Đường dẫn truy cập

Dân cần lãnh đạo thương dân


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trong buổi lễ khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 tại Hà Nội, ngày 21/1/2016.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trong buổi lễ khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 tại Hà Nội, ngày 21/1/2016.

Vài tuần qua, Đại hội Đảng XII đã làm nóng các diễn đàn trong nước và cả một số diễn đàn quốc tế. Thông tin trên các tờ báo chính thống tường thuật diễn biến của đại hội, trong khi nhiều bài bình luận của báo chí và chuyên gia quốc tế còn mổ xẻ thêm những chuyện “nội bộ” bên trong.

Nghe Bộ trưởng Vinh nói mà… sướng!

Chuyện đáng mừng nhưng hơi tiếc một chút chính là tại đại hội lần này có nhiều tham luận xuất sắc và những phát ngôn từ một số chính trị gia Việt Nam. Rầm rộ và điển hình nhất là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI. Ông Vinh đã trình bày tham luận về vấn đề "Đẩy mạnh cải cách thể chế, hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”, trong đó ông Vinh thẳng thắn đưa ra vấn đề tụt hậu về thu nhập của người dân. Theo ông Vinh, từ 1986 đến nay, thu nhập bình quân đầu người tăng gần bốn lần, tỉ lệ hộ nghèo từ trên 50% xuống dưới 5%. Không thể phủ nhận những thành tựu của công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nước nghèo, vì thế chưa thể bằng lòng, thỏa mãn, nhất là khi nhìn lại mình trong tương quan với các nước láng giềng có cùng điều kiện.

Ông Vinh còn lưu ý rằng “ít ai biết rằng đầu thế kỷ 19, năm 1820, Việt Nam đã có vị thế đáng nể trong khu vực về dân số và cả quy mô kinh tế, lớn hơn cả Philippines và Myanmar cộng lại, gấp hơn 1,5 lần Thái Lan, thu nhập bình quân đầu người khi đó xấp xỉ bình quân đầu người thế giới. Còn hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của ta chỉ bằng chưa đến 1/5 mức trung bình của thế giới, bằng 1/3 Thái Lan.” Bộ trưởng Vinh không phủ nhận Việt Nam đã phải trải qua chiến tranh giành độc lập, thống nhất, nên vấp phải một số điều kiện khó khăn. Tuy nhiên, điều quan trọng là Việt Nam cũng đã có 40 năm sống trong hòa bình, độc lập, và 30 năm đổi mới. Với khoảng thời gian tương tự như thế, các quốc gia lân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đã có thể đưa nước mình từ nông nghiệp, nghèo nàn, lạc hậu trở thành quốc gia phát triển. Trong khi với Việt Nam, những thành tựu ông Vinh điểm qua cho thấy dường như còn quá khiêm tốn, nếu không muốn nói là tăng trưởng quá chậm hay âm so với các nước khác.

Thật ra tôi thấy những điều Bộ trưởng Vinh trình bày không phải là mới, bởi nó được phản ánh hằng ngày trên báo chí, được thể hiện qua con số thống kê về phát triển đời sống của người dân, thậm chí có thể nghe than phiền từ những viên chức, người lao động bình dân… Tuy nhiên, lâu nay dường như hiếm có một quan chức cấp Bộ trưởng nào như ông Vinh dám đứng trước toàn dân phát biểu thẳng thắn và quyết liệt như vậy. Thế nên dân nghe thì hơi chạnh lòng, nhưng thực tế xúc động và cảm thấy rất phấn khởi bởi ít nhất cũng đã có một quan chức cấp cao hiểu được suy nghĩ của hàng triệu người dân suốt nhiều năm qua, dù rằng không biết ý kiến của ông Vinh sẽ đi đâu, về đâu và phát huy hiệu quả đến mức nào trong những năm sắp tới.

Ai làm cũng được, miễn biết thương dân

Quay lại chuyện của Đại hội đảng, hãy tạm gác lại những thông tin từ báo chí nhà nước tại Việt Nam để nhìn qua các đánh giá của một số chuyên gia quốc tế. Điển hình như trang Diplomat có bài “Ai sẽ lãnh đạo Việt Nam” do chuyên gia Alexander L.Vuving của Mỹ làm nóng dư luận, được nhiều chuyên gia quan hệ quốc tế lẫn nhiều người dân trong nước và hải ngoại lưu ý. Bài viết này cùng với nhiều bài viết khác tỏ ý hoài nghi về một nội bộ có phần mâu thuẫn trong công tác nhân sự cho thời gian tới. Khác với Mỹ - nơi người ta sẽ biết ai là tổng thống, sau đó mới biết cán bộ chính phủ - ở Việt Nam, những người nhiều quyền lực nhất lại được biết đến cuối cùng. Quá trình chọn lựa nhân sự đó, có người cho rằng có sự chạy đua, mâu thuẫn giữa những lãnh đạo của chính phủ (thủ tướng) và người đứng đầu đảng cộng sản (tổng bí thư), giữa người cũ và người mới… Thông tin này, trong mắt những người dân không có nhiều thông tin, trở thành nhiều câu chuyện với lời lẽ, giọng điệu và nghi ngờ khác nhau. Tất nhiên, không một người dân nào biết sự thật là gì, kể cả tôi.

Vậy 90 triệu dân cần lao đang mong ước gì từ thế hệ lãnh đạo kế tiếp? Họ không cần biết nội bộ mâu thuẫn như thế nào. Họ càng không cần biết ai dùng phương pháp gì để trúng cử, miễn là nó hợp pháp và hợp hiến. Thứ người dân cần là thế hệ lãnh đạo kế tiếp dám nhìn thẳng vào vấn đề như ông Vinh, dám nhận trách nhiệm về những gì họ không làm được hoặc làm sai, dám để cho người dân nói lên những bức xúc của họ và tìm cách giải quyết, dám tiến hành những cải cách mà lâu nay chỉ nghe nói nhưng không thấy làm, dám đứng trước toàn dân và nói “xin lỗi tôi sai, trách nhiệm của tôi, tôi xin từ chức” khi gây ra hoặc liên đới gây ra những vấn đề tiêu cực trong xã hội.

Người dân đã quá mệt mỏi với những dự án bánh vẽ, những vụ tham nhũng đình đám, quy trình hành chính dài dòng và tốn kém, càng ngán ngẫm những người làm quan hạch sách dân chứ không phải hỗ trợ dân. Người dân càng chán nản khi ra chợ không biết mua cái gì ăn mà không sợ hóa chất độc hại; sợ hãi bởi tỷ lệ bệnh tật vì ô nhiễm môi trường ngày càng cao; lo lắng khi học phí, viện phí tăng vèo vèo; bất an vì giá xăng dầu tăng đều bất chấp giá dầu thế giới giảm mạnh. Đó là chưa kể bao nhiêu thế hệ mong muốn được sống trong một nền giáo dục tiến bộ, trọng tài năng chứ không phải một nền giáo dục liên tiếp gặp phải những vụ bê bối trong suốt những năm qua. Còn rất nhiều vấn đề người dân đã ngán tới tận cổ nhưng vẫn phải đối diện hàng ngày, trong khi giải quyết thì chưa ra đầu ra đũa.

Tôi tạm dẫn lại hai câu đầu trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. Dân cần những quan chức, những nhà lãnh đạo đất nước biết nhân nghĩa, biết chăm sóc cho miếng cơm, manh áo, giấc ngủ và sự an toàn của người dân. Dân cần những lãnh đạo sẵn sàng thị chúng để thấy dân khổ thế nào vào mùa mưa, oải thế nào vào mùa nắng, thất vọng thế nào khi được mùa mất giá, giận dữ đến mức nào khi những thảm họa “nhân tai” như thủy điện, ô nhiễm khói bụi… diễn ra đều đều. Ai làm lãnh đạo không quan trọng, quan trọng là họ biết thương dân hay không.

* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Cao Huy Huân

    Sinh trưởng ở Việt Nam và học tập tại Hoa Kỳ. Là một đại diện cho thế hệ sinh ra và lớn lên sau bước ngoặt lịch sử 1975. Luôn theo dõi sao sát những diễn biến xảy ra trong nước và nêu lên cảm nghĩ của một thế hệ hậu bối thông qua blog dưới một lăng kính trong vắt và đa chiều.

VOA Express

XS
SM
MD
LG