giải đáp y học khác cũng được lưu trữ trong phần này.

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y học là 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Quý vị cũng có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi qua điện thư ở địa chỉ Vietnamese@voanews.com.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG