Đường dẫn truy cập

Chuyên gia: Phản ứng chậm chạp của quốc tế khiến Boko Haram lớn mạnh


Dân biểu Mỹ Louie Gohmert nói chuyện với 3 cô gái trốn thoát trong vụ nhóm Boko Haram bắt cóc 276 nữ sinh hôm 14 thang 4. Các cô gái che mặt vì sợ bị nhận diện
Dân biểu Mỹ Louie Gohmert nói chuyện với 3 cô gái trốn thoát trong vụ nhóm Boko Haram bắt cóc 276 nữ sinh hôm 14 thang 4. Các cô gái che mặt vì sợ bị nhận diện
Các chuyên gia cho rằng phản ứng chậm chạp của quốc tế trước các vụ phạm tội của Boko Haram tại Nigeria đã góp phần biến tổ chức này từ một nhóm chiến binh chuyên cướp bóc thành một phong trào nổi dậy Hồi giáo, và là một mối đe dọa nghiêm trọng hơn. Thông tín viên Zlatica Hoke tường thuật rằng một ủy ban của quốc hội Mỹ hôm qua đã tổ chức một buổi điều trần để nghe những thông tin cập nhật về nhóm đã tàn phá đông bắc Nigeria trong vòng 5 năm qua.

Dân biểu thuộc phe Cộng hòa đại diện tiểu bang New Jersey Chris Smith là Chủ tịch Tiểu ban Châu Phi, Sức khỏe toàn cầu, Nhân quyền toàn cầu và Tổ chức quốc tế của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ. Mới đây ông đã đi thăm Nigeria. Ông nói rằng tình trạng bạo lực do Boko Haram gây ra không chỉ ảnh hưởng tới các tín đồ Cơ đốc giáo. Ông nói:

“Tôi đã gặp một ông bố là tín đồ Hồi giáo, có hai con gái bị bắt cóc ở trường Chibok. Kìm nén nước mắt, ông ấy nói về nỗi đau khổ khôn nguôi. Ta phải nhớ đây là một người cha theo đạo Hồi. Câu chuyện của hai người con gái của ông cho thấy một điều rằng Boko Haram còn hành xử hung bạo với cả người Hồi giáo nữa”.

Ông Smith nói rằng vụ bắt cóc táo tợn hơn 200 nữ sinh tại bang Borno ở miền bắc Nigeria hồi tháng Tư đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế tới các hành động tàn ác của nhóm này.

Luật sư nhân quyền Emmanuel Ogebe cho rằng phản ứng chậm chạp của quốc tế đã góp phần biến nhóm này trở thành ‘tổ chức khủng bố gây chết chóc nhiều hàng thứ hai thế giới’ chỉ sau Taliban:

“Khi tôi tới Nigeria hồi tháng Tư, con số người chết mỗi tuần trung bình là khoảng 100 người. Trong 4 ngày chúng tôi ở Nigeria tuần trước, con số trung bình là 100 mỗi ngày”.

Ông Peter Phạm (Phạm Hoàng An), Giám đốc Trung tâm Châu Phi của Hội đồng Đại Tây Dương, nói rằng Boko Haram đã phát triển từ một nhóm vũ trang tổ chức lỏng lẻo trở thành một phong trào nổi dậy qui mô lớn, với sự trợ giúp của các chiến binh Hồi giáo nước ngoài ở châu Phi, đặc biệt là tại Somalia và Mali. Ông nói:

“Sau sự can thiệp của Pháp ở Mali, các phần tử chủ chiến, có lẽ có một số người nước ngoài đi theo, đã trở về miền bắc Nigeria. Những người này không những được trang bị một số kỹ năng chiến đấu trên sa mạc mà còn mang theo xe cộ và các loại vũ khí hạng nặng, trong đó có các phi đạn vác vai”.

Những loại vũ khí đó đã giúp Boko Haram tấn công các cơ sở quân sự của chính phủ để đánh cướp nhiều loại vũ khí tốt hơn.

Ông Phạm nói rằng tình trạng tham nhũng của các giới chức địa phương và sự kém phát triển ở miền bắc Nigeria đã khiến lời kêu gọi thay đổi mang tính cực đoan của Boko Haram được một số người hưởng ứng, nhưng ông nói rằng vấn đề thực sự là phản ứng hờ hững của chính phủ liên bang đối với mối đe dọa.

Cựu đại sứ Mỹ Robin Sanders nói rằng các lực lượng an ninh Nigeria không có cả kinh nghiệm lẫn phương tiện để chiến đấu chống lại những kẻ khủng bố liên tục di chuyển:

“Các thiết bị dò bom khá là thô sơ và họ rõ ràng cần cải thiện việc kiểm soát các đường biên giới thiếu kiểm soát như chúng ta đã nghe từ các đồng nghiệp của tôi. Họ cần cải thiện việc lập kế hoạch quân sự, hậu cần, vật tư thiết bị, trong đó có các phụ tùng thay thế và nhiên liệu”.

Chính phủ Nigeria cũng thiếu các lực lượng đặc biệt để chống khủng bố.

Bà Sanders cảnh báo rằng cuộc chiến chống lại Boko Haram sẽ là cuộc chiến dài hơi. Các nhà lập pháp cũng được thông báo rằng nhóm này hiện giờ gây nguy hiểm cho các công dân Mỹ ở khắp nơi trên thế giới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG