Đường dẫn truy cập

Đối thoại Tây Tạng-Trung Quốc có thể được thực hiện lại?


Ông Lobsang Sangai được bầu lại vào chức vụ thủ tướng của chính phủ Tây Tạng lưu vong.
Ông Lobsang Sangai được bầu lại vào chức vụ thủ tướng của chính phủ Tây Tạng lưu vong.

Việc ông Lobsang Sangai được bầu lại vào chức vụ thủ tướng của chính phủ Tây Tạng lưu vong làm cho một số người hy vọng cuộc đối thoại giữa Đức Đạt Lai Lạt Ma với chính phủ trung tâm Trung Quốc, bị ngưng năm 2010, sẽ được thực hiện lại. Thông tín viên đài VOA Shannon Van Sant tường thuật từ Hồng Kông.

Cuối tháng tư vừa qua, khi được bầu lại vào chức vụ lãnh đạo chính phủ Tây tạng lưu vong, Thủ tướng Lobsang Sangay cam kết thúc đẩy cho nền tự trị của người dân Tây Tạng và khởi động lại cuộc đàm phán với chính phủ Trung Quốc.

Ông nói “Chúng tôi giữ vững cam kết đối với Đường lối Trung dung, với mục tiêu rõ ràng là một nền tự trị thật sự cho người dân Tây Tạng ở Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh ngưng xuyên tạc Đường lối Trung dung và nhận thấy sự hợp lý của đường lối này để tham gia cuộc đối thoại với các vị đặc sứ của Đức Đạt Lai Lạt Ma.”

Cuộc đối thoại bị ngưng vào năm 2010

Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của người dân Tây Tạng
Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của người dân Tây Tạng

Các đại diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tiến hành nhiều vòng đàm phán với Trung Quốc cho tới khi cuộc đối thoại bị ngưng vào năm 2010 vì những cuộc phản kháng ở Tây Tạng và cuộc đàn áp sau đó của chính quyền Trung Quốc.

Ông Tsering Passang, Chủ tịch Cộng đồng Tây Tạng ở Anh Quốc, nói rằng vấn đề có thực hiện lại cuộc đối thoại hay không là do Trung Quốc định đoạt.

Ông nói “Vấn đề này thực sự là do Trung Quốc định đoạt, và thực tế hiện nay, cộng với các yếu tố địa chính trị và tình hình kinh tế, khiến cho Trung Quốc chiếm giữ ưu thế. Vì vậy cho nên đây là thách thức lớn đối với giới lãnh đạo Tây Tạng.”

Ông Sangay đã tái đắc cử hồi tháng trước trước sau khi đánh bại đối thủ là ông Penpa Tsering, Chủ tịch Quốc hội Tây Tạng. Gần 60.000 người trong tổng số khoảng 90.000 cử tri có đăng ký ở 40 quốc gia đã bỏ phiếu và ông Sangai giành được phần thắng với tỉ lệ 58%.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã phớt lờ cuộc bầu cử đó và Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh chỉ đưa ra một phát biểu chiếu lệ khi được yêu cầu bình luận tại một cuộc họp báo. Phát ngôn viên Hồng Lỗi nói rằng cuộc đầu phiếu đó là một “trò hề” của một tổ chức “bất hợp pháp” không được công nhận bởi bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới.

Ông Robert Barnett, một chuyên gia về Tây Tạng của Đại học Columbia, không mấy lạc quan về triển vọng nối lại cuộc đối thoại.

Ông nói “Tình hình lúc này không mấy khả quan, vì không hề có một dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc muốn nhượng bộ, mà thật ra họ còn cứng rắn hơn nữa. Nhưng dĩ nhiên là Trung Quốc không khi nào cho biết trước là họ sẽ có hành động. Hành động một cách nhanh chóng vào một thời điểm do họ lựa chọn là một việc có lợi cho họ.”

Trung Quốc cho rằng Tây Tạng thuộc về họ từ nhiều thế kỷ trước

Một người phụ nữ Tây Tạng cầu nguyện trong lúc một nhóm binh lính Trung Quốc diễu hành ở phía trước Cung điện Potala ở Lhasa.
Một người phụ nữ Tây Tạng cầu nguyện trong lúc một nhóm binh lính Trung Quốc diễu hành ở phía trước Cung điện Potala ở Lhasa.

Trung Quốc cho rằng Tây Tạng là một phần lãnh thổ của họ kể từ thế kỷ thứ 13, và Đảng Cộng Sản Trung Quốc nói họ đã giải phóng người dân Tây Tạng ra khỏi chế độ phong kiến của giới tăng lữ cầm quyền.

Tuy nhiên, nhiều người Tây Tạng nói rằng quê hương của họ là một nước độc lập cho tới khi bị các lực lượng Cộng Sản xâm lăng vào năm 1950. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã bị buộc phải chạy sang Ấn Độ lưu vong sau cuộc nổi dậy bất thành vào năm 1959.

Vị tu sĩ đoạt giải Nobel Hoà bình này vẫn tiếp tục nắm giữ vị thế của một nhà lãnh đạo tinh thần của người dân Tây Tạng, nhưng ông đã quyết định từ bỏ quyền hành chính trị vào năm 2011, và hô hào cho việc tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ để chọn một vị thủ tướng để lãnh đạo quốc hội của Chính quyền Trung ương Tây Tạng ở Dharamsala, Ấn Độ.

Vì Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện nay đã cao tuổi nên vấn đề ai sẽ chọn Đức Đạt Lai Lạt Ma kế tiếp đã trở thành một vấn đề quan trọng.

Ông P.K. Gautam, một nhà phân tích của Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng ở Ấn Độ, cho biết cuộc đàm phán chính trị có thể có giữa Trung Quốc với Tây Tạng không nên bị lẫn lộn với cuộc thảo luận về vấn đề ai sẽ chọn Đức Đạt Lai Lạt Ma kế tiếp.

Ông nói “Ai chọn Đức Đạt Lai Lạt Ma kế tiếp là một tiến trình rất riêng biệt, nhưng cuộc thương thuyết chính trị cho khu vực tự trị, theo sự mong muốn của người Tây Tạng, chỉ có thể được thực hiện bởi chính quyền trung ương này mà thôi. Vì vậy, đó là một tiến trình lâu dài. Đó chỉ là một trong những bước có thể mang lại một giải pháp để cho khu tự trị Tây Tạng phục hồi những nền tảng của mình.”

Nhiều người Tây Tạng hy vọng là việc ông Sangay tái đắc cử cũng là một bước tiến để giảm bớt những sự bất mãn trong cộng đồng người Tây Tạng. Hơn 100 người Tây Tạng đã tự thiêu để phản đối chính quyền Trung Quốc kể từ năm 2009.

Đối thoại Tây Tạng-Trung Quốc có thể được thực hiện lại?
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:58 0:00

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG