Đường dẫn truy cập

Đặc sứ LHQ bị uy hiếp khi đến Miến Điện


Đặc sứ nhân quyền Liên Hiệp Quốc Tomas Ojea Quintana phát biểu trong cuộc họp báo trước khi rời sân bay quốc tế Yangon, 21 tháng 8, 2013.
Đặc sứ nhân quyền Liên Hiệp Quốc Tomas Ojea Quintana phát biểu trong cuộc họp báo trước khi rời sân bay quốc tế Yangon, 21 tháng 8, 2013.
Trong một chuyến viếng thăm chính thức Miến Điện, đặc sứ của Liên Hiệp Quốc nói với các thông tín viên rằng đoàn xe của ông bị một đám đông tín đồ Phật giáo tấn công nhưng nhà chức trách không bảo vệ ông.

Đặc sứ nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Tomas Ojea Quintana, nhớ lại cảnh một đám đông Phật tử khoảng 200 người đấm đá cửa xe của ông và lăng mạ ông hôm thứ Hai tại Meiktila, ở miền trung Miến Điện.

Nói chuyện với các nhà báo ngay trước khi rời khỏi nước này sau chuyến thăm 10 ngày, ông Quintana nói rằng chính quyền Miến Ðiện có bổn phận bảo vệ ông.

“Và việc đó đã không xảy ra. Họ đã không bảo vệ tôi trong tình huống đó. Và vấn đề này đã được nêu lên với Bộ Ngoại giao Miến Điện cũng như các giới chức khác,” ông Quintana cho biết.

Những người biểu tình cho rằng ông Quintana đã thiên vị khi đánh giá về những vụ lộn xộn giữa khối đa số Phật giáo và nhóm thiểu số Hồi Giáo Miến Điện.

Thị trấn Meiktila là nơi xảy ra cuộc bạo động nhắm vào tín đồ Hồi Giáo khiến ít nhất 44 người thiệt mạng hồi tháng Ba.

Ông Quintana nói rằng sự cố này đã ngăn ông đi thăm một trại có 1.600 người Hồi Giáo dời cư tạm trú.

Theo ông Quintana, kinh nghiệm này cho ông hiểu được những gì mà các cư dân tại đây cảm thấy khi họ bị các đám đông săn đuổi trong các cuộc tấn công tại thị trấn này 5 tháng trước đây.

Trong một chuyến thăm bang Arakan hồi tuần trước, ông Qintana cũng gặp các tín đồ Phật giáo biểu tình tố cáo ông là thiên vị.

Nhưng, ông Phil Robertson thuộc tổ chức nhân quyền Human Rights Watch nói với đài VOA rằng nhiều người Miến Điện khác ghi nhận công lao theo dõi kỹ lưỡng của ông Quintana trước những xung đột giáo phái. Ông Robertson nói:

“Sự chú ý của ông tại một số khu vực sắc tộc, thí dụ xét tới tình hình tại Kachin, đã được nhiều người tại địa phương hoan nghênh. Có lẽ chính phủ không thích việc đó. Nhưng chính phủ chỉ là một khía cạnh của chuyện này, chính phủ chỉ là một người tham gia trong câu chuyện đó. Và cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn, cùng với xã hội dân sự, coi ông đã đóng một vai trò tích cực.”

Tổ chức bênh vực nhân quyền Bác sĩ Không Biên giới cảnh báo rằng Miến Điện có nguy cơ rơi vào tình trạng xung đột đến mức “tai hại,” kể cả khả năng diệt chủng, nếu nhà chức trách không ngăn chặn ngôn từ thù ghét nhắm vào tín đồ Hồi Giáo và chính sách làm ngơ không trừng phạt những cuộc bạo động sắc tộc.

Bạo động tôn giáo trong năm vừa qua tại Miến Ðiện đã làm 250 người thiệt mạng, hầu hết là tín đồ Hồi Giáo, và thêm 140.000 người nữa phải dời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG