Đường dẫn truy cập

Hàng trăm thuyền nhân Rohingya cập bờ Indonesia


Phụ nữ và trẻ em sắc tộc Rohingya trên những chiếc thuyền trôi dạt vào bờ biển trên đảo Sumatra, Indonesia được đưa đến một nơi tạm trú trong tỉnh Aceh, Indonesia, ngày 10/5/2015.
Phụ nữ và trẻ em sắc tộc Rohingya trên những chiếc thuyền trôi dạt vào bờ biển trên đảo Sumatra, Indonesia được đưa đến một nơi tạm trú trong tỉnh Aceh, Indonesia, ngày 10/5/2015.

Các chiếc thuyền chở gần 500 người Rohingya thiểu số theo Hồi giáo bị ngược đãi ở Myanmar đã cập bờ biển miền tây của Indonesia.

Các nhân viên cứu hộ cho biết các thuyền nhân, gồm đàn ông, đàn bà và trẻ em đã lên đất liền ở tỉnh Aceh hôm Chủ nhật.

Myanmar, một nước có đa số dân theo Phật giáo, không công nhận người thiểu số Rohingya. Các giới chức chính phủ và nhiều người địa phương xem người Rohingya là những di dân bất hợp pháp từ Bangladesh đến và xem họ là những người Bengal.

Người Rohingya phần lớn theo đạo Hồi không có quyền công dân và những quyền cơ bản khác ở Myanmar. Họ là nạn nhân của làn sóng bạo động của các băng đảng Phật giáo cực đoan trong mấy năm gần đây.

Tình trạng bạo động giáo phái này đã khiến gần 280 người thiệt mạng và 140.000 người thất tán vào tháng 6 năm 2012. Kể từ đó hàng chục ngàn người Rohingya phải sống trong những trại tập trung như những nhà tù, chen chúc nhau trong điều kiện bẩn thỉu tại bang Rakhine ở miền tây Myanmar.

Ðại hội đồng Liên hiệp quốc hồi cuối năm ngoái đã thông qua nghị quyết kêu gọi Myanmar công nhận quyền công dân đầy đủ, quyền bình đẳng, tự do đi lại, và quyền tự xem mình là người Rohingya cho nhóm người thiểu số này.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-Moon hối thúc chính phủ Myanmar giải quyết vấn tình trạng công dân cho người Hồi giáo Rohingya trước cuộc bầu cử theo trù liệu sẽ diễn ra vào cuối năm nay.

Ông Ban nói với các giới chức khu vực tại một cuộc họp về Myanmar hồi tháng trước tại trụ sở Liên hiệp quốc rằng căng thẳng sắc tộc đang tiếp diễn tại bang Rakhine ở miền tây Myanmar có thể gây ra "bất ổn nghiêm trọng."

Chính phủ Myanmar từ chối đề nghị về vấn đề công dân, nhưng cho biết sẽ sẵn lòng xem xét quyền công dân cho những ai xem mình là người Bengal.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG