Đường dẫn truy cập

Hòa bình tại Philippines vẫn có nhiều hy vọng


Tổng thống Philippines Benigno Aquino (giữa) hoan nghênh khi Trưởng đoàn đàm phán Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) Mohagher Iqbal (thứ 2-bên trái) bắt tay với Chủ tịch Thượng viện Franklin Drilon (thứ 2-bên phải) trong buổi lễ bàn giao dự thảo Luật cơ bản Bangsamoro (BBL).
Tổng thống Philippines Benigno Aquino (giữa) hoan nghênh khi Trưởng đoàn đàm phán Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) Mohagher Iqbal (thứ 2-bên trái) bắt tay với Chủ tịch Thượng viện Franklin Drilon (thứ 2-bên phải) trong buổi lễ bàn giao dự thảo Luật cơ bản Bangsamoro (BBL).

Hai năm sau khi chính phủ Philippines và phe nổi dậy Hồi giáo lớn nhất trong nước ký một thỏa thuận nhằm chấm dứt 4 thập niên tranh chiến đổ máu tại miền nam nước này, vẫn còn những câu hỏi về việc tiến trình hòa bình đi về đâu.

Trước kỳ nghỉ một tháng, quốc hội Philippines không thông qua một luật đề nghị thành lập một khu tự trị của phe nổi dậy. Các nhà lập pháp sẽ không nhóm họp lại cho đến sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5 để bầu tổng thống mới, người sẽ quyết định số phận của tiến trình hòa bình.

Dự luật nguyên thủy do các nhà thương thuyết chính phủ và Mặt trận Giải phóng Hồi Giáo Moro (MILF) soạn thảo có tên Luật Căn bản Bangsamoro (BBL), kêu gọi quốc hội thành lập một quốc hội chia sẻ quyền hành ở cấp địa phương và quốc gia. Thượng viện không đồng ý về các phiên bản của hai bên đưa ra, trong khi Hạ viện đạt đồng thuận cao hơn.

Các lãnh tụ Mặt trận Giải phóng Hồi Giáo Moro công nhận có những bất đồng trong hàng ngũ phe nổi dậy và những người thương thuyết hòa bình bày tỏ lo ngại rằng các thế hệ tương lại có thể quay lại việc sử dụng vũ khí.

Trưởng đoàn thương thuyết của Mặt trận ông Mohagher Iqbal nói chuyện với các phóng viên bên lề lễ kỷ niệm hai năm thỏa thuận hòa bình được ký kết tại Trường đại học Notre Dame ở thành phố Cotabato. Ông nói là kể từ khi quốc hội kết thúc các phiên họp, ông đã đi qua các tỉnh và thành phố trong vùng được qui định trong thỏa thuận Bangsamoro.

Ông Iqbal nói: “Việc này cho thấy là chúng tôi thực sự kiểm soát tình hình. Rất khó khăn. Nhưng việc này cũng chứng tỏ sự chỉ huy và kiểm soát của Mặt trận Giải phóng Hồi Giáo Moro, và cho thấy là người dân của chúng tôi, các cấp chỉ huy của chúng tôi, các chiến binh của chúng tôi cũng như các thành viên của Mặt trận Giải phóng Hồi Giáo Moro vẫn còn nghe theo Mặt trận.”

Trong một bài diễn văn đọc tại lễ kỷ niệm, chủ tịch uỷ ban hòa bình của chính phủ, bà Miriam Coronel-Ferrer nhắc đến gần 20 năm thương thuyết hòa bình trong đó cả hai phía đều vượt qua những bế tắc dẫn đến xung đột.

Bà Coronel-Ferrer cho biết: “Với tất cả sự tôn trọng, tôi không đồng ý với những người nói rằng chúng ta không có gì để kỷ niệm vì chúng ta không thông qua được Luật Căn bản Bangsamoro.”

Nói chuyện với các phóng viên, bà Ferrer nhấn mạnh đến những chương trình và những khía cạnh của thỏa thuận không phụ thuộc vào việc thông qua đạo luật này. Bà nhắc đến chương trình huấn luyện nghề nghiệp đang được tiến hành để giúp các cựu phiến quân trong vùng nghèo khổ cùng cực đa số là người Hồi Giáo.

Ông Jacob Palao, cựu phiến quân 57 tuổi, người đã tham dự một sinh hoạt giải thể phiến quân vào tháng 6 năm ngoái, có mặt tại lễ kỷ niệm ở Notre Dame. Cựu chỉ huy phó phụ trách các cuộc hành quân của phiến quân nói với Đài VOA là ông đã học xong lớp dạy nghề may mặc.

Ông cũng cho biết con trai ông trước đó đã phải bỏ ngang đại học vì gia đình không chu cấp nổi, nay trở lại trường nhờ sự giúp đỡ của chương trình giải thể. Chương trình này có 53 triệu đô la dành cho giáo dục, an sinh xã hội và những phúc lợi khác.

Ông Paolo, một phát ngôn viên của mấy mươi phiến quân đã buông vũ khí vào năm ngoái, nói các chiến binh sẽ tiếp tục hỗ trợ tiến trình dù không thông qua được luật căn bản và thay đổi chính quyền.

Ông Paolo nói: “Chừng nào uỷ ban hòa bình của chúng tôi vẫn còn hoạt động, thì chúng tôi vẫn tiếp tục hy vọng.”

Tuy nhiên trong lúc tiến trình hòa bình hiện quá trễ so với thời hạn đề ra để luật được thông qua, khu tự trị quyết định thành lập một hội đồng lập pháp địa phương vào tháng 6 này. Đó là lúc Tổng thống Benigno Aquino rời khỏi chức vụ.

Ông Francisco Lara, giám đốc phân nhánh Philippines của tổ chức Báo động Quốc tế nói những người xây dựng hòa bình như tổ chức của ông đang chú ý đến 3 kịch bản khi tổng thống Aquino rời khỏi chức vụ: tiếp tục những gì đã khởi sự như dưới chính quyền hiện hữu, dùng luật căn bản được đề nghị là điểm bắt đầu với những điều chỉnh như mong đợi hoặc là cùng thực hiện những cuộc thương thuyết mới. Ông nói kịch bản cuối có thể dẫn đến việc các phiến quân bước ra khỏi bàn thương thuyết.

Ông Lara nói những chương trình nằm trong thỏa thuận hòa bình nhưng không thuộc luật đề nghị sẽ rất dễ bị phá vỡ vì bất cứ ai lên cầm quyền có thể không ưu tiên tài trợ những chương trình này.

Ông Lara cho biết: “Họ không cần phải bãi bỏ chương trình này. Tất cả họ cần làm là làm ngơ trước những gì đã được thành lập.Tôi nói đến những cơ quan giải thể, những uỷ ban bình thường hóa, chuyển tiếp tư pháp và những uỷ ban hòa giải.”

Ông Lara nói chừng nào những cơ quan này bị chính thức bãi bỏ, những điều khoản của thỏa thuận được ký kết sẽ không bị vi phạm.

Trong bài diễn văn tại lễ kỷ niệm thỏa thuận, ông Iqbal nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thỏa thuận.

Ông Iqbal nói: “Hiện nay những thống khổ và nguyện vọng của chúng tôi đã được công nhận và xác định không những bởi chính phủ của nước Cộng hòa Philippines mà còn bởi các quốc gia khác trên thế giới. Quí vị nghĩ chúng tôi phải chấm dứt đấu tranh vì thời điểm không thuận lợi cho chúng tôi hay sao? Không, cá nhân tôi kêu gọi mọi người hãy đứng lên vì hòa bình. Thỏa thuận Toàn diện của Bangsamora muôn năm.”

Nhiều thập niên chiến tranh tại miền nam Philippines đã làm hơn 120.000 người thiệt mạng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG