Đường dẫn truy cập

Cuộc vận động mang tính cách mạng kết thúc tại bãi đỗ xe ở thủ đô Mỹ


Ứng cử viên của đảng Dân chủ Bernie Sanders phát biểu trong cuộc vận động ở thủ đô Washington ngày 9/6/2016.
Ứng cử viên của đảng Dân chủ Bernie Sanders phát biểu trong cuộc vận động ở thủ đô Washington ngày 9/6/2016.

Những ủng hộ viên của ông Sanders tìm cách chấp nhận việc bà Clinton gần như chắc chắn được đề cử làm ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ… mà cũng có thể họ không chấp nhận.

Cô Debby Hanrahan không lo ngại về ông Bernie Sanders.

Cô muốn biết bà Hillary Clinton, người gần như chắc chắn được đề cử làm ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, sẽ làm gì tiếp.

Hanrahan là một trong khoảng 1.500 ủng hộ viên của ông Sanders tham dự cuộc vận động của Thượng nghị sỹ bang Vermont trong cuộc bầu cử sơ bộ ở thủ đô nước Mỹ.

Những thanh niên trong độ tuổi học đại học mặc áo thun in hình vui nhộn chiếm những chỗ gần bục phát biểu, còn những cử tri lớn tuổi hơn, tóc bạc hơn - những người nhớ đến những cuộc cách mạng khác - thì chờ đợi bên những chiếc ghế dài trong bóng mát.

Một thực tế không ai nói ra là đây là cuộc vận động tranh cử cuối cùng của ông Sanders. Phong trào đã đưa hàng chục ngàn người đến các sân vận động qua mùa đông rồi tới mùa xuân giờ đây sắp kết thúc ở một công viên dành cho trò chơi ván trượt, gần một sân vận động thể thao bị bỏ quên ở đông nam thủ đô Washington vào một đêm tháng 6 mát mẻ.

Tính con số đại biểu

Sau một đêm diễn ra các cuộc bầu cử sơ bộ từ New Jersey cho đến California, bà Clinton đã nắm chắc số đại biểu cần thiết để được đảng đề cử và đã tuyên bố chiến thắng vào đêm 7/6. Sáng hôm 9/6, Tổng thống Barack Obama đã gặp ông Sanders tại Tòa Bạch Ốc và sau đó vài giờ tuyên bố ủng hộ bà Clinton.

Nhưng những ủng hộ viên của ông Sanders tụ tập ở đây không nói về cái kết của cuộc vận động. Họ nói về phong trào vẫn tiếp diễn và bà Clinton sẽ làm gì để xử lý cuộc cách mạng chính trị của họ.

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và vợ đến nơi sẽ diễn ra cuộc vận động cuối cùng của ông tại Washington, D.C., ngày 9/6/2016.
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và vợ đến nơi sẽ diễn ra cuộc vận động cuối cùng của ông tại Washington, D.C., ngày 9/6/2016.

Cô Hanrahan nói: “Tôi trông đợi rằng chồng tôi và tôi, cùng với hàng triệu người khác sẽ không chấp nhận mọi sự vẫn diễn ra như bình thường. Chúng tôi sẽ đòi hỏi nhiều hơn từ bà Hillary Clinton nếu bà muốn những lá phiếu của chúng tôi”.

Chị nói thêm: “Tôi dự định sẽ hết sức hối thúc bà qua những bức thư, những câu hỏi, và nói chuyện với các ủng hộ viên của bà. Bà phải thay đổi đường lối, bà không thể là một ứng viên ủng hộ chiến tranh kéo dài vô tận”.

Ông Don, một cử tri ở Maryland, bày tỏ: “Ông Sanders rõ ràng đã thua trong cuộc bầu cử, nhưng hy vọng là ông đã khởi động một phong trào giám sát bà Hillary ở cương vị tổng thống hay ông Trump ở cương vị đó. Hy vọng là phong trào sẽ mang lại những ý tưởng tốt đẹp hơn, chăm sóc ý tế cho mọi người thay cho Obamacare, có một hệ thống kinh tế công bằng, gạt tiền bạc ra khỏi chính sự, đó là những mục đích mà ông ấy sẽ vận động”.

Ông Trump gần như chắc chắn là người được đề cử làm ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa.

‘Buộc bà ấy thay đổi’

Ông Don và vợ là Estrella nói họ không có vấn đề gì với việc bầu cho bà Clinton.

Ông nói: “Hy vọng ông Sanders sẽ là một cái gai bên sườn bà ấy và buộc bà phải thay đổi các chính sách của bà”.

Những người ủng hộ ông Sanders hy vọng ông sẽ buộc bà Clinton phải thay đổi các chính sách của bà.
Những người ủng hộ ông Sanders hy vọng ông sẽ buộc bà Clinton phải thay đổi các chính sách của bà.

Nhưng cũng như ông Trump đã buộc đảng Cộng hòa phải tự vấn về các giá trị và bản sắc của mình, vai trò ứng viên của ông Sander đã phơi bày những rạn nứt trong đảng Dân chủ.

Anh Irv, một cư dân ở Washington, nói: “Đến lúc phải có một đảng mới, một đảng đại diện cho người lao động, người nghèo và tương lai. Ông Bernie có mặt đúng lúc và đại diện cho bản chất của phong trào. Ông không phải là hiện thân của phong trào, ông đại diện cho phong trào”.

Anh Irv nói phong trào đã phát triển bởi vì cử tri bắt đầu hiểu những thay đổi về lối sống ở Mỹ, và hệ thống chính trị chưa theo kịp với những thay đổi đó.

Anh nói: “Đây là việc vượt quá tầm của đảng Dân chủ, vượt quá tầm của tổng thống kế tiếp. Nó là cách thức chúng tôi sẽ thay đổi cơ bản xã hội này. Nếu ông Bernie rời khỏi hay bỏ cuộc, điều đó không thay đổi những gì chúng tôi sẽ làm”.

Đối với anh Irv, điều đó làm cho anh không thể bỏ phiếu cho bà Clinton.

Anh nói: “Bà Hillary là kiểu chính trị cũ kỹ. Về hồn cốt, bà ấy đứng về quá khứ, còn chúng tôi muốn điều gì đó xây dựng, thay đổi và là tương lai, mà bà ấy không phải là tương lai”.

Sự chia rẽ thế hệ

Những cử tri lớn tuổi hơn theo ông Sanders dường như biết chấp nhận hơn về thực tế ông đã thua, họ lo về sức mạnh của phong trào, trong khi những cử tri trẻ vẫn tập trung vào việc chọn một ứng viên.

Eli, một cử tri trẻ ở Maryland, nói anh có lẽ sẽ đăng ký làm người tình nguyện cho cuộc vận động của bà Clinton.

Anh nói: “Trong vài tuần qua, kể từ khi bà thắng ở New York và 5 bang khác trong tuần kế tiếp, đó là điều bất khả, và tôi đã phải nghĩ mọi chuyện sẽ ra sao nếu hy vọng là bà Hillary thành tổng thống. Càng nghĩ về điều đó, tôi càng hiểu các quan điểm của bà”.

Các ủng hộ viên của Thượng nghị sĩ Bernie Sanders bị chia rẽ trong việc có nên ủng hộ bà Clinton hay không.
Các ủng hộ viên của Thượng nghị sĩ Bernie Sanders bị chia rẽ trong việc có nên ủng hộ bà Clinton hay không.

Nhưng anh Robin, một cử tri ở Maryland, vất vả để bày tỏ sự chán ghét của anh đối với bà Clinton. Anh trợn mắt, nhăn nhó trước khi nói: “Tôi sẽ bỏ phiếu cho bà nếu ai đó giết tôi, cắt ngón cái để lấy dấu vân tay, rồi mạo danh tôi đi bỏ phiếu”.

Nhiều ủng hộ viên xếp hàng đợi đã lờ đi câu hỏi về việc ông Obama ủng hộ bà Clinton hay chỉ đơn giản trả lời là dù gì họ vẫn sẽ bỏ phiếu cho ông Sanders vào tháng 11.

Về nhiều mặt, diễn văn của ông Sanders mang âm hưởng của sự khao khát đó.

Những diễn biến trước đó trong ngày tại Tòa Bạch Ốc không thay đổi mấy những chủ đề cơ bản vốn đã xuất hiện trong mọi diễn văn vận động tranh cử của ông Sanders kể từ khi ông tổ chức họp báo không ồn ào để công bố ông là ứng viên hồi tháng 4. Ông hoàn toàn không nhắc đến bà Clinton.

Một mục tiêu: đánh bại ông Trump

Nhưng ông Sanders có đặt ra một mục tiêu mà nhiều người trong đám đông cho rằng nhất định phải xảy ra: đó là tìm cách đánh bại ông Donal Trump vào tháng 11.

Những ủng hộ viên của ông Sanders tại cuộc mít tinh sẽ bỏ phiếu cho bà Clinton hầu như giống nhau ở chỗ họ không thể biện minh cho sự lựa chọn của họ mà không đề cập đến ông Trump.

Cô Daniella, một thiếu nữ mặc áo thun in dòng chữ “Cảm nhận sức nóng của ông Bern” nói: “Nếu ông ấy vượt qua được, chắc chắn tôi bỏ phiếu cho ông Bernie”.

Nhiều người ủng hộ ông Sanders quyết định ủng hộ bà Clinton vì không muốn bỏ phiếu cho ông Trump.
Nhiều người ủng hộ ông Sanders quyết định ủng hộ bà Clinton vì không muốn bỏ phiếu cho ông Trump.

Được nhắc nhở rằng bà Clinton có phần chắc sẽ là người được đảng Dân chủ đề cử, cô đáp: “Nếu bà ấy chống lại ông Trump, được thôi, nhưng bà ấy không phải sự lựa chọn hàng đầu của tôi. Tôi sẽ bầu cho bà chỉ vì tôi không bỏ phiếu cho ông Trump. Tôi cho là bà ấy cũng được”.

Trong phần lớn buổi tối, đám đông thật bình tĩnh. Thỉnh thoảng họ hô theo nhịp “Bernie, Bernie!”

Nhưng phản ứng lớn nhất là khi có câu khẩu hiểu tranh cử được một đại diện đưa ra để làm nóng bầu không khí: “Người ta có thể nói với bạn về các khuôn mẫu: những phụ nữ da đen chăm đi nhà thờ bầu cho bà Hillary, còn thanh niên bầu cho ông Bernie, còn những người da trắng bầu cho ông Trump. Nhưng tương lai của nước Mỹ vượt ra khỏi những khuôn mẫu”.

Dường như chu trình bầu cử ở Mỹ đã áp đặt một tư tưởng tan vỡ khác lên các cử tri, một ứng viên mà họ không mong muốn.

Đứng trong bãi đỗ xe, nằm trong một nhóm nhỏ hơn nhiều, họ vẫn muốn ông Sanders và những gì ông đại diện cho họ.

Bên ngoài cuộc vận động, các ủng hộ viên đứng bên một chiếc bàn đầy áo thun in chữ “Cuộc cách mạng Bernie” để chọn mua áo được bán đúng giá. Lúc này, cuộc cách mạng vẫn cần phải mang một màu áo.

VOA Express

XS
SM
MD
LG