Đường dẫn truy cập

EU mô tả các cuộc đàm phán hạt nhân Iran là 'hữu ích'


Trưởng ban Chính sách Đối ngoại EU Catherine Ashton (trái) và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tại cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân Iran, ngày 19/3/2014.
Trưởng ban Chính sách Đối ngoại EU Catherine Ashton (trái) và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tại cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân Iran, ngày 19/3/2014.
Kết thúc vòng đàm phán mới nhất về chương trình hạt nhân của Iran Vienna hôm thứ tư, các giới chức cho thấy đã có tiến bố và cung cấp một số chi tiết. Thông tín viên VOA tường trình từ London

Sự kiện mà cách đây không lâu là tin lớn nay đã trở thành thông lệ - ngoại trưởng Iran và trưởng ban chính sách đối ngoại của Liên hiệp châu Âu cùng tươi cười xuất hiện để đưa ra các tuyên bố ngắn gọn.

Bà Catherine Ashton của EU cho hay họ sẽ họp lại trong vòng chưa đầy 3 tuần nữa, trong khi các giới chức cấp thấp hơn tiếp tục các cuộc đàm phán kỹ thuật.

Bà Ashton nói: “Dựa vào khung thảo luận thiết lập trong cuộc họp của chúng tôi hồi tháng trước, chúng tôi đã có những cuộc thảo luận thực tiễn và hữu ích về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đế tinh chế, lò phản ứng Arak, hợp tác hạt nhân dân dụng và chế tài.”

Các giới chức cho hay sự kiện thiếu các chi tiết cho thấy các cuộc đàm phán là nghiêm túc. Các nhà thương thuyết đang làm việc hướng tới những hạn chế vĩnh viễn về chương trình hạt nhân của Iran để bảo đảm chương trình chỉ nhắm các mục đích hòa bình, như Iran nói.

Ngoại trưởng Iran, Mohammed Javad Zarif nhắc lại điều đó trong một cột xã luận trên báo Financial Times hôm thứ tư. Ông cũng viết rằng Iran sẽ nhấn mạnh đến việc tiếp tục tinh chế uranium và rằng để đạt được một thoả thuận sẽ đòi hỏi can đảm “hơn nhiều so với mức độ đã thể hiện cho đến nay.”

Một số chuyên gia phân tích tỏ ý quan ngại rằng vấn đề Crimea sẽ ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán này. Nga thuộc một toán thương thuyết quốc tế được phép của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cũng như Hoa Kỳ và nhiều nước Âu châu - tất cả đều đã gay gắt chỉ trích các hành động của Nga sáp nhập Crimea.

Nhưng các giới chức nói toán công tác quốc tế vẫn thống nhất về vấn đề Iran, kể cả Nga. Và ông Jim Walsh thuộc Chương trình Nghiên cứu An ninh thuộc Viện Kỹ thuật Massachusetts nghĩ ông hiểu lý do của sự kiện này.

Ông Walsh nói: “Nga không muốn có một nước Iran có hạt nhân ở gần lãnh thổ của mình, và quyền lợi quốc gia đó chưa thay đổi. Nhưng tôi nghĩ đó là điều cần phải theo dõi. Ðôi khi các bất đồng và xung đột như thế này tràn ra theo những cách rất bất ngờ.”

Ông Walsh nêu ra điểm các cuộc thương nghị giữa Nga và Hoa Kỳ, và Xô viết và Hoa Kỳ trước đây đã tiếp tục bất kể các bất đồng về những vấn đề khác. Nhưng ông Ali Nader thuộc tổ chức RAND Corporation nói Nga có thể tiến hành các biện pháp khác để bày tỏ sự bất bình với phương Tây, chẳng hạn như bán phi đạn cho Iran.

Ông Nader lập luận: “Mặc dầu sẽ không gây trở ngại cho các cuộc thương nghị hạt nhân, Nga có thể làm thân với Iran hay dùng Iran để bù trừ cho sức mạnh của Hoa Kỳ ở Trung Ðông, bở ivì đó là điều họ đã làm trước đây rồi.”

Nhưng ngay cả với những mối quan ngại như thế, một số giới chức và chuyên gia nay nói rằng một thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân của Iran là có thể thực hiện được, thậm chí có phần chắc trước kỳ hạn chót là trung tuần tháng 7. Nhiều người đã giả định rằng giá như có đạt được một thỏa thuận, thì kỳ hạn đó cũng sẽ phải được dời lại.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG