Đường dẫn truy cập

Đầu tư vào rác ở Việt Nam


Ông David Dương, tổng giám đốc California Waste Solutions và Vietnam Waste Solutions (ảnh Bùi Văn Phú)
Ông David Dương, tổng giám đốc California Waste Solutions và Vietnam Waste Solutions (ảnh Bùi Văn Phú)
Nhiều người Việt ở thành phố Oakland, California còn nhớ câu chuyện về một cựu thuyền nhân vượt biển tên Trung, vào những năm 1980, mỗi tối sau khi đi học ESL về, anh lái chiếc xe tải con đi thu lượm thùng giấy từ các cửa tiệm bán rau trái, tạp hóa bỏ ra lề đường, rồi đem về bán cho một công ty tái sinh giấy.

Năm năm sau, Dương Tử Trung nhập tịch Mỹ và chọn tên David Dương. Đến năm 1992 ông David lập công ty riêng mang tên California Waste Solutions chuyên xử lý rác và năm 2000 mở thêm chi nhánh ở San Jose. Hiện nay có hơn ba trăm công nhân làm việc tại hai trụ sở của công ty ở Hoa Kỳ.

Năm 2003, ông David quyết định đem công nghệ xử lý rác về Việt Nam với kinh phí đầu tư hơn 100 triệu đôla.

Sau 10 năm, công ty xử lý rác Vietnam Waste Solutions (VWS) ở khu Đa Phước, huyện Bình Chánh, Tp Hồ Chí Minh đã đi vào hoạt động tốt và được đánh giá là một dự án đầu tư thành công của người Mỹ gốc Việt tại quê nhà.

Mới đây, ông David Dương đã dành cho tôi buổi tiếp xúc để tìm hiểu thêm về đầu tư tại Việt Nam.

Công ty VWS của ông David lúc đầu cũng có những khó khăn vì là một dự án quá mới lạ với người trong nước. Ông nói:

“Trong quá trình thực hiện dự án xử lý rác của Vietnam Waste Solutions, tôi làm rất đàng hoàng, nhưng vì cạnh tranh nên người ta đã đưa những thông tin sai lạc. Một số phóng viên trong nước viết các bài gọi là ‘đơn đặt hàng’ với những thông tin bêu xấu dự án. Không chỉ bêu xấu mà còn ngụy tạo những đoạn phim nước chảy đen, mùi hôi thối bốc lên ở nơi khác và cho là xuất phát từ khu xử lý rác của chúng tôi. Vì thế dư luận có đánh giá sai, kể cả lãnh đạo.”

“Khi báo chí đưa lên thì các ban ngành xuống kiểm tra, có khi một tháng có đến 25 lần kiểm tra đột xuất. Nhưng mình làm đúng theo quy trình từ khi lập nên dự án và khi thực hiện không phạm luật gì cả.”

“Nguyên do, từ mấy chục năm nay công việc này giao cho một cơ quan nhà nước, bây giờ mình nhẩy vào làm ăn thì chắc chắn lấy đi một phần nguồn thu của họ. Họ muốn đánh cho mình giăng.”

Nhiều lúc gặp khó khăn, ông cũng nản nhưng không bỏ cuộc vì tấm lòng muốn giúp quê hương.

Ông David Dương trả lời phỏng vấn (ảnh Bùi Văn Phú)
Ông David Dương trả lời phỏng vấn (ảnh Bùi Văn Phú)
“Thực sự tôi vẫn đang làm tốt ở Mỹ, nhưng có lòng muốn về Việt Nam, không phải để kiếm tiền vì nếu kiếm tiền tôi có thể nản và bỏ cuộc vì nó không đáng. Nhưng thấy đây là việc tốt. Thứ nhất là thực hiện theo ý nguyện của ba mẹ muốn tôi trở về giúp đất nước và hai nữa tôi cũng muốn đóng góp cho quê hương, giúp người dân bớt bệnh vì xử lý được rác, giúp cải thiện môi trường, bảo vệ sức khoẻ cho dân. Vì thế tôi cương quyết đưa dự án về đầu tư.”

Công ty Đa Phước nay có gần 500 công nhân và nhiều chuyên gia về môi trường từ Hoa Kỳ làm việc tại đó.

Ông cho biết lúc mới hoàn tất dự án có tất cả 8 chuyên gia Mỹ về xử lý rác, chất thải và môi trường làm việc ngay tại Việt Nam. Nay còn 4 người. Trong đội ngũ kỹ thuật, công ty cũng mướn nhiều sinh viên tốt nghiệp từ đại học trong nước, cùng nhiều sinh viên du học nước ngoài trở về.

Sau hơn 10 năm đầu tư vào Việt Nam, nay ông muốn mở rộng công nghệ xử lý rác với dự án ở Long An, dự trù có kinh phí từ 500 đến 700 triệu đôla.

“Đúng ra, năm 2003 tôi được mời về làm dự án đầu tiên ở Long An. Nhà nước đã quy hoạch ở đó một khu xử lý rác lớn cho vùng đồng bằng Cửu Long, di chuyển rác bằng xà lan. Thời điểm đó nhà nước giao cho một công ty không có liên quan tới xử lý môi trường mà chuyên nạo vét sông rạch để bán cát, bán đất. Vì không cùng ngành nghề nên chúng tôi không thể hợp tác với công ty đó.”

“Sau đó thành phố nói có khu Đa Phước, so với 2 ngàn mẫu ở Long An thì khu này nhỏ, chỉ có 60 mẫu. Thay vì rút lui chúng tôi đầu tư vào đây xem coi ai làm tốt hơn. Thấy 60 mẫu không đủ nên tôi xin lên 128 mẫu.”

“Khi tôi làm thành công ở Đa Phước, còn công ty kia không thực hiện được ở Long An, nhà nước yêu cầu tôi thực hiện dự án Long An để làm tốt cho môi trường khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Thấy nhà nước yêu cầu thì tôi muốn làm và tôi muốn thấy quyết tâm của nhà nước.”

Dự án Long An đã có bản đồ qui hoạch và dự trù trong tháng tới sẽ làm lễ động thổ. Ông David cho biết khu xử lý rác này là lớn nhất châu Á và nếu phát triển đúng thì một ngày có thể xử lý từ 20 ngàn đến 30 ngàn tấn rác.

Việc thu gom rác từ các nơi để đưa về đây có thể là trở ngại vì địa phương, các huyện tỉnh có những cơ quan thu gom khác nhau, nếu không cùng đem về Long An để có đủ số rác thì giá thành sẽ cao, không phù hợp với đời sống kinh tế của dân ở đó.

Trụ sở của Vietnam Waste Solutions ở ngoại ô Sài Gòn (ảnh do công ty cung cấp)
Trụ sở của Vietnam Waste Solutions ở ngoại ô Sài Gòn (ảnh do công ty cung cấp)
Với quan ngại đó, ông David mong muốn: “Nhà nước có sự quyết tâm thì mới được thể hiện trên hợp đồng. Khi đó chúng tôi mới đổ tiền, công sức đầu tư vì hợp đồng thể hiện sự ràng buộc về luật pháp của các bên.”

“Nếu tôi đã giúp phát triển được khu Đa Phước ở Sài Gòn là quê tôi, giờ giúp Long An là quê mẹ thì cũng rất là mừng. Giúp vùng này cũng sẽ giải quyết được nhiều việc. Thí dụ như dịch cúm gà, người dân cứ vất gà vịt chết xuống sông mà chưa ai biết xử lý ra sao để chống lại bệnh tật.”

“Long An tuy rộng 2 ngàn mẫu, nhưng chúng tôi dự trù sẽ dành 20% đến 25% đất làm công viên, giữ trạng thái chung quanh xanh tươi để dân đến chơi mà không biết bên trong đó là khu xử lý môi trường.”

“Trong vòng một năm dự án sẽ được xã hội hóa, mời gọi góp vốn đầu tư, đặc biệt từ người Việt ở nước ngoài. Dự án sẽ được hoàn thành trong 20 năm và phát triển lâu dài trong 100 năm. Biến rác thành nguyên liệu, thành điện, hơi đốt, thành phân bón. Xử lý tất cả các loại rác, kể cả rác điện tử mà hiện nay mình chưa có, cũng như các loại rác trong tương lai chứ không chờ khi cả xã hội bị ô nhiễm rồi mới tìm cách giải quyết. Tương lai tôi cũng muốn phát triển nơi đây thành một trung tâm giáo dục về bảo vệ môi trường.”

Ông David tâm sự đó là những ý tưởng muốn thực hiện, như là một công trình để lại cho đất nước của một người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là của người Mỹ gốc Việt khi trở về giúp cho quê hương.

Tuy được xem là một người Mỹ gốc Việt thành công trong việc đầu tư vào Việt Nam, ông David cũng có nhận xét về những bất cập trong chính sách mời gọi đầu tư của nhà nước:

“Chính phủ kêu gọi người Việt sinh sống ở nước ngoài về đầu tư, lúc đầu rất nhiều người gặp phải khó khăn, sau này chính sách đã được cải tiến để người Việt nước ngoài không bị phân biệt với người trong nước bằng cách cho người Việt ở nước ngoài có hộ chiếu Việt Nam, khi đó về đầu tư thì được coi như người Việt Nam.”

“Trong khi lãnh đạo nhà nước ra ngoài cứ kêu gọi có cởi mở trong chính sách. Về trong nước rồi mới thấy các địa phương, ban ngành mỗi nơi làm một cách, không đồng bộ nên gây bối rối rất nhiều cho người từ nước ngoài muốn về đầu tư.”

“Như tôi về đầu tư thì là một công dân Mỹ, nhưng họ đối xử với tôi như là người Việt Nam. Về mặt chính sách kế toán, thuế má, công ty của tôi chịu ảnh hưởng như là một công ty nước ngoài. Nhưng cá nhân tôi lại bị đối xử như một người Việt Nam và họ có thể gọi tôi lên làm việc bất cứ lúc nào.”

Sự can thiệp của công an vào những công trình đầu tư cũng làm cho người Việt nước ngoài muốn về làm ăn cảm thấy bất ổn. Theo quan sát của ông David.

Ông đưa thí dụ tại dự án Đa Phước, khi mời các phái đoàn tới tham quan họ rất hài lòng.

“Nhưng có những anh công an, tôi chưa giới thiệu cơ sở của công ty mà đã biết trong nhà máy có những gì, nên tôi thắc mắc tại sao họ biết. Các anh ấy nói trong quá trình, báo chí có nói xấu về dự án nên chúng tôi phải đột nhập, theo dõi rất kỹ nên chúng tôi biết hết mọi thứ trong này, nhà máy có những gì, nằm ở đâu.” Ông kể lại.

“Những cái đó cho thấy dù chính phủ Việt Nam kêu gọi người Việt nước ngoài về đầu tư, nhưng họ vẫn chưa tin tưởng. Một khi đặt bút ký hợp đồng với nhau thì phải có sự tin tưởng. Mình có thể kiểm soát nhau dựa trên hợp đồng chứ không phải dựa trên những thông tin um xùm do báo chí đưa lên.”

“Nếu có gì phản ảnh trên báo chí, họ phải làm việc với công ty để nghe giải thích trước, thay vì các cơ quan, ban ngành dựa vào thông tin trên báo chí rồi nhảy ầm ầm lên. Như thế người đầu tư đã bị khó khăn về dư luận xã hội, giờ lại gặp phải những trò chơi xấu, những cạnh tranh không lành mạnh.”

Với khu xử lý rác ở Long An, ông David tin tưởng vào sự ủng hộ của lãnh đạo.

Ông nói: “Dự án có thành công hay không quan trọng nhất là sự ủng hộ của lãnh đạo. Lãnh đạo ủng hộ tới đâu tôi làm tới đó. Còn các mặt khác thì qua thành công ở Đa Phước, bây giờ truyền thông, báo chí đã hiểu và ủng hộ và các ngân hàng cũng sẵn sàng tài trợ cho dự án.”
Công nhân đạp xe qua một bãi rác ở Việt Nam.
Công nhân đạp xe qua một bãi rác ở Việt Nam.
Về những khu vực nào khác ở Việt Nam đang cần đầu tư để giúp đất nước phát triển, ông David nói về lâu dài đó là đầu tư giáo dục và khoa học công nghệ. Còn đầu tư như thế nào để chính phủ Việt Nam chấp thuận và theo đúng luật pháp thì cần phải nghiên cứu nhiều hơn.

Còn những thất bại của nhiều người nước ngoài cũng đã về đầu tư, ông nhận định nguyên nhân có nhiều, như không hiểu luật lệ, đầu tư sai ngành nghề, sai đối tượng và bị gạt cũng có. Ông có lời khuyên như sau:

“Vì luật lệ và cách suy nghĩ và ngôn ngữ của người nước ngoài với người trong nước có nhiều cái khác nhau lắm. Vì thế mình phải nghiên cứu kỹ luật lệ ở Việt Nam.”

“Khi về đầu tư, với tư cách là người nước ngoài mình cũng cần liên hệ với đại sứ quán hay tổng lãnh sự quán để tìm hiểu.”

“Còn nếu ai muốn đầu tư như một người cầm hộ chiếu Việt Nam thì tôi không có ý kiến vì tôi không hiểu rõ những luật lệ đầu tư dành cho người Việt trong nước.”

Với sự thành công của khu xử lý rác Đa Phước, công ty Vietnam Waste Solutions của ông David Dương không chỉ đem lại công ăn việc làm cho nhiều người mà còn có những chương trình xã hội giúp người kém may mắn hơn.

“Chúng tôi có quỹ xã hội với ba, bốn trăm nghìn đôla để hỗ trợ cộng đồng, cho vay không lấy lãi từ 500 đô đến 50 ngàn đô cho những dự án như trồng rau, nuôi gia cầm trong thời gian từ một đến bốn năm. Đến nay mức thất thu của quỹ khoảng chừng 10%, như thế là khá tốt vì đã giúp được cho nhiều người có vốn để tự lập.”

“Quỹ cũng cấp học bổng cho những em học sinh nghèo mà giỏi. Có chương trình giúp trẻ em khuyết tật hay chậm hiểu vì nhiều thày cô có tâm nhưng thiếu học cụ để giảng dạy. Các em chậm hiểu cần có học cụ để thực tập ngay. Chúng tôi giúp thực hiện điều đó.”

Là một doanh nhân thành công ở Hoa Kỳ và sau hơn mười năm đầu tư vào Việt Nam, làm việc với nhiều ban ngành và địa phương khác nhau, ông David có nhận xét về môi trường phát triển đầu tư trong nước:

Ông David Dương, bên phải, trong buổi gây quỹ cho ông Andy Quách ứng cử thị trưởng thành phố Westminster, Quận Cam (ảnh Bùi Văn Phú)
Ông David Dương, bên phải, trong buổi gây quỹ cho ông Andy Quách ứng cử thị trưởng thành phố Westminster, Quận Cam (ảnh Bùi Văn Phú)
“Ở nước ngoài, sau một ngày làm việc, tối về mình suy nghĩ ngày mai sẽ phát triển những gì cho công ty được tốt hơn, cho công việc mình làm cũng tốt hơn. Còn ở Việt Nam, tối về mình phải suy nghĩ xem ngày mai sẽ phải đối phó với những cái gì.”

“Khác biệt trong môi trường làm việc ở hai nơi là chỗ đó. Tại Hoa Kỳ mình luôn luôn tìm cách phát triển, còn ở Việt Nam thì lúc nào cũng phải nghĩ đến đối phó. Cái đó làm chậm lại sự đầu tư và phát triển của đất nước”.

Ông David Dương được Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm vào hội đồng quản trị của Quỹ Giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation) từ năm 2010.

Ngoài ra ông còn là chủ tịch Hiệp hội Doanh gia Việt-Mỹ (Vietnamese American Business Association) có trụ sở ở San Jose và là một mạnh thường quân trong các sinh hoạt cộng đồng người Việt tại California.

Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Bùi Văn Phú

    Tác giả dạy đại học cộng đồng và hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Các bài viết của Bùi Văn Phú là bài viết cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Đường dẫn liên quan

XS
SM
MD
LG