Đường dẫn truy cập

Hai miền Triều Tiên ký thỏa thuận mở lại khu Kaesong


Xe chở đoàn đại biểu Nam Triều Tiên tới cuộc họp tại thành phố Kaesong ở Bắc Triều Tiên, ngày 14/8/2013.
Xe chở đoàn đại biểu Nam Triều Tiên tới cuộc họp tại thành phố Kaesong ở Bắc Triều Tiên, ngày 14/8/2013.
Hai nước Triều Tiên đã ký một thỏa thuận nhắm mục đích tiến tới việc mở lại công cuộc liên doanh duy nhất còn lại, đó là khu công nghiệp ở ngay phía bắc biên giới hai nước tại Kaesong.

Thỏa thuận với lời lẽ mơ hồ giữa Bình Nhưỡng và Seoul không tiết lộ ngày tháng tiếp tục hoạt động tại khu phức hợp. Thông tấn xã bán chính thức của Nam Triều Tiên Yonhap nói rằng việc mở lại sẽ tùy thuộc vào việc các công ty Nam Triều Tiên có thể hoàn thành các cuộc kiểm tra bảo trì các cơ sở ở đó sớm cỡ nào.

Khu vực này đã bị đóng cửa 4 tháng nay.

6 vòng đàm phán liên Triều trước đây đã không đi được tới hồi kết. Vòng thứ 7 hôm nay đã đưa tới một thông cáo chung, tuy không phải là kết cục, hứa sẽ tích cực cố gắng nối lại các hoạt động mà không dựa các yếu tố chính trị và quảng bá việc các nước thứ ba đầu tư trong khu vực. Thông cáo cũng đề nghị cho phép liên lạc bằng Internet và điện thoại di động bên trong khu Kaesong.

Thỏa thuận nói rằng một uỷ ban hỗn hợp sẽ được thành lập có liên quan đến việc bồi thường các tổn thất về kinh tế do hậu quả vụ đóng cửa khu công nghiệp.

Thông tấn xã Yonhap nói các giới chức ở Seoul cho biết vòng đàm phán mới nhất tập trung vào yêu cầu của Nam Triều Tiên đòi một sự bảo đảm rõ ràng của miền Bắc là sẽ không bao giờ đóng cửa các nhà máy một lần nữa.

Giữa những lời đe dọa của Bình Nhưỡng tính mở một cuộc tấn công hạt nhân nhắm vào Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ, miền Bắc đã rút 53,000 công nhân ra khỏi khu công nghiệp hồi tháng 4. Các công nhân này làm việc tại hơn 100 nhà máy thuộc quyền sở hữu của Nam Triều Tiên, chủ yếu là các nhà sản xuất cỡ nhỏ và cỡ trung bình.

Khu vực nằm cách đường biên giới được canh gác cẩn mật 10 kilomet về phía bắc, mở cửa vào năm 2004 và được cho là một nguồn tiền mặt cấp thiết cho quốc gia nghèo khó và cô lập này.

Hai nước Triều Tiên không có quan hệ ngoại giao và trên nguyên tắc còn ở trong tình trạng chiến tranh. Hai bên đã giao tranh và đi đến chỗ bất phân thắng bại vào năm 1953, sau một cuộc nội chiến kéo dài 3 năm gây tan nát cho bán đảo và cũng đưa lực lượng Mỹ và phía Trung Quốc vào thế đối đầu nhau.
XS
SM
MD
LG