Đường dẫn truy cập

Nam Triều Tiên phô trương vũ khí để răn đe Bắc Triều Tiên


Phi đạn cruise Huynmoo-3 với tầm bắn 1.000 kilomét có khả năng bắn tới Bắc Triều Tiên được ra mắt công chúng Nam Triều Tiên hôm nay.
Phi đạn cruise Huynmoo-3 với tầm bắn 1.000 kilomét có khả năng bắn tới Bắc Triều Tiên được ra mắt công chúng Nam Triều Tiên hôm nay.
Nam Triều Tiên hôm nay tổ chức một cuộc duyệt binh qui mô lớn để mừng lễ kỷ niệm ngày thành lập quân đội, nhưng cũng để răn đe những sự gây hấn của Bắc Triều Tiên. Cuộc duyệt binh diễn ra trong lúc các giới chức quân sự hàng đầu của Hoa Kỳ đến Seoul để thảo luận về các vấn đề an ninh quốc phòng. Từ thủ đô của Nam Triều Tiên, thông tín viên Daniel Schearf của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Hai loại phi đạn cruise sản xuất trong nước có khả năng bắn tới Bắc Triều Tiên đã được ra mắt công chúng Nam Triều Tiên ngày hôm nay. Đó là phi đạn Hyunmoo-2 với tầm bắn 500 kilomét và phi đạn Huynmoo-3 với tầm bắn 1.000 kilomét.

Hàng vạn binh sĩ cùng với xe tăng tham gia cuộc duyệt binh kéo dài nhiều giờ đồng hồ ở thủ đô Seoul để đánh dấu kỷ niệm 65 năm ngày thành lập quân đội.

Trong buổi lễ được truyền hình trực tiếp, các phản lực cơ đã biểu diễn trước các quan khách và các viên chỉ huy tại Căn cứ Không quân Seongnam ở ngoại ô Seoul.

Trong số các quan khách tham dự buổi lễ có Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, ông Chuck Hagel, và Chủ tịch ban Tham mưu liên quân Hoa Kỳ, Đại tướng Martin Demsey.

Trong số các quan khách tham dự buổi lễ có Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel
Trong số các quan khách tham dự buổi lễ có Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel
Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên cho biết đây là cuộc phô trương sức mạnh quân sự lớn nhất trong vòng 10 năm.

Tổng thống Nam Triều Tiên Park Guen Hye cũng nói rõ cuộc duyệt binh này nhắm tới những người ở Bắc Triều Tiên đang theo dõi tình hình ở miền nam. Phát biểu tại buổi lễ, bà Park cam kết tăng cường khả năng quân sự để đối phó với những mối đe dọa của Bắc Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Nam Triều Tiên nói rằng nước bà phải có một khả năng răn đe mạnh mẽ cho tới khi nào Bắc Triều Tiên từ bỏ các chương trình vũ khí hạt nhân và thực hiện những lựa chọn đúng đắn cho nhân dân của mình và cho nền hòa bình của bán đảo Triều Tiên.

Tháng hai năm nay Bắc Triều Tiên đã thực hiện vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Bình Nhưỡng cũng đe dọa tiến hành những vụ tấn công phủ đầu nhắm vào Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ.

Những mối căng thẳng sau đó đã giảm bớt, nhưng hình ảnh chụp từ vệ tinh hồi gần đây cho thấy Bắc Triều Tiên đã nới rộng các cơ sở tinh luyện uranium, tái khởi động một lò phản ứng hạt nhân dùng plutonium làm nhiên liệu, và bắt đầu thử nghiệm một loại hỏa tiễn tầm xa

Bình Nhưỡng nói rằng hỏa tiễn của họ dùng để phóng vệ tinh cho các mục tiêu hòa bình. Nhưng nhiều người cho rằng loại hỏa tiễn đó là một phần của chương trình của Bình Nhưỡng nhằm phát triển phi đạn đạn đạo liên lục địa.

Tổng thống Park Guen Hye mô tả tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên là “rất nghiêm trọng”, nhưng bà cho biết mục tiêu của quân đội nước bà không phải là để chiến đấu trong một cuộc chiến mà là để ngăn ngừa chiến tranh xảy ra.

Theo lời bà Park Guen Hye, quân đội Nam Triều Tiên sẽ làm cho Bắc Triều Tiên hiểu được rằng sức mạnh hạt nhân và phi đạn mà họ bám víu vào là vô ích. Bà nói thêm rằng quân đội sẽ đạt mục tiêu này bằng cách duy trì hệ thống phòng thủ chung giữa Nam Triều Tiên với Hoa Kỳ và phát triển những khả năng đối phó như Hệ thống Phòng thủ Phi đạn KAMD để chống lại các loại vũ khí có sức tàn phá đại qui mô WMD.

Nhà lãnh đạo Nam Triều Tiên cùng với các giới chức quốc phòng Mỹ đã tham dự các buổi lễ kỷ niệm 60 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ đồng minh quân sự.

Các giới chức quốc phòng hai nước cũng thảo luận về công cuộc hợp tác song phương và về khả năng cùng với những mối đe dọa của Bắc Triều Tiên.

Hoa Kỳ đã lãnh đạo các binh sĩ Liên hiệp quốc đẩy lui cuộc xâm lăng của Bắc Triều Tiên năm 1950 làm bùng ra cuộc chiến Triều Tiên kéo dài 3 năm.

Cuộc chiến kết thúc bằng một hiệp định ngưng bắn, nhưng để ngăn ngừa một cuộc xâm lăng khác, 28.000 binh sĩ Mỹ vẫn còn đồn trú ở Nam Triều Tiên và Washington nắm quyền chỉ huy trong thời chiến đối với 600.000 binh sĩ của Nam Triều Tiên.

Washington cho biết khả năng quân sự của Nam Triều Tiên giờ đây đủ mạnh để lấy lại quyền chỉ huy. Tuy nhiên, Seoul đã nêu lên mối đe dọa của Bắc Triều Tiên để yêu cầu hoãn lại một lần nữa thời hạn chót của kế hoạch chuyển giao quyền chỉ huy.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG