Đường dẫn truy cập

Đăng cai ASIAD: Việt Nam rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan?


Một trong những cơ sở thể thao ở Việt nam là Sân vận động Mỹ Ðình ở Hà Nội có 40,192 chỗ ngồi
Một trong những cơ sở thể thao ở Việt nam là Sân vận động Mỹ Ðình ở Hà Nội có 40,192 chỗ ngồi
Bộ Ngoại giao Việt Nam mới cảnh báo rằng việc dừng tổ chức Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) năm 2019 khiến Việt Nam ‘có thể sẽ phải hầu tòa’, trong khi một cựu giới chức phụ trách thể thao đỉnh cao trong nước nói rằng Hội đồng Olympics châu Á ‘không có một quy định nào như vậy’.

Tờ Dân Trí 1/4 đưa tin, Bộ Ngoại giao đã ‘cung cấp thông tin tới Văn phòng Chính phủ một số hệ lụy có thể xảy ra nếu Việt Nam không tiếp tục tổ chức ASIAD 18’.

Bộ này đưa ra cảnh báo rằng ‘Việt Nam sẽ phải ra Tòa Trọng tài tại Thụy Sỹ và sẽ chịu tốn kém về tài chính, mất uy tín, ảnh hưởng danh dự và hình ảnh quốc gia’.

Tờ báo dẫn lời Bộ Ngoại giao nói rằng ‘bên đăng cai không có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng’.

Tuy nhiên, cùng ngày, trả lời VOA tiếng Việt, Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao thuộc Tổng cục Thể dục Thể thao Nguyễn Hồng Minh cho rằng Hội đồng Olympics châu Á ‘không có quy định nào như vậy’.

“Đấy là sự lo lắng của Bộ Ngoại giao còn theo tôi được biết, Hội đồng Olympics châu Á không có một cái quy định nào rằng nếu như không tổ chức thì sẽ đưa ra tòa hay có một điều kiện nào khác. Hiến chương của Hội đồng Olympics châu Á không có điều nào cụ thể để quy định rằng là nếu như anh không làm nữa thì tôi đưa anh ra tòa. Mà bây giờ trước đây anh nhận, và bây giờ anh không nhận nữa, rồi trình bày lý do rằng vì khó khăn nên tôi không nhận được thì những nhà lãnh đạo của Hội đồng Olympics châu Á người ta sẽ cùng ngồi bàn bạc với chúng ta xem cách xử lý vấn đề như thế nào. Tôi lấy ví dụ là năm 1968, Seoul định tổ chức ASIAD nhưng sau đó chính phủ Hàn Quốc đã từ chối. Hội đồng Olympics Châu Á đã họp và Thái Lan là nước nhận làm thay thì hội đồng này mới bàn với Hàn Quốc rằng Thái Lan làm thay cho ông thì ông sẽ phải hỗ trợ cho Thái Lan. Một số điều kiện có thể là tài chính, có thể là những vấn đề về công tác tổ chức. Chính phủ Hàn Quốc vẫn đồng ý như thế và hỗ trợ Thái Lan về tổ chức. Và không có cái chuyện ra tòa hay kiện tụng”.

Theo tờ Dân Trí, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đưa ra các ‘hệ lụy về đối ngoại và xã hội để Chính phủ xem xét, cân nhắc’.

Tờ báo trích dẫn Bộ này nhưng không nói rõ lấy nguồn tin từ đâu, nói, xin trích: “Việt Nam trao trả lại quyền đăng cai tổ chức ASIAD 18 vào thời điểm này là không quá muộn tuy nhiên sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới các vấn đề đối ngoại và hình ảnh quốc gia, đặc biệt là ảnh hưởng tới ngành thể thao Việt Nam và Ủy ban Olympic quốc gia Việt Nam”.

Bộ Ngoại giao cũng “không loại trừ khả năng xuất hiện những thông tin xuyên tạc về tình hình kinh tế Việt Nam ảnh hưởng tới việc thu hút đầu tư nói riêng”.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Hồng Minh, ‘một số người chủ chốt của Ủy ban Olympics Việt Nam chủ trương nhận đăng cai và xin đăng cai theo tư duy chủ quan, không nhìn thấy tất cả những vấn đề khó khăn khách quan’.

Cựu giới chức thể thao này cũng cho rằng Việt Nam nên tổ chức ASIAD ‘nhưng không phải vào thời điểm này’.

“Nếu như câu hỏi này đặt ra vào năm 2011 thì tôi cũng đã trả lời rằng chúng ta có thể tổ chức ASIAD nhưng không phải vào thời điểm này mà chậm lại một thập kỷ. Tôi nghĩ rằng việc chậm lại xuất phát từ hai yếu tố: Một là nền kinh tế của thế giới cũng như Việt Nam cần phải có thời gian hồi phục, và hai là, với kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo vận động viên thì tôi thấy rằng cần có thời gian để đào tạo vận động viên có trình độ cao. Thời gian đấy là gì, thời gian đấy vào quãng độ từ bảy cho tới 10 năm, nghĩa là những vận động viên nào giỏi cũng phải mất 6 – 7 năm mới lên đỉnh cao được”.

Tờ Dân Trí dẫn lời Bộ Ngoại giao cho biết ‘đã giải thích tính pháp lý của Hợp đồng đăng cai ASIAD 18, khi đăng cai tổ chức, phía Việt Nam đã phải nộp bản Giao kèo của Chính phủ, như vậy, về mặt pháp lý, hợp đồng này đã được Chính phủ Việt Nam bảo lãnh’.

Việc chi phí tổ chức cho sự kiện thể thao lớn nhất châu Á này vào năm 2019 dự kiện sẽ tiêu tốn của Việt Nam hàng trăm triệu đôla.

Trên các trang mạng xã hội hiện xuất hiện nhiều ý kiến, trong đó có cả các chuyên gia kinh tế, cho rằng việc đăng cai sự kiện này sẽ ‘gây ra nhiều vấn đề cho nền kinh tế vốn đã có nhiều khó khăn’.

Trong khi đó, báo chí trong nước đưa tin, trước những thông tin trái chiều nhau về việc có tiếp tục tổ chức ASIAD 18 hay không, dự kiến Thủ tướng và các Phó thủ tướng trong tuần này sẽ nghe báo cáo cụ thể và cho ý kiến cuối cùng.

VOA Express

XS
SM
MD
LG