Đường dẫn truy cập

Hoàng Phủ Ngọc Tường có ở Huế Tết Mậu Thân?


Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (Ảnh chụp từ trang datviet.vn)
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (Ảnh chụp từ trang datviet.vn)

Hôm tháng 31-8-2015 vừa qua, tạp chí văn chương damau.org có đăng bài của Nguyễn Đức Tùng phỏng vấn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Bài phỏng vấn này được Nguyễn Đức Tùng thực hiện cách đây bảy năm, nay mới cho phổ biến, sau khi đã xác minh với nhà văn xứ Huế về nội dung một lần chót trước khi Hoàng Phủ Ngọc Tường đồng ý đưa ra công luận vào lúc này, khi ông Tường đang lâm trọng bệnh.

Một lần nữa, Hoàng Phủ Ngọc Tường phủ nhận việc ông có mặt ở Huế trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân như nhiều thông tin và nguồn dư luận đã đưa ra. Khi nói là mình không có mặt ở đó, ông Tường muốn chứng minh là ông không can dự vào các vụ thảm sát ở Huế khi đó.

Việc chứng minh Hoàng Phủ Ngọc Tường có mặt ở Huế và đã có xử án nhiều người thì nhiều nguồn đã nhắc đến. Những tài liệu chính:

1/ Năm 1981 khi trả lời phỏng vấn của đài truyền hình WGBH cho loạt phóng sự về cuộc chiến Việt Nam đã qua, ông Tường thừa nhận đã có mặt tại Huế vào thời điểm Tết Mậu Thân.

2/ Trong tác phẩm Giải khăn sô cho Huế của Nhã Ca (Nxb Việt Báo. 2008), Nguyễn Đắc Xuân cũng xác nhận Hoàng Phủ Ngọc Tường có mặt tại Huế ở khu Gia Hội trong Tết Mậu Thân, với các nhân vật Đắc là Nguyễn Đắc Xuân, Phủ là Hoàng Phủ Ngọc Tường và Ngọc là Hoàng Phủ Ngọc Phan. (tr. 226)

3/ Sách Huế Thảm sát Mậu Thân của Liên Thành (Nxb Ủy ban Truy tố Tội ác Đảng Cộng sản Việt Nam. 2011) ghi lại sự kiện tác giả, lúc còn là cấp chỉ huy cảnh sát đặc biệt ở Huế, bắt được Hoàng Kim Loan, một cán bộ cộng sản nội thành hoạt động tại Huế vào tháng 5/1972 và Loan đã khai rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường ngồi ghế chủ tịch toà án nhân dân ở trường Gia Hội cùng với 2 thành ủy viên là Phan Nam, Hoàng Lanh cũng như Hoàng Kim Loan đã có mặt ở đó. (tr. 215)

4/ Sách The Viet Cong massacre at Hue của Alje Vennema (Nxb Vantage. 1976) ghi nhận những nơi có tòa án nhân dân là ở chủng viện do Hoàng Phủ Ngọc Tường chủ tọa. Bên trường Gia Hội do Nguyễn Đắc Xuân (tr. 94).

Sự kiện Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đoá và Nguyễn Thị Đoan Trinh có mặt tại Huế dịp Tết Mậu Thân thì không có gì tranh cãi vì đã có rất nhiều tài liệu nói lên điều đó và họ không phủ nhận.

Riêng Hoàng Phủ Ngọc Tường, sau khi trả lời truyền hình Mỹ là ông có mặt ở Huế vào Tết Mậu Thân, đến năm 1997 ông lại phủ nhận chuyện đó khi trả lời phóng viên Thụy Khuê của đài RFI. Bài phỏng vấn được in lại trong sách Giải khăn sô cho Huế có câu hỏi liên quan đến sự kiện đó như sau:

TK: Như vậy thì anh đã làm gì trong thời gian Tết Mậu Thân? Anh ở đâu? Anh làm những chức vụ gì?

HPNT: Có một tổ chức chính trị của các lực lượng đấu tranh của phong trào Huế ra đời trong bối cảnh xuân Mậu Thân, ấy là Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc Dân Chủ Và Hòa Bình Thành Phố Huế, do anh Lê Văn Hảo làm Chủ tịch, Hòa Thượng Thích Đôn Hậu và bà Nguyễn Đình Chi làm Phó chủ tịch. Với tư cách Tổng thư ký, tôi luôn luôn có mặt bên cạnh các vị kể trên để làm công tác chính trị của Liên Minh, tuyệt nhiên không dính líu gì đến chuyện nhúng tay vào máu ở Huế. Trụ sở chiến dịch của Liên Minh là một địa đạo Trường Sơn, thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, Huế. Trụ sở này, đã được mô tả đầy đủ trên báo Lao Động, ở trong nước cách đây hai tháng. (tr. 604)

Tập sách Huế Xuân 68 (Nxb Thành ủy Huế. 1988) là nguồn tài liệu qua nhiều bài bút ký chiến tranh ở Huế Tết Mậu Thân của những người đã trực tiếp tổ chức và tham gia vào cuộc tổng tấn công như Thượng tướng Trần Văn Quang, Thiếu tướng Lê Chưởng, Lê Minh, Ngô Kha, Nguyễn Đắc Xuân, Lê Văn Hảo, Nguyễn Đình Chi, Lê Thị Mai v.v…

Sách do Nguyễn Huy Ngọc chịu trách nhiệm xuất bản và ban biên tập gồm Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Nhuận Vỹ, và Nguyễn Đắc Xuân.

Bài “Bước ngoặt vào xuân” của Lê Cảnh Trân là sĩ quan bí thư của tỉnh trưởng Thừa Thiên Huế Phan Văn Khoa và là một cán bộ nằm vùng, có đoạn viết:

“Theo các nguồn tin từ xa qua đài Tiếng nói Việt Nam, đài Phát thanh Giải phóng…. Bao nhiêu gương mặt quen thuộc, thân yêu cũng đã đến với tôi: Thượng tọa Thích Đôn Hậu trụ trì chùa Thiên Mụ, giáo sư Hoàng Phủ Ngọc Tường từng giảng văn học cho tôi, giáo sư Lê Văn Hảo, bà Tùng Chi, rồi Nguyễn Đắc Xuân người bạn trong phong trào trước đây, rồi Đoan Trinh, con gái cụ Nguyễn Đoá, từng là đoàn sinh gia đình Phạt tử của tôi. Nhiều, nhiều người lắm… cùng xuất hiện trên một trận tuyến giải phóng thành phố Huế.” (tr. 332)

Giáo sư Lê Văn Hảo qua bài “Bước ngoặt của đời tôi” ghi lại sự kiện ông rời thành lên núi, tức vào chiến khu, từ hôm 25 tháng Chạp, đi theo một cô giao liên tên Gái dẫn đường. Tối 29 tháng Chạp ông gặp Hoàng Phủ Ngọc Tường, cùng với Hoàng Phương Thảo và Nguyễn Đức Hân. Sáng 30 Tết ông tham khảo với Tường để sửa chữa lời kêu gọi của ủy ban liên minh các tổ chức để trưa hôm đó ghi âm. Ông và Thảo, Hân cùng Hoàng Phủ Ngọc Tường theo dự kiến sẽ xuống núi sau vài ngày. (tr. 240)

Sau khi tổng tấn công nổ ra ông Hảo ghi lại như sau:

“Đến ngày 15 tháng 2 thì Ủy ban Nhân dân Cách mạng Thừa Thiên Huế ra mắt đồng bào cố đô. Tôi được cử làm chủ tịch, anh Hoàng Phương Thảo, chị Nguyễn Đình Chi làm phó chủ tịch. Cũng trong những ngày Huế giải phóng, trên đường phố tại nhiều địa điểm có loa phóng thanh đã vang lên Lời Kêu gọi của Ủy ban Liên Minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hoà bình Việt Nam…” (tr. 242)

Sự kiện Lê Văn Hảo đã có mặt ở Huế ngày 15-2-1968 và theo lời Hoàng Phủ Ngọc Tường trả lời Thụy Khuê là ông “luôn luôn có mặt bên cạnh các vị kể trên” thì điều đó chứng minh ông Tường đã xuống núi cùng với giáo sư Lê Văn Hảo và Hoàng Phương Thảo và lúc đó cũng đang có mặt ở Huế cùng với Hoà thượng Thích Đôn Hậu và bà Nguyễn Đình Chi là những người đứng đầu Liên minh.

Cũng theo bài viết của Lê Văn Hảo, khoảng nửa tháng sau khi Huế được giải phóng, nhiều người rời thành phố ra vùng giải phóng tham gia cách mạng có Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Nguyễn Đình Chi (tên thật là Đào Thị Xuân Yến), Nguyễn Đoá, Tôn Thất Dương Tiềm. (tr. 244)

Bà Nguyễn Đình Chi trong bút ký “Thoát Ly” kể rằng ngày 9-2-1968, lúc bà còn ở Huế, thì Hoàng Phương Thảo đã gặp bà để bàn về việc gia nhập Liên minh và ủy ban nhân dân cách mạng và bà đã đồng ý.

Sau đó bà thoát ly lên núi, vào một nơi dành cho các vị trong ủy ban nhân dân và liên minh thì “gặp ngay những nhân sĩ trí thức Huế đã lên trước tôi chẳng hạn như bác Nguyễn Đoá, anh Tôn Thất Dương Tiềm, anh Lê Văn Hảo, anh Thành, anh Hoàng Lê (tức Hoàng Phương Thảo)…” (tr. 252). Hôm đó là ngày 18-2-1968.

Khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3 ở chiến khu bà Chi bị sốt rét và có Lê Văn Hảo cùng Thuyết, bí danh của Hoàng Phủ Ngọc Tường, ghé thăm. Đó là lời bà Chi kể lại trong bút ký.

Qua những tài liệu trên, có thể suy ra rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường có mặt ở Huế trong khoảng thời gian từ tuần đầu đến giữa tháng 2/68. Vì sau đợt tấn công đầu tiên chiếm được Huế, bộ đội cộng sản không giữ được và quần chúng không nổi dậy, cũng như tại nhiều tỉnh thành khác lúc bấy giờ, nên bộ chỉ huy bắt đầu tính đến kế hoạch rút lui sau các đợt phản kích bắt đầu một tuần sau đó của lính Việt Nam Cộng hòa và Mỹ. Sau 26 ngày chiếm Huế thì bộ đội cộng sản hoàn toàn rút khỏi.

Trong giao tranh nhiều người bị tử thương vì bom đạn hai bên. Chết vì bị tấn công nhầm, vì bom lửa như đã được ghi lại trong nhiều sách, tài liệu.

Nhưng còn hàng nghìn cái chết của những người đã ra đầu hàng, những người bị đập vỡ sọ, bị trói tay thành từng nhóm, bị nhét giẻ vào miệng trước khi bị đẩy xuống hố, xuống mương chôn sống. Đó là thảm sát.

Theo tài liệu lưu hành nội bộ có tên “Chiến trường Trị-Thiên-Huế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước toàn thắng” [dự thảo] (Nxb Thuận Hóa, Huế. 1985), khuyết điểm trong các giai đoạn đấu tranh trước tổng tiến công Mậu Thân, từ 1959 đến cuối năm 1967, là cán bộ “chưa quán triệt sâu sắc quan điểm bạo lực cách mạng và tư tưởng chiến lược tấn công” (tr. 97)

Và bạo lực đã xảy ra cho Huế: “Khí thế cách mạng sôi nổi rầm rộ nhất là khu Gia Hội. Tại đây nhân dân đã bắt và trừng trị nhiều tên phản động, ác ôn, mật vụ từ các nơi trong thành phố chạy trốn tụ tập về; hằng trăm tên lính ngụy ra đầu hàng, đầu thú với cách mạng” (tr.147)

Với chủ trương dùng bạo lực cách mạng mà những bộ đội và cán bộ cộng sản đã quán triệt thì dù có hay không những Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đóa, Nguyễn Thị Đoan Trinh, Huế cũng không tránh khỏi thảm sát như đã xảy ra.

Một lần tôi đến Huế, đi ăn cơm Âm Phủ và nghe một bạn trẻ nói rằng Huế mỗi khi Tết về rất là buồn. Tôi hiểu được nỗi buồn đó của Huế. Người dân Huế từ bao năm qua vẫn mong có một ngày giỗ chung để cho hương hồn những người chết oan nghiệt của năm Mậu Thân được giải thoát.

*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Bùi Văn Phú

    Tác giả dạy đại học cộng đồng và hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Các bài viết của Bùi Văn Phú là bài viết cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG