Đường dẫn truy cập

Ðội tuyển bóng đá nữ đầu tiên của Tây Tạng


Ðội tuyển bóng đá nữ Tây Tạng
Ðội tuyển bóng đá nữ Tây Tạng
Năm ngoái, một giáo viên người Mỹ và 27 học sinh trung học từ các cộng đồng người Tây Tạng lưu vong đã thành lập đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Tây Tạng đầu tiên. Từ đó đến nay họ đã vượt qua được những chỉ trích của dư luận địa phương, những người không tán thành việc thành lập đội bóng đá toàn nữ, và trở thành một nguồn kích lệ cho nhiều người khác tham gia môn thể thao phổ biến này.

Tháng 5 năm ngoái, tin tức về một đội bóng đá gồm toàn các nữ tuyển thủ sẽ tham gia tranh tài trong giải bóng đá của nam giới đã truyền đi những làn sóng phấn khởi đến các cộng đồng đang im lặng dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn. Nhưng cũng có nhiều người không tán thành ý tưởng đó.

Ông Josh Cabezyn, giáo sư khoa nghiên cứu về văn hóa và Phật giáo Tây Tạng của Ðại học bang California ở thành phố Santa Barbara, nói rằng nhiều người Tây Tạng sống lưu vong lâu năm vẫn giữ những quan điểm văn hóa bảo thủ.

Giáo sư Cabezyn nói: “Phụ nữ Tây Tạng luôn giữ một vai trò quan trọng trong gia đình, nhưng ngoài xã hội thì không thể hiện rõ như vậy. Khuôn mẫu đó vẫn được duy trì theo xu hướng đó, và những thay đổi không dễ dàng được xã hội chấp nhận.”

Cassie Childers là một giáo viên người Mỹ 31 tuổi, quê ở New Jersey. Cô Childers tin rằng ước vọng một ngày nào đó được tranh tài Olympic là một động lực lớn thúc đẩy đội tuyển nữ Tây Tạng.

Cô Childers nói rằng bên nam đã có một đội tuyển quốc gia, và chính phủ lưu vong Tây Tạng tài trợ cho tất cả các câu lạc bộ bóng đá nam của các trường học. “Nhưng bên nữ thì chẳng có được một cái gì,” cô Childers nói. “Do đó chúng tôi có hai mục tiêu. Thứ nhất là phát huy nữ quyền cho tất cả phụ nữ Tây Tạng. Thứ hai, có tính chính trị hơn, là thành lập đội tuyển bóng đá nữ quốc gia, huấn luyện, đào tạo các cầu thủ nữ để nói lên sự thật của họ, để nói với thế giới về Tây Tạng như là một công cụ hòa bình.”

Nhiều cầu thủ trẻ được chọn vào đội tuyển nữ đã ra đời ở Tây Tạng rồi theo cha mẹ băng dãy Hy Mã Lạp Sơn để trốn khỏi sự cai trị của Trung Quốc.

Nhiều cầu thủ trước đó chưa hề chạm chân đến quả bóng lần nào. Chuẩn bị tranh giải Cúp vàng Gyalyum Chemo, các cầu thủ của 9 trường học ở các khu vực người Tây Tạng lưu vong tích cực tập luyện trong một tháng.

Cô Childers nói khi giải đấu khởi tranh, những nghi ngờ về đội bóng đá nữ này hình như bắt đầu tan dần, cùng với những chống đối về sự tham dự của nữ trong cuộc tranh tài thể thao.

“Hơn 5.000 đến cổ vũ cho giải đấu,” cô Childers nói. “Khi mọi người thấy đội bóng của chúng tôi tiến vào sân, không khí cổ động dường như thay đổi, mọi người chứng kiến một điều gì đó có thực, một điều gì đó thật lớn lao.”

Và ngay khi hiệp hai bắt đầu, Lhamo Kyi ghi bàn thắng đầu tiên cho lịch sử bóng đá nữ Tây Tạng.

“Tiền đạo nữ của chúng tôi đá bóng vào lưới đối phương, rồi vui mừng chạy về giữa sân và làm một động tác nhào lộn,” cô Childers nói. “Ðó chính là giây phút thay đổi lịch sử. Tôi chẳng còn nghe thấy một ý kiến phê bình tiêu cực nào nữa.”

Giống như các cầu thủ trẻ trên khắp thế giới, thủ quân Lhamo và trung vệ ngôi sao Phuntsok Dolma được hoan hô như một người hùng như thể là ngôi sao bóng đá David Beckham của Anh.

Sau những hân hoan và giải thưởng của một trận đấu chuyên nghiệp là ý thức trách nhiệm ở các nữ cầu thủ.

Dolma bày tỏ mơ ước trở thành huấn luyện viên giống như Childers. “Người ta vẫn nói rằng phụ nữ Tây Tạng sẽ không bao giờ làm được những gì mà nam giới làm,” Dolma nói. “Thế nhưng chúng tôi đã chứng minh là chúng tôi làm được. Ở Tây Tạng, phụ nữ không có cơ hội. Do đó chúng tôi sẽ tập cho các bạn nữ và nói với các bạn nữ rằng đừng bao giờ chịu thua, hãy nắm bắt lấy cơ hội đó.”

Cô Sarah Rosemann của trường đại học Williams ở Massachusetts đang làm một đề tài nghiên cứu về người phụ nữ trong xã hội Tây Tạng. Cô nhận thấy có những thành tựu đáng kể đạt được trong bình đẳng giới, tuy vẫn còn nhiều điểm cần lưu ý.

“Phụ nữ vươn lên như vậy, bắt đầu bằng việc đòi hỏi những vai trò của nam giới và thực sự theo đuổi cho sự độc lập của mình,” cô Rosemann nói. “Nhiều trường hợp như vậy đã nổi lên với những ý tưởng khác nhau tại các khu vực của người lưu vong Tây Tạng, và điều quan trọng là còn nhiều mục tiêu hơn nữa của phụ nữ Tây Tạng.”

Mặc dù không giành được chức vô địch của giải đấu, Huấn luyện viên Childers và các cầu thủ nữ đã giành được thắng lợi vang dội và to lớn hơn.

Noi gương đội bóng đá nam Palestine đã hai lần đấu viớ Trung Quốc, đội tuyển nữ trẻ Tây Tạng hy vọng được cơ quan quản lý bóng đá quốc tế FIFA công nhận.
XS
SM
MD
LG