Đường dẫn truy cập

Học sinh VN nói về 2 dự án giúp người mù và nông dân trồng cúc ở Đà Lạt


Bốn đại diện của Việt Nam tại cuộc thi Intel ISEF 2015 (từ trái qua) Lâm Vũ Hoàng, Trần Quốc Cơ, Phan Mậu Thủy Tiên, và Đoàn Ngọc Anh Thư trò chuyện với VOA qua Skype.
Bốn đại diện của Việt Nam tại cuộc thi Intel ISEF 2015 (từ trái qua) Lâm Vũ Hoàng, Trần Quốc Cơ, Phan Mậu Thủy Tiên, và Đoàn Ngọc Anh Thư trò chuyện với VOA qua Skype.

Hàng năm, cuộc thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế Intel thu hút xấp xỉ 1.700 các nhà khoa học và kỹ sư trẻ tuổi đến từ 75 quốc gia. Họ đến đây mang theo hành trang là những dự án khoa học và kỹ thuật xuất sắc có khả năng áp dụng vào thực tế và tranh tài cho các giải thưởng và học bổng của tập đoàn Intel với tổng trị giá 4 triệu đôla. Dự án xuất sắc nhất sẽ được trao giải Gordon E. Moore và số tiền trị giá 75.000 đôla. Hai dự án xuất sắc kế tiếp sẽ nhận giải Nhà khoa học trẻ Quỹ Intel kèm theo tiền thưởng 50.000 đôla. Hôm mùng 8/5, Việt Nam gồm sáu đoàn học sinh, trong đó bốn đoàn đến từ miền Bắc và hai đoàn đại diện cho miền Nam, sau khi vượt qua các cuộc thi cấp khu vực và quốc gia, đã cùng nhau trải qua hành trình bay nửa vòng trái đất và đặt chân tới thành phố Pittsburgh, nơi diễn ra cuộc thi Intel ISEF năm 2015. VOA đã có dịp trò chuyện với một số em trong đoàn Việt Nam qua Skype một hôm trước khi diễn ra lễ trao giải ngày 15/5.

please wait

No media source currently available

0:00 0:09:36 0:00
Tải xuống

“Thành phố rất rộng và thanh bình; Dạ, cũng rất là vui vì có cơ hội trình bày đề tài của mình nhưng cũng nhớ Việt Nam lắm, nhớ món ăn Việt Nam lắm; Nói chung là giờ tối bên này là giờ sáng bên Việt Nam nên thấy kỳ kỳ;" "Em thấy mọi người ở đây rất là thân thiện với mình. Đi đâu cũng có thể chào hỏi người ta. Từ ‘cảm ơn’ là một từ rất phổ biến ở đây" là những cảm nhận khi đến Mỹ lần đầu tiên của bốn bạn Lâm Vũ Hoàng, Đoàn Ngọc Anh Thư, Phan Mậu Thủy Tiên, và Trần Quốc Cơ. Họ là những học sinh đại diện của Việt Nam đến từ miền Nam tham dự cuộc thi Khoa học Kỹ thuật Quốc tế Intel 2015 được tổ chức tại thành phố Pittsburgh, tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ từ ngày 9 đến 15 tháng 5.

Ảnh: Intel
Ảnh: Intel

Dù không tránh khỏi những bỡ ngỡ ban đầu và chưa kịp thích nghi khi đặt chân sang một đất nước hoàn toàn khác biệt so với quê nhà, nhưng các bạn học sinh Việt Nam có mặt tại cuộc thi Intel ISEF lần này không hề đánh mất sự tự tin khi nói về dự án nghiên cứu của mình. Bạn Vũ Hoàng, học sinh lớp 11 chuyên Toán trường PTTH Lê Hồng Phong ở TP.HCM giải thích về dự án thiết kế găng tay hỗ trợ cho người mù mà Vũ Hoàng thực hiện với người bạn cùng lớp, bạn Trần Quốc Cơ:

"Em và Cơ chung một nhóm. Dự án của tụi em là làm một găng tay hỗ trợ di chuyển cho người khiếm thị. Tụi em lấy ý tưởng từ con dơi, dùng sóng âm định vị vật cản. Sau đó tụi em dùng motor rung để rung và hướng dẫn cho người khiếm thị biết vật cản ở đâu. Vật cản càng gần thì motor sẽ rung càng mạnh. Thiết bị của tụi em có thể cảnh báo vật cản ở cả ba tầm là tầm đầu, thân, và chân để có thể đảm bảo tối đa cho người sử dụng khi di chuyển trên lề đường và vỉa hè. Nhưng đồng thời nó cũng có thể được sử dụng trong nhà và văn phòng, công sở."

Trong khi đó, Đoàn Ngọc Anh Thư và Phan Mậu Thủy Tiên, hai nữ sinh lớp 12 chuyên Sinh trường chuyên Thăng Long, thành phố Đà Lạt, những đại diện đầu tiên của trường tham dự cuộc thi Intel ISEF, đã giới thiệu với thế giới về cây hoa cúc Đà Lạt thông qua dự án sử dụng ánh sáng đơn sắc của đèn LED trong nghiên cứu nâng cao chất lượng cây giống cúc. Bạn Anh Thư nói:

"Cây cúc ở thành phố Đà Lạt là một trong những loài hoa cắt cành làm cảnh lâu đời. Người nông dân ở đây đa số sống bằng nghề trồng hoa cắt cành trong đó chủ yếu là hoa cúc. Họ sử dụng giống đó nhiều lần thì nó sẽ bị thoái hóa giống. Hơn nữa khi nuôi cấy họ sử dụng đèn huỳnh quang, phát nhiệt, dễ vỡ, có những cách nuôi sống không cần thiết cho sự sinh trưởng phát triển của thực vật. Cho nên bọn em muốn thử ứng dụng đèn LED vào nuôi cấy cây cúc."

Cho dù đây đều là những dự án khoa học thoạt nghe dường như khá phức tạp nhưng những ý tưởng cho dự án đều bắt nguồn từ những quan sát của các bạn học sinh trong cuộc sống thường ngày ở Việt Nam. Bạn Vũ Hoàng cho biết:

"Bởi vì em thấy đường sá Việt Nam không tốt như các nước đã phát triển khác và dễ hư hại khi có mưa. Và cũng có tin những người khiếm thị bị rơi xuống hố ga vì không có ai đậy nắp cẩn thận nên em muốn giúp họ không phải gặp những vấn đề nguy hiểm tương tự như vậy khi di chuyển trên đường, để có thể giúp họ tự tin đi ngoài đường và giao tiếp với mọi người hơn."

Allison Clausius (trái), đến từ Toledo, Ohio, nâng chiếc váy sạc điện thoại di động cho một cô gái trẻ mặc thử tại Cuộc thi ISEF ở Pittsburgh. (Ảnh: Intel)
Allison Clausius (trái), đến từ Toledo, Ohio, nâng chiếc váy sạc điện thoại di động cho một cô gái trẻ mặc thử tại Cuộc thi ISEF ở Pittsburgh. (Ảnh: Intel)

Để đưa đề tài của mình từ trên trang giấy ra ngoài thực tế, Vũ Hoàng và Quốc Cơ đã không chỉ ngồi trong phòng thí nghiệm nghiên cứu mà đã tìm đến sự đóng góp ý kiến của một số chuyên gia, trong đó có sự giúp đỡ của mái ấm Bừng Sáng và trường mù phổ thông Nguyễn Đình Chiểu mà theo bạn Vũ Hoàng, với hy vọng có thể gặp gỡ giao tiếp và được làm quen với các bạn mù, và từ đó có cơ hội được làm chung với những người bạn đó.

Còn đối với hai cô bạn Anh Thư và Thủy Tiên, từ một chuyến đi tới thăm nhà vườn trồng cây cúc mà từ đó, dự án sử dụng đèn LED đã ra đời. Bạn Anh Thư chia sẻ:

"Đề tài của bọn em là khi đi thăm quan nhà vườn trồng cây cúc thì thấy một là cây hoa cúc có chất lượng không đều nhau. Có một số cây rất thấp, một số cây thì cao. Hoa thì nhỏ. Rồi khi bước vào nhà vườn thì thấy nóng vì đèn huỳnh quang phát nhiệt, tiêu tốn nhiều điện năng. Qua học ở trường thì bọn em biết kiến thức về đèn LED, về sinh học, nên bọn em muốn thử ứng dụng để cải thiện giống hoa cúc ở địa phương."

Theo lời bạn Anh Thư, với sự giúp đỡ của PSG-TS Dương Tấn Nhựt ở Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên và các thày cô giáo bộ môn Sinh và tiếng Anh của trường Thăng Long, dự án với mục đích giúp đỡ những người nông dân trồng cúc ở Đà Lạt đã đến với thế giới qua những tấm poster mà các bạn học sinh đã bỏ ra rất nhiều công sức thực hiện để tham dự cuộc thi Intel ISEF năm 2015. Bạn Vũ Hoàng cho biết thêm:

"Cuộc thi ở Mỹ Intel ISEF tập trung vào phần poster nên phần poster là phần cần chuẩn bị quan trọng nhất. Chúng em cần phải tốn nhiều thời gian để dịch các văn bản từ tiếng Việt sang tiếng Anh và cũng phải rất cẩn thận vì có nhiều từ chuyên môn mà mình dịch sai, giám khảo sẽ không hiểu được, nên poster là vấn đề quan trọng nhất mà tụi em cần phải bỏ ra nhiều công sức để làm."

Tuy rằng việc chuẩn bị poster cho cuộc thi tại Mỹ rất quan trọng nhưng tấm poster ấy sẽ không trở nên hoàn chỉnh nếu không có những cuộc thí nghiệm dở khóc dở cười và cũng khá mạo hiểm mà các bạn học sinh này đã trải qua. Bạn Thủy Tiên của trường chuyên Thăng Long kể lại:

"Khi em và bạn Thư ngồi trong cái bóc cấy, khi cấy cây cần sử dụng đèn cồn. Lần đầu sử dụng kìm để kẹp cây lên thì phải hơ qua đèn cồn thì hai đứa bị cháy lông tay. Những ngày bóc cấy có vấn đề nhưng mới đầu cấy không sao nhưng giữa đó lúc ngồi cấy không để ý, không biết, nên sau một tuần lên kiểm tra lại cây thì bị nhiễm hết thì hai đứa phải ngồi cấy lại."

Và bạn Anh Thư bổ sung:

"Hoặc đang cấy trong môi trường vô trùng thì tự nhiên bị cúp điện nên phải bỏ hết tất cả những gì mình vừa cấy."

Còn bạn Vũ Hoàng nhớ lại:

"Dạ trong mấy lần đầu tiên tụi em thử nghiệm vẽ mạch in là mạch giúp giảm diện tích sản phẩm. Lúc đầu để có thể rửa được mạch in tụi em phải có loại mực đặc biệt nhưng mà không có nên tụi em nghịch dại sử dụng axit với cồn, lúc làm sơ ý, hai đứa phỏng do rớt lên tay, la á á á trong phòng thí nghiệm." (Cười)

Không nản lòng trước những sự cố và tai nạn nhỏ như vừa rồi, các bạn của hai nhóm trường Thăng Long và Lê Hồng Phong dự định sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm của mình sau khi cuộc thi kết thúc để có thể phục vụ cho đối tượng chính của dự án bởi lẽ theo các bạn, thị trường và người dùng chính là những yếu tố quan trọng nhất quyết định tính thực tiễn của hai dự án. Bạn Anh Thư cho biết:

"Đề tài của chúng em thì em nghĩ yếu tố quan trọng nhất đó là đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Bởi vì một cây hoa cúc mà muốn bán ra với giá cao thì không thể có cái thân quá thấp, quá cao, hoặc giống không sạch bệnh. Bọn em muốn tiếp tục nghiên cứu thêm quá trình ra hoa ngoài vườn ươm để có thể cung cấp giống cho người nông dân một cách tiện lợi nhất."

Raymond Wang, 17 tuổi, đến từ Canada, là người giành giải nhất cuộc thi Intel Isef 2015. (Ảnh: Intel)
Raymond Wang, 17 tuổi, đến từ Canada, là người giành giải nhất cuộc thi Intel Isef 2015. (Ảnh: Intel)

Còn đối với dự án sản xuất găng tay trợ giúp người mù của trường Lê Hồng Phong, bạn Vũ Hoàng nói:

"Đối với bọn em tạo ra một thiết bị để có thể hỗ trợ cho người khiếm thị thì yếu tố quan trọng nhất là phải hướng tới người dùng. Chúng em cần phải hiểu được nhu cầu và sự cấp thiết mà người khiếm thị cần thì tụi em mới có thể tạo ra một thiết bị hữu dụng cho họ. Bởi vì nếu tụi em không hiểu được họ thì tụi em sẽ không thể tạo ra một thiết bị mà họ mong muốn. Do đó chúng em cần phải liên tục khảo sát ý kiến và đồng thời sau khi mỗi lần tạo ra sản phẩm, phải đưa đến thử nghiệm với người khiếm thị để xem độ hiệu quả của sản phẩm, và xem những lời phản hồi của họ về mặt tích cực và tiêu cực của sản phẩm của mình, để từ đó có thể cải thiện tốt hơn trong những lần cải tiến tiếp theo. Em dự định sẽ cố gắng hoàn thiện sản phẩm của mình bởi vì tụi em muốn hoàn thiện khắc phục tất cả các lỗi này và có thể phát triển sản phẩm hơn để tạo ra một găng tay hoàn chỉnh, có thể sản xuất hàng loạt, và phổ biến cho các bạn khiếm thị ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.”

Và không chỉ dừng lại ở việc tiếp tục cải tiến dự án trong cuộc thi lần này, bốn bạn Anh Thư, Thủy Tiên, Quốc Cơ, Vũ Hoàng mong muốn học hỏi thêm phương pháp nghiên cứu khoa học và cách làm việc nhóm từ các thí sinh khác cho những dự án khoa học sau này.

Cuộc thi Intel ISEF 2015 đã khép lại hôm 15/5 với chiến thắng thuộc về học sinh Raymond Wang, 17 tuổi, đến từ Canada, với dự án thiết kế hệ thống hút gió mới trong cabin của máy bay để cải thiện chất lượng không khí và kiềm chế việc truyền nhiễm bệnh. Trong khi đó, đề tài “Tuyển chọn chủng vi khuẩn Bacillus từ ruột tôm để tạo chế phẩm probiotic giúp nâng cao chất lượng và sản lượng tôm” của hai bạn Nguyễn Minh Quang và Trần Vân Anh, đến từ trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Hà Nội, đã giành giải Tư trị giá 500 đôla trong hạng mục Vi trùng học tại cuộc thi Intel ISEF ở Mỹ năm nay.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG