Đường dẫn truy cập

Đại học phi lợi nhuận không phải là thiên đường trú ẩn của kẻ bất tài


Norman Osborn là một nhà khoa học và là chủ tịch công ty Oscorp trong bộ phim Người Nhện 1 (Spiderman 1) lần đầu được công chiếu năm 2002. Trong phim, ông Osborn thực hiện một dự án nghiên cứu tối mật do Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ. Nghiên cứu của ông mất quá nhiều thời gian, tiêu tốn quá nhiều tiền, và thử nghiệm bất thành. Vì thế ông bị Bộ Quốc phòng Mỹ cắt tài trợ. Vì muốn cứu dự án của mình, và để chứng minh với Bộ Quốc phòng nhằm lấy lại tài trợ, ông đã thực hiện thí nghiệm ngay trên cơ thể mình với một hóa chất có tác dụng tăng cường năng lực chiến đấu của binh sĩ. Tiếc là hóa chất này chưa thực sự ổn định. Kết quả là hóa chất này biến ông thành một siêu nhân nhưng đồng thời làm ông phát điên, và vì thế trở thành một ác ma với cái tên Green Goblin.

Đây là một câu chuyện giả tưởng, nhưng nó phản ánh một khía cạnh khá nghiệt ngã của giới nghiên cứu, và một mức độ nào đó, của các nhà giáo. Đó là họ luôn phải đối mặt với logic của nghiên cứu và tài trợ.

Logic muôn thủa của nghiên cứu và tài trợ

Vấn đề muôn thủa của giới nghiên cứu là muốn được tự do theo đuổi những nghiên cứu mà mình muốn, không bị áp lực về thời gian hoàn thành, và luôn có đủ tài trợ để thực hiện. Đây cũng là vấn đề muôn thuở của các nhà giáo. Đó là muốn có tự do học thuật (không chịu sự chỉ đạo của nhà nước, nhà thờ, hay bất cứ sức mạnh xã hôi nào về việc giảng gì, dạy gì), thời lượng giảng dạy trong năm ít (để tập trung nghiên cứu hoặc làm những việc khác), và tương lai được bảo đảm (không lo bị thất nghiệp, bị giảm lương, bị sa thải).

Ở vế bên kia của phương trình, vấn đề muôn thuở của những người tài trợ nghiên cứu và giáo dục (bao gồm cả nhà nước, các công ty, các tổ chức tư nhân, các quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư cá nhân…), bất kể vì mục đích lợi nhuận hay phi lợi nhuận, kiếm tiền hay vì an ninh quốc gia, là làm thế nào để đồng tiền của mình (một nguồn lực khan hiếm) được sử dụng một cách hiệu quả nhất. Với một đồng tiền bỏ ra, tôi thu lại được gì cho tôi, cho tổ chức của tôi, hoặc cho quốc gia, cho xã hội…

Vì thế, logic nghiệt ngã của nghiên cứu và tài trợ là hướng tới kết quả cuối cùng (result driven). Đây cũng giống như thứ logic được áp dụng cho tuyệt đại đa số các lĩnh vực khác của xã hội. Tuy nhiên, vì đầu tư cho nghiên cứu và đào tạo bậc cao là một dạng đầu tư rủi ro cao (high risk). Nhà đầu tư không có nhiều thông tin giống như người triển khai là đội ngũ giáo viên, chuyên viên nghiên cứu về những việc họ làm (asymmetric information) nên thông thường mô hình được áp dụng là các nhà đầu tư rải tiền cho nhiều đơn vị nghiên cứu/giảng dạy. Các đơn vị này cạnh tranh với nhau, ai hiệu quả hơn sẽ nhận được nhiều tiền, ai không hiệu quả sẽ bị cắt tài trợ. Nhà đầu tư không can thiệp vào hoạt động nghiên cứu giảng dạy, nhưng đánh giá kết quả hoạt động của các tổ chức này và quyết định cấp hay cắt tài trợ.

Với các nghiên cứu càng cơ bản, thì rủi ro càng cao, và lợi ích trực tiếp càng ít (tương tự với các trường đại học tập trung đào tạo các khoa học cơ bản). Do đó nó là cuộc chơi của dân nhà giàu, của các nước lớn, các đại công ty. Với những người nghèo hơn, những nước đang phát triển, các công ty còn non trẻ, nguồn lực của họ khan hiếm hơn rất nhiều so với giới nhà giàu, các nước lớn, hay các công ty đa quốc gia. Cái sống và cái chết đối với họ là những thứ mang tính ứng dụng thực tiễn, triển khai được ngay, dùng được ngay, chứ không phải những kỳ tích nghiên cứu có thể thay đổi thế giới sau vài thế kỷ nữa. Vì thế, điều tất yếu là họ phải cân nhắc kỹ hơn khi sử dụng tiền để tài trợ nghiên cứu hay đầu tư vào giáo dục. Họ cũng sẽ phải bám sát hơn trên khía cạnh result driven, bám sát hơn nhiều so với giới nhà giàu.

Xin tài trợ không phải chuyện tay mơ

Với những người đã từng làm ở các đại học phi lợi nhuận, các tổ chức phi chính phủ… đặc biệt là làm ở các bộ phận liên quan đến việc xin tài trợ, thì họ đều hiểu một thực tế chết người là xin tài trợ đặc biệt khó. Ở các công ty vì lợi nhuận, việc tìm kiếm nguồn vốn để triển khai những dự án sinh lời đã khó, việc tìm kiếm các nguồn tài trợ hoàn toàn không vì lợi nhuận lại càng khó hơn.

Các cá nhân hảo tâm, các quỹ hoặc tổ chức tài trợ tư nhân, hoặc cơ quan cấp tài trợ của nhà nước nhận được hàng ngàn (thậm chí nhiều hơn thế) đề nghị xin tài trợ hàng năm. Với ngân quỹ có hạn, họ phải quyết định tài trợ cho ai, và từ chối các đề nghị nào.

Các tổ chức phi lợi nhuận khi xin tài trợ luôn phải chứng minh được rằng mình hoạt động hiệu quả, và số tiền mà các nhà tài trợ đóng góp được dùng đúng mục đích, trực tiếp, thay vì chi trả quá nhiều cho bộ máy quản lý. Thí dụ các tổ chức như Chữ Thập Đỏ Quốc Tế (Red Cross) luôn bị đánh giá bởi các chỉ số (metrics) như tỷ lệ tiền dùng cho các chương trình trực tiếp, tỷ lệ tiền dùng cho quản lý, tỷ lệ tiền dùng cho hoạt động xin tài trợ. Với Red Cross Hoa Kỳ, họ luôn giữ được tỉ lệ khoảng 90%[i] số tiền là dùng trực tiếp cho các chương trình nhân đạo của họ, chỉ có 3,8% cho chi phí quản lý, và 5,6% cho chi phí liên quan đến việc xin tài trợ. Một khi các tỷ lệ này xấu đi, họ sẽ gặp vấn đề về xin tài trợ cho các dự án mới, đơn giản vì người bỏ tiền tài trợ kỳ vọng phần lớn số tiền của mình đến được với những người dùng cuối cùng.

Các trường đại học phi lợi nhuận cũng phải đối mặt với các vấn đề tương tự khi xin tài trợ. Họ phải có lịch sử hoạt động tốt, phải chứng minh được tính minh bạch của mình, phải có hiệu quả hoạt động vượt trội, phải có quan hệ rộng, và phải biết cách xin tài trợ. Không có những yếu tố này, đừng mơ ngồi chờ sung rụng.

Cơm áo không đùa với khách thơ

Quay lại câu chuyện đại học phi lợi nhuận, hãy bỏ ra ngoài câu chuyện tranh luận luẩn quẩn về mô hình nào tốt hơn, phi lợi nhuận hay vì lợi nhuận. Bất cứ mô hình nào cũng cần phải hoạt động tốt, và phải được giám sát tốt. Việc ra đời các đại học tư thục phi lợi nhuận ở Việt Nam, nếu có, chắc chắn sẽ không phải là thiên đường trú ẩn (safe haven) cho những kẻ bất tài, không phải là bến đỗ an toàn cho các giáo viên kém chất lượng, các chuyên gia nghiên cứu nửa mùa, hay các nhà quản lý giáo dục tay mơ.

Nó sẽ là cuộc chơi rất khắc nghiệt theo logic của result driven ở một nước nghèo như Việt Nam. Nó cũng phải đối mặt với thách thức lớn về việc xin tài trợ. Ở đây sẽ không phải là vấn đề nhà đầu tư can thiệp hay không can thiệp vào quản trị, không phải là câu chuyện nhà nước bắt phải dạy cái này, không được dạy cái kia. Câu chuyện ở đây thậm chí còn nghiệt ngã hơn rất nhiều, đó là làm thế nào để chứng minh được tôi hiệu quả và làm thế nào để thuyết phục xã hội cho tiền.

Sẽ khó để chứng minh tôi hiệu quả trong điều kiện hiện tại của thị trường giáo dục Việt Nam, đặc biệt là với các trường còn chưa có lịch sử hoạt động gì đáng kể. Các nhà giáo muốn làm đại học phi lợi nhuận có thể bắt đầu bằng việc bán một giấc mơ, sẽ có những người, những tổ chức, trong nước hoặc quốc tế, quan tâm và mua giấc mơ này bằng cách tài trợ. Nhưng qua thời gian, tiếc là thời gian này chắc chắn sẽ không dài, những người làm đại học phi lợi nhuận sẽ phải chứng minh được bằng các con số thực tế, rằng tôi hiệu quả, bên cạnh việc phát triển kỹ năng xin tài trợ. Nếu không, các giấc mơ này sẽ chết yểu, và người bị hại cuối cùng không phải là những nhà sáng lập, điều hành, các giáo sư, mà là các sinh viên và những nhà tài trợ đã sớm tin vào giấc mơ của quý vị.

Bán bằng, biển thủ công quỹ, và che dấu tội phạm

Với các trường vì lợi nhuận, câu chuyện muôn thuở vẫn là kiếm lời ngắn hạn hay xây dựng một tương lai bền vững. Câu chuyện “bán bằng” mà một số học giả dùng để công kích đại học vì lợi nhuận là câu chuyện có thật, nhưng nó là cách kiếm tiền ngắn hạn, mang tính lừa đảo, của một số ít tổ chức chụp giật, và vấn đề không nằm ở chỗ bản chất của đại học tư vì lợi nhuận, mà nó nằm ở sự yếu kém trong việc giám sát (dù là do nhà nước thực hiện nay các tổ chức phi chính phủ thực hiện).

Sự yếu kém trong công tác giám sát có thể dẫn tới những hành vi vô đạo đức ngay cả trong các đại học phi lợi nhuận. Thí dụ vụ việc tại đại học American University (một đại học lớn và danh tiếng của Mỹ). Năm 2005, hội đồng trường đã thuê một hãng luật điều tra và phát hiện ra hiệu trưởng khi đó của trường là Benjamin Ladner (người được nhận mức lương xấp xỉ 900 nghìn USD/năm), đã biển thủ khoảng nửa triệu USD của trường để tiêu xài hoang phí[ii].

Tệ hại hơn, năm 2011, hội đồng trường Pennsylvania State University (gọi tắt là Penn State, một trường đại học lớn và danh tiếng khác của Mỹ) đã thuê điều tra và phát hiện ra hiệu trưởng (Graham Spanier), hiệu phó (Gary Schultz), và nhiều quan chức cao cấp khác của trường đã cố tình che dấu trong nhiều năm liền hành vi lạm dụng tình dục trẻ em của một cán bộ nhà trường là Jerry Sandusky với số nạn nhân trẻ em lên tới 10 người[iii]. Các cán bộ cao cấp này của nhà trường sau đó bị đuổi việc và hiện vẫn đang phải hầu tòa. Jerry Sandusky thì đã bị xét xử và hiện đang ngồi tù.

Không cần phải nghiên cứu cơ bản vẫn là đại học tốt

Câu chuyện Harvard, Cambridge, Stanford, hay Berkeley cũng không phải là câu chuyện của các đại học tư vì lợi nhuận. Họ không gánh trên lưng mình trách nhiệm nghiên cứu cơ bản. Cái họ làm là đào tạo những con người đi làm, hướng vào nhu cầu thực tế của thị trường. Không làm được cái này, đừng mơ đến chuyện kiếm tiền.

Nếu hướng vào nghiên cứu, thì các nghiên cứu của họ cũng phải đi vào các ứng dụng thực tế làm ra tiền. Thực ra, động lực nghiên cứu làm ra tiền là một động lực nghiên cứu mạnh, và nó đang hàng ngày tạo ra các thay đổi cơ bản của xã hội, từ công nghệ hàng không, dược phẩm, công nghệ Nano, tiết kiệm năng lượng, tin học - viễn thông, công nghệ quốc phòng, vận tải đường bộ… Vì thế không phải câu chuyện đại học tư vì lợi nhuận có thể đồng thời là các thinktank nghiên cứu hùng mạnh hay không, mà đơn giản là vì với nguồn lực của họ, tập trung vào cái gì, tại thời điểm nào, là cái họ phải tính trên từng bước đường phát triển.

Các trường đại học thuộc nhóm Liberal Arts Colleges của Mỹ không phải là những trường hướng vào nghiên cứu, nhưng các trường top của nhóm này là các trường cực kỳ khó xin vào, và sinh viên học từ đây ra được nhìn nhận không thua gì sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu thế giới như Harvard, Princeton, hay Oxford. Đây là các thí dụ kinh điển về chức năng của đại học – họ không nhất thiết phải là các trường nhắm tới mục tiêu nghiên cứu để trở thành các think tank hàng đầu.

Tóm lại, bài viết này nhằm chỉ ra một số thách thức khi vận hành một trường đại học phi lợi nhuận. Bài viết này không nhằm hạ thấp hoặc phủ nhận vai trò của đại học (tư thục) phi lợi nhuận, mà chỉ nhằm đưa ra một số vấn đề thực tế mà các đại học này vẫn gặp phải. Nó cũng đưa ra ánh sáng một số hiểu lầm khá phổ biến ở Việt Nam về mô hình đại học này. Trong một xã hội đang phát triển như Việt Nam, cần khuyến khích tất cả các loại hình đại học phát triển, và bên cạnh đó cần tập trung vào giám sát để các đại học này thực hiện đúng chức năng của mình.

  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

VOA Express

XS
SM
MD
LG