Đường dẫn truy cập

Cường độ biểu tình dâng cao ở Thái Lan


Một người biểu tình chống chính phủ ném trả quả lựu đạn cay về phía cảnh sát, Bangkok, Thái Lan, 1/12/13
Một người biểu tình chống chính phủ ném trả quả lựu đạn cay về phía cảnh sát, Bangkok, Thái Lan, 1/12/13
Thủ đô Bangkok của Thái Lan đang trải qua những cuộc biểu tình bạo động và lớn nhất kể từ hơn 3 năm qua. Sau tin có 4 người thiệt mạng, hôm Chủ nhật cảnh sát đã ra tay đối phó với người biểu tình bên ngoài văn phòng thủ tướng. Thông tín viên đài VOA Steve Herman tường thuật từ Bangkok rằng phe đối lập tiếp tục tìm cách kiểm soát các văn phòng chính phủ và đài truyền hình nhằm lật đổ chính quyền của Thủ tướng Yingluck.

Cảnh sát Thái Lan sử dụng vòi rồng và hơi cay đối phó với những người tình chống chính phủ đang tìm cách tràn vào Tòa nhà Chính phủ, nơi đặt các văn phòng của Thủ tướng.

Các vụ đụng độ xảy ra sau mấy ngày nhóm biểu tình nhiều lần tìm cách chiếm cứ các văn phòng nhằm lật đổ chính quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Người lãnh đạo phe đối lập, ông Suthep Thaugsuban, trong một bài diễn văn được phát sóng trên toàn quốc, hôm Chủ nhật yêu cầu các đài truyền hình đừng loan các tin tức của chính phủ nữa.

Ông cũng nhấn mạnh lời kêu gọi toàn thể công chức trên khắp nước nên ngưng làm việc kể từ thứ Hai cho đến khi tình hình thay đổi.

Ông Suthep, từng là phó thủ tướng Thái Lan, yêu cầu một “hội đồng nhân dân” chọn một nhà lãnh đạo cho đất nước lên thay. Ông bác bỏ việc thương thảo với Thủ tướng Yingluck cũng như khả năng tổ chức các cuộc bầu cử mới.

Tuy nhiên khi được thông tín viên đài VOA hỏi ý kiến, nhiều người trong đám đông biểu tình bao vây bên ngoài Tòa nhà Chính phủ, trong đó có một phụ nữ cho biết tên bà là Pasada, dường như sẵn sàng tuân theo tiến trình dân chủ hơn để chọn một thủ tướng. Bà Pasada nói:

“Tất cả chúng tôi đều muốn có một cuộc bầu cử mới. Chúng tôi không thể chịu đựng họ (gia tộc Shinawatra) thêm nữa. Chúng tôi phải đưa họ xuống.”

Mấy ngàn binh sĩ không trang bị võ khi đã được gọi đến tiếp tay với cảnh sát canh giữ các bộ và các văn phòng chính phủ khác.

Ngoài việc chiếm giữ các khu bên ngoài Tòa nhà Chính phủ, nơi nhiều bộ đặt văn phòng, những người biểu tình còn tìm cách xông vào bên trong các đài truyền hình chính.

Tại một địa điểm họ đã bị thất bại: đó là trụ sở của Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan được canh giữ rất nghiêm ngặt. Phía trên các cánh cổng được rào bằng dây kẻm gai trong lúc hàng trăm cảnh sát được trang bị để chống bạo loạn đứng canh.

Một số người biểu tình tiến đến chiếm một ngã tư gần đó, cạnh khu thương xá chính của thủ đô, đã đóng cửa.

Tại ngã tư, đại tá cảnh sát Chaiya Kongsab thừa nhận rằng lực lượng của ông đang bị lấn át về số người.

Ông nói chỉ có 20 cảnh sát ở đó, nhưng rất nhiều người biểu tình kéo đến, vì vậy họ phải rút lui để tránh đụng độ.

Những người lãnh đạo phe “Áo đỏ”, là phe ủng hộ chính phủ tập họp tại một sân vận động trong thủ đô Bangkok trước đó, đã cho các ủng hộ viên của họ về nhà (vào sáng Chủ nhật) sau khi nhiều đợt súng nổ bên ngoài sân vận động.

Bà Yingluck nắm giữ chức thủ tướng từ năm 2011 sau khi đảng của bà đạt thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử. Bà là em của ông Thaksin Shinawatra, một tỉ phú và là cựu thủ tướng bị lật đổ trong cuộc đảo chính của quân đội năm 2006. Ông tự ra sống lưu vong ở Dubai, và đang đối mặt với án tù 2 năm tù về tội gian lận nếu ông trở về nước.

Đảng cầm quyền đã đề xuất một dự luật ân xá, theo đó ông và những người khác bị cáo buộc bạo hành chính trị trong các vụ xuống đường chống chính phủ trước sẽ được đặc xá. Tuy nhiên dù sau khi dự luật này được rút lại, phe Dân chủ đối lập vẫn đẩy mạnh yêu sách lật đổ bà Yingluck và loại trừ ảnh hưởng của anh bà trên chính trường Thái Lan.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG