Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ cảnh báo Trung Quốc tại diễn đàn an ninh châu Á


Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera tại Singapore, ngày 31 tháng 5, 2014.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera tại Singapore, ngày 31 tháng 5, 2014.
BANGKOK — Tại diễn đàn an ninh lớn nhất châu Á, Trung Quốc ở thế thủ trước các giới chức hàng đầu của một vài nước, trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản và Việt Nam. Các giới chức này kêu gọi Bắc Kinh có thái độ hòa hoãn hơn trong những tranh chấp lãnh thổ trên biển tại vùng này.

Trung Quốc là mục tiêu của những nhận xét thẳng thừng bất thường của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel. Ông Hagel nói đến một thế giới hiện đại không ranh giới và những cơ hội lớn lao nhưng cũng có “những mối đe dọa to lớn.”

Trong một bài phát biểu tại một hội nghị ở Singapore, ông Hagel nói rằng “Trung Quốc đã thực hiện những hành động đơn phương, gây bất ổn để tìm cách khẳng định yêu sách chủ quyền ở Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông].”

“Hoa Kỳ sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ khi những nguyên tắc căn bản của trật tự quốc tế bị thách thức. Chúng tôi sẽ gìn giữ những nguyên tắc này,” ông nói.

Ông Hagel nhắc lại Hoa Kỳ không đứng về bên nào trong các bên đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ trong vùng biển tranh chấp.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng nêu lên vấn đề Trung Quốc hạn chế quyền tiếp cận của Philippines đối với một bãi cạn, bắt đầu cải tạo đất lấn biển tại nhiều địa điểm ở Biển Đông và đặt giàn khoan dầu trong vùng biển có tranh chấp với Việt Nam.

Bài diễn văn của ông Hagel tại Cuộc đối thoại Shangri-la (do Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược tổ chức) bị một viên chức quân sự hàng đầu của Trung Quốc nhanh chóng chỉ trích.

Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV trích lời Trung tướng Vương Quán Trung, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, chỉ trích viên chức Mỹ đã công khai đưa ra nhận định này trong một bài diễn văn ông Vương cho là “đầy dẫy bá quyền, khích động, và đe dọa.”

Tân Hoa Xã trích lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Thủ tướng Malaysia tại một cuộc gặp hôm thứ Sáu ở Bắc Kinh là Trung Quốc sẽ không chủ động gây hấn tại Biển Đông nhưng sẽ đáp trả nếu những nước khác làm như vậy.

Bộ trưởng Hagel, trong bài diễn văn tại diễn đàn Singapore, cũng kêu gọi Trung Quốc hợp tác để đối phó với những đe dọa của Bình Nhưỡng.

“Chúng ta phải cùng nhau làm việc chặt chẽ hơn để đối phó với những khiêu khích làm mất ổn định của Bắc Triều Tiên và những chương trình hạt nhân và phi đạn đạn đạo của nước này đe dọa sự ổn định trong vùng và quyền lợi của Trung Quốc," ông nói. "Hoa Kỳ trông đợi Trung Quốc đóng một vai trò tích cực hơn trong việc đáp ứng với những thách thức này.”

Phản ứng về cuộc đảo chính tại Thái Lan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ kêu gọi các tướng lãnh nước này phục hồi “quyền lực của người dân…qua những cuộc bầu cử tự do và công bằng.”

Hoa Kỳ đã dừng hợp tác quân sự với Thái Lan và đang xem xét lại những chương trình trợ giúp quốc phòng và giao tiếp.

Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera, trong bài diễn văn tại hội nghị Singapore, kêu gọi đối thoại với Trung Quốc về những tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông Trung Hoa.

Ông Onodera nói vấn đề không phải là có thảo luận với Trung Quốc, một nước láng giềng quan trọng của Nhật Bản, hay không. Ông nói quan điểm của Tokyo, đã được nêu rõ với Bắc Kinh, là nếu có những khác biệt thì nên có một chỗ dành cho một cuộc đối thoại thích hợp.

Hội nghị cho thấy rõ Nhật Bản muốn đóng một vai trò an ninh lớn hơn, dù vẫn còn thái độ thù ghét ở châu Á đối với Nhật Bản về cuộc xâm lăng của nước này vào đầu thế kỷ 20 cũng như hiến pháp chủ hòa của Tokyo sau Thế chiến Thứ hai.

Nhận định của các giới chức Nhật Bản được đưa ra vào lúc lực lượng tuần duyên nước này nói hai tàu tuần duyên Trung Quốc xâm nhập vùng biển chung quanh nhóm đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là nhóm đảo Điếu Ngư. Đây là lần thứ 12 tàu thuyền chính thức của Trung Quốc xâm nhập vùng biển tranh chấp trong năm nay.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tối ngày thứ Sáu nói tại diễn đàn Singapore là chính phủ ông sẽ “hết lòng hỗ trợ” cho các nước ASEAN khi họ tìm cách bảo vệ vùng biển và không phận của họ khỏi Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đề cập đến việc thiếu sự tin cậy lẫn nhau trong vùng, nhắc lại đòi hỏi của chính phủ Việt Nam là Trung Quốc phải di dời giàn khoan dầu ra khỏi vùng biển tranh chấp.

Phát biểu tại Cuộc đối thoại Shangri-la, Đại tướng Phùng Quang Thanh kêu gọi giải quyết những vấn đề lãnh thổ tại Biển Đông theo luật quốc tế và những thỏa thuận hiện có. Tướng Thanh nói các lực lượng Việt Nam cho đến nay đã hành xử một cách tự chế.

Tướng Thanh cho biết Việt Nam đang xem xét khả năng tài phán quốc tế để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc nhưng chỉ được xem như là phương kế cuối cùng. Ông nói:

“Khía cạnh có thể xem xét được là đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế. Nếu trường hợp có thể dùng biện pháp này thì đó cũng là biện pháp buộc Việt Nam phải lựa chọn thôi, không còn cách nào khác. Thế nhưng chúng tôi vẫn mong muốn, vẫn hy vọng là các vị lãnh đạo, các bạn Trung Quốc sẽ cùng ngồi với nhau để giải quyết.”

Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam cũng cho thấy Hà Nội có ý muốn cho phép các chiến hạm nước ngoài được đến vịnh nước sâu Cam Ranh, trong quá khứ đã được các lực lượng Hoa Kỳ và sau đó là Hải quân Nga sử dụng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG