Đường dẫn truy cập

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước - phiên chợ ế ẩm


Mặc dù thị trường chứng khoán có sự khởi sắc tốt trong hai năm qua, sự hứng khởi này đã hầu như bỏ qua một bên các doanh nghiệp nhà nước đã và đang được cổ phần hóa.

Thị trường chứng khoán trong 2 năm 2013 và 2014 đã tốt lên rất nhiều, đặc biệt là năm 2014. Từ đầu năm đến nay tốc độ tăng trưởng của thị trường đạt 19% (VN-Index) và 28% (HNX-Index), đưa VN vào top đầu các thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt nhất thế giới của năm 2014. Thế nhưng, nhìn sang “người hàng xóm” là các doanh nghiệp nhà nước đang được cổ phần hóa và chào bán ra công chúng, câu chuyện lại khác hẳn.

Từ đầu năm đến hết ngày 21 tháng 8 năm nay, nhà nước chỉ thu về được 2,23 nghìn tỷ Đồng từ việc IPO (lần đầu chào bán ra công chúng) 33 công ty quốc doanh, đạt chưa đến 50% kế hoạch năm. Tới nay đã là giữa tháng 11 và câu chuyện có vẻ không sáng sủa hơn bao nhiêu. Lý do chính của việc cổ phần hóa và IPO ỳ ạch nằm ở mấy điểm sau đây:

Thứ nhất là nhà nước chỉ IPO một lượng cổ phần rất nhỏ. Nhà đầu tư bên ngoài chỉ tham gia được quá ít và không tham gia được gì vào chuyện quản trị điều hành doanh nghiệp đã được cổ phần hóa. Thí dụ công ty Khí PetroVN khi cổ phần hóa chỉ bán ra ngoài có 3%, VietcomBank cũng chỉ có 23%. Chính vì vậy, dù có mua cổ phần, bản chất các doanh nghiệp này vẫn là doanh nghiệp nhà nước và nhà đầu tư tư nhân không có tiếng nói gì.

Thứ hai, sau khi chào bán, các doanh nghiệp nhà nước đã được IPO cũng chậm tiến độ lên sàn. Thí dụ SABECO (công ty rượu bia nước giải khát Sài gòn) đã cổ phần hóa và IPO tới 6 năm nay mà vẫn chưa lên sàn.

VietcomBank cũng phải mất tới 18 tháng mới lên sàn. Trong 33 công ty đã cổ phần hóa và IPO năm nay, chưa có công ty nào lên sàn tính đến thời điểm này. Điều này làm tính thanh khoản của các doanh nghiệp nhà nước sau khi đã cổ phần hóa rất kém. Nhà đầu tư tư nhân tham gia vào các doanh nghiệp này không có cách nào khả dĩ để thoái vốn.

Đặt trong bối cảnh giá cổ phiếu niêm yết tăng mạnh như vậy, không ai muốn “giam” tiền của mình vào các cổ phiếu DNNN nơi mà họ không bán được, giá cổ phiếu không tăng, và họ cũng không can thiệp được gì vào việc điều hành. Đây là “đất chết” giải thích lý do tại sao khi IPO, các doanh nghiệp nhà nước thường kém hấp dẫn.

Điểm quan trọng khác là các nhà đầu tư không thấy được các DNNN sau khi cổ phần hóa có thay đổi gì so với trước. James Bannan, TGĐ của Quỹ Frontier Markets Fund (đang quản lý 110 triệu USD) tại Thụy Sĩ cho rằng “cộng đồng đầu tư còn rất ngờ vực vì chính phủ Việt Nam vẫn tỏ ra chưa sẵn sàng hiện đại hóa về mặt quản trị các doanh nghiệp này để chúng trở nên chuyên nghiệp hơn”. Điều này làm cho giá trị doanh nghiệp nhà nước sau IPO không khác biệt đáng kể so với trước. Nhà đầu tư không thấy được giá trị khoản đầu tư của họ tăng lên vì “mọi chuyện vẫn như vậy”.

Thực tế này sẽ tiếp tục gây khó khăn cho nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc đẩy mạnh cổ phần hóa. Đặt trong bối cảnh này, việc phải cổ phần hóa xong 432 doanh nghiệp vào cuối năm sau (theo đúng lộ trình đã cam kết) có vẻ như khó khả thi. Đó là chưa kể việc cổ phần hóa và IPO vội vàng dễ dẫn tới tình trạng chuẩn bị chưa tốt, không có thời gian và kinh nghiệm để chào bán một cách khôn ngoan, và vì thế nó dễ dẫn tới tình trạng có đưa ra chợ cũng không bán được hàng như tình hình từ đầu năm tới nay.

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

VOA Express

XS
SM
MD
LG