Đường dẫn truy cập

Hãy cám ơn Trung Quốc


Việc Trung Quốc mang giàn khoan HD-981 đến thăm dò dầu khí trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam vào đầu tháng 5 vừa qua gợi lên rất nhiều phẫn nộ từ dân chúng Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn lại, tôi nghĩ, chúng ta nên cám ơn Trung Quốc.

Cám ơn về nhiều việc, nhưng việc quan trọng nhất là nó làm cho người dân Việt Nam cũng như giới quan sát quốc tế thấy rõ là chính quyền Việt Nam hoàn toàn lúng túng trong việc đối đầu với những thử thách như thế. Sự lúng túng ấy thể hiện ở hai điểm: Một, họ không có tầm nhìn chiến lược đủ để có thể tiên đoán các hành động xâm lấn của Trung Quốc trên lãnh hải Việt Nam; và hai, trong nội bộ của họ, ngay cả ở những cấp lãnh đạo cao nhất, vẫn bị phân hoá với hậu quả là sau mấy tháng bị Trung Quốc quấy nhiễu, họ vẫn không tìm ra được một sách lược chung nào cả.

Cám ơn Trung Quốc còn vì lý do này nữa: Việc gây hấn ấy dập tắt ảo tưởng về người bạn “4 tốt” (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt) với “16 chữ vàng” (Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai) của khá nhiều người, kể cả các đảng viên. Người ta thấy rõ một điều, cái điều trên thế giới đã có rất nhiều người thấy từ lâu: Trong quan hệ quốc tế, sự tương đồng về ý thức hệ không quan trọng bằng lợi ích quốc gia. Điều này đã được chứng minh một lần qua cuộc chiến tranh trên biên giới Việt Trung năm 1979. Giới lãnh đạo, nếu chưa mở mắt hẳn, có lẽ cũng thấy ngượng ngập khi phải nhắc đến những khẩu hiệu ngu xuẩn ấy. Hệ quả là phương cách cũng như khẩu khí của họ khi tuyên truyền sẽ đổi khác. Đổi khác ở mức độ nào thì chúng ta chưa rõ.

Lý do thứ ba để cám ơn Trung Quốc là sự gây hấn của họ khiến hầu hết các quốc gia ở Đông Nam Á giật mình. Trước đó, tuy ai cũng nghe rõ lời công bố ngang ngược của Trung Quốc về con đường lưỡi bò bao trùm phần lớn Biển Đông, nhưng nhiều quốc gia vẫn còn chút ảo tưởng là Trung Quốc chỉ đánh võ mồm, do đó, họ dễ đâm ra ỷ y. Nay thì người ta biết rõ là Trung Quốc không chỉ nói suông. Sự thức tỉnh ấy là một lợi thế cho Việt Nam nếu Việt Nam muốn tranh thủ sự hậu thuẫn của các nước trong khu vực để thành lập một trận tuyến chung nhằm kháng cự lại Trung Quốc, ít nhất về mặt pháp lý và chính trị.

Hơn nữa, ở khía cạnh này, có lẽ Mỹ cũng cần phải cám ơn Trung Quốc. Mấy chục năm trước, quan hệ giữa Mỹ với vùng châu Á Thái Bình Dương tuy cũng tốt nhưng rõ ràng là không mặn mà lắm. Chính phủ Philippines đóng cửa căn cứ hải quân và không quân của Mỹ trên đất nước họ. Dân chúng Nhật Bản cũng đòi đóng cửa các căn cứ của Mỹ tại Nhật. Bây giờ thì khác. Cả Nhật Bản lẫn Philippines đều cố gắng mời mọc Mỹ trở lại. Hầu hết các quốc gia khác trong khu vực cũng có một thái độ giống nhau: hoan nghênh quyết định quay lại với châu Á của Mỹ. Có thể nói, chưa bao giờ các quốc gia châu Á, từ Nhật Bản đến Nam Triều Tiên, từ Philippines đến Miến Điện, từ Malaysia đến Thái Lan lại cần Mỹ đến như vậy.

Lý do thứ tư để cám ơn Trung Quốc là, sau sự gây hấn của Trung Quốc với Việt Nam, Mỹ càng có quyết tâm quay lại với châu Á Thái Bình Dương hơn. Trong một bài báo viết vào giữa năm 2012, Thượng nghị sĩ John McCain nêu lên hai tâm điểm chính phủ Mỹ cần chú ý một cách đặc biệt: Biển Đông và Miến Điện.

Tình hình Miến Điện đến nay diễn tiến tương đối tốt. Mặc dù có một số mâu thuẫn về sắc tộc và tôn giáo thỉnh thoảng bùng nổ thành bạo động nhưng xu hướng dân chủ hoá tại đất nước ấy có vẻ thuận lợi. Chỉ còn Biển Đông, một tuyến đường hàng hải quan trọng của Mỹ, nơi mỗi năm, Mỹ chuyên chở một lượng hàng hoá lên đến 1.2 ngàn tỉ (1.2 trillion). Việc bảo vệ Biển Đông, do đó, là một trong những nhiệm vụ chiến lược của Mỹ.

Nhưng để bảo vệ Biển Đông, Mỹ cần sự hợp tác của nhiều quốc gia trong khu vực, từ Philippines đến Brunei, Indonesia, Malaysia và Việt Nam, trong đó, quan trọng nhất là Việt Nam, nước có vùng biển và đảo bị tranh chấp lớn nhất. Nếu Việt Nam thần phục Trung Quốc và chấp nhận con đường lưỡi bò của Trung Quốc thì Trung Quốc đã thành công gần một nửa.

Chính ở điểm này quyền lợi của Việt Nam và Mỹ gặp nhau. Nói cách khác, Mỹ không cần gì ở Việt Nam ngoài mục tiêu chung là ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong khi đó, Việt Nam cần Mỹ trên rất nhiều phương diện, từ kinh tế đến quốc phòng; về quốc phòng, nổi bật nhất là cuộc tranh chấp trên Biển Đông. Nhu cầu hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam trở thành bức thiết nhất là sau vụ Trung Quốc mang giàn khoan HD-981 đến thềm lục địa Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà sau biến cố ấy, các cuộc thăm viếng giữa hai bên tăng lên dồn dập. Đó là lý do cuối cùng khiến chúng ta nên cám ơn Trung Quốc.

Tuy nhiên, Việt Nam có nắm bắt được cơ hội tăng cường hợp tác với Mỹ hay không là một vấn đề khác. Hai nguyên tắc quan trọng nhất trong chính sách ngoại giao của Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama là, một, họ không chiến đấu giùm cho ai cả mà chỉ giúp những quốc gia có quyết tâm chiến đấu để tự bảo vệ mình; và hai, họ chỉ giúp đỡ những nơi chia sẻ với họ một số điểm trong bảng giá trị chung: dân chủ và nhân quyền. Điểm thứ hai rất quan trọng đối với trường hợp của Việt Nam với lý do là, đến nay, còn rất nhiều công dân Mỹ vẫn mang vết thương thời chiến tranh trước năm 1975. Chính phủ Mỹ chỉ có thể hợp tác sâu đậm với Việt Nam nếu họ thuyết phục được dân chúng Mỹ là Việt Nam xứng đáng nhận được sự giúp đỡ của Mỹ.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG