Đường dẫn truy cập

Chủ tịch Trung Quốc 'khó xử' về vấn đề Ukraine trong chuyến thăm EU


Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Âu Jose Manuel Barroso tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) tại trụ sở Ủy ban ở Brussels, 31/3/14
Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Âu Jose Manuel Barroso tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) tại trụ sở Ủy ban ở Brussels, 31/3/14
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang kết thúc chuyến công du Âu châu một tuần với mục tiêu tăng cường các mối quan hệ kinh tế với đối tác thương mại số một của họ. Các nhà quan sát nói rằng những quan tâm cố hữu về nhân quyền ở Trung Quốc tiếp tục ảnh hưởng đến các mối quan hệ, nhưng Âu châu cũng muốn tranh thủ sự ủng hộ ngoại giao của Trung Quốc trong vụ tranh chấp với Nga về Ukraine.

Ngoại giao gấu trúc là một cách thức mà Trung Quốc lâu nay vẫn thường dùng để tăng cường các mối quan hệ.

Mấy chú gấu trúc được Trung Quốc cho một sở thú của Bỉ mượn trước chuyến thăm của ông Tập Cận Bình. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Chủ tịch Nước Trung Quốc sau 4 thập niên quan hệ giữa Bắc Kinh với Liên hiệp Âu châu.

Thương mại đứng đầu nghị trình. Không bên nào nói gì sau cuộc họp thượng đỉnh hôm thứ Hai – nhưng cả hai bên đều muốn tăng cường quan hệ kinh tế.

Ông Jonathan Fenby, cựu biên tập viên của tờ South China Morning Post, là tác giả của cuốn “Phải chăng Trung Quốc sẽ thống trị thế kỷ 21?”. Ông nhận xét như sau về mối quan hệ giữa Bắc Kinh với Brussels:

"Trung Quốc từ lâu đã muốn xây dựng các mối quan hệ với Liên hiệp Âu châu lên đến mức có thể trở thành đối trọng với thế lực của Hoa Kỳ."

Chủ tịch Trung Quốc hối thúc các nhà lãnh đạo Liên hiệp Âu châu xem xét một thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc. Nhưng Âu châu đã bày tỏ lo ngại rằng các công ty của Trung Quốc không tôn trọng luật lệ thương mại quốc tế.

Năm ngoái, một vụ tranh chấp về giá cả của pin năng lượng mặt trời đã dẫn đến việc Liên hiệp Âu châu áp thuế nhập khẩu, và Trung Quốc phản ứng lại bằng việc hạn chế nhập rượu vang của Âu châu.

Ông Jonathan Fenby nói rằng vụ tranh chấp đó đã gây chia rẽ tại châu Âu:

"Trung Quốc nhìn chung muốn có các mối quan hệ song phương hơn là những mối quan hệ rộng lớn có thể làm cho họ mất đi tự do hành động. Trong khi đó châu Âu thực sự có những chia rẽ cố hữu giữa các nước thành viên của liên hiệp về việc liệu quan hệ với Trung Quốc chỉ nên thuần túy về thương mại, hay liệu có nên đưa chính trị hay nhân quyền vào các mối quan hệ đó hay không."

Bên ngoài hội nghị, các nhà vận động tìm cách đưa vấn đề nhân quyền vào nghị trình. Họ lên án Trung Quốc vi phạm nhân quyền thô bạo đối với người Tây Tạng và các cộng đồng của người Uighur thiểu số.

Ông Tenzin Namgyal, một người di dân gốc Tây Tạng, nói:

"Chúng tôi muốn Chủ tịch Tập Cận Bình bắt đầu đối thoại ngay với Đức Đạt Lai Lạt Ma, và ngay lập tức thả hết các tù nhân chính trị ra."

Việc Moscow mới đây sáp nhập Crimea đã gây tổn hại nghiêm trọng cho các mối quan hệ giữa Liên hiệp Âu châu với Nga. Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Phát biểu tại Berlin hôm thứ Sáu, ông Tập Cận Bình không lên án mà cũng không ủng hộ hành động của Nga:

"Chính phủ Trung Quốc chấp thuận các nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế là không can thiệp vào công việc nội bộ của một nước có chủ quyền và tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước."

Việc cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych bị lật đổ dẫn đến việc Crimea bị chia cắt đã đẩy Trung Quốc vào một thế khó xử -- theo như nhận định của ông Jonathan Fenby:

"Rõ ràng là không thể trông đợi Trung Quốc có thiện cảm với chế độ mới ở Kiev, là chế độ đã lên cầm quyền từ một cuộc cách mạng và những cuộc biểu tình chống lại một chế độ độc tài."

Ông Fenby nói rằng Trung Quốc cũng cảnh giác với việc đứng về phía Nga, vì họ e rằng làm như vậy có thể khiến cho Washington tăng mạnh hơn nữa việc cân bằng trục xoáy quân sự về phía châu Á.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG