Đường dẫn truy cập

Chủ tịch hội đồng tự quản: Một góc nhìn khác


Cả tuần qua, dư luận cả nước tranh cãi quyết liệt về mô hình trường học mới (VNEN). Tuy nhiên cho đến lúc này, tôi chưa thấy người ta tranh cãi nhiều về nội dung và cơ chế hoạt động của mô hình này. Thậm chí ý kiến tích cực cho nội dung mô hình có phần nhỉn hơn so với các bên phản đối. Điều này phản ánh phần nào tính tích cực và tiến bộ của một mô hình đã được nhiều quốc gia trên thế giới vận dụng. Vấn đề được đưa lên bàn tranh luận nhiều nhất là “chức danh” của các em học sinh trong mô hình, nhất là: Chủ tịch, Phó chủ tịch hay thư ký. Có ít nhất ba vấn đề cần được xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi áp dụng rộng rãi và đại trà mô hình này.

Văn hóa ‘quyền lực’ vẫn còn

Nhiều người cho rằng cụm từ “chủ tịch” hay “phó chủ tịch” là bình thường, chứ không hề đao to búa lớn như đông đảo người nhận định. Họ lập luận “trẻ con không hề ý thức rằng chủ tịch là oai hơn, quyền lực hơn những bạn bè trong lớp”, có chăng là vì người lớn áp đặt còn theo mô hình mới thì các em đều bình đẳng. Tất nhiên, sau hàng loạt câu chuyện “lớp trưởng lạm quyền đánh bạn”, thì không ít người phản đối kịch liệt việc hình thành mô hình các nhà “chủ tịch nhí”. Những lớp học giao tiếp xuyên văn hóa và không ít công trình nghiên cứu đã cho thấy người phương Đông có xu hướng theo mô hình Tam giác thuận (đỉnh nhọn ở trên) trong khi người phương Tây thì ngược lại. Nghĩa là, phương Đông có xu hướng “một người trên vạn người”. Môi trường này kích thích nhiều vào suy nghĩ của các em về vai trò và quyền lực người “có chức vụ”.

Vậy nên, nếu các em chỉ học và sinh sống ở trường học (môi trường đóng) suốt thời gian học thì rõ là mô hình VNEN là một lựa chọn tiến bộ; nhưng vì các em chịu tác động từ nhiều luồng văn hóa và tư tưởng phương Đông theo nhiều kênh khác nhau (ở nhà ba mẹ thường mong muốn con em làm thủ lĩnh; thầy cô thường ưu tiên các em học giỏi và định hướng lớp bầu các em làm quản lý để “làm gương”; ảnh hưởng về vai trò và quyền lực của chức “Chủ tịch” qua phim ảnh phương Đông…). Chúng ta đã quá quen với những câu chuyện thầy cô giáo vẫn chưa thể thôi thiên vị với các em học giỏi. Thậm chí việc đình chỉ học, đuổi học với các em học sinh cá biệt vẫn còn tồn tại. Thế thì chắc gì thầy cô có thể đủ bình đẳng trong việc để các em tự bầu chọn chức vụ cho nhau, ít nhất là vì hiện nay chưa có bất kỳ một cuộc cải cách giáo viên nào? Hay như tình trạng ba mẹ mong muốn cho con phải qua mặt bạn bè (tình trạng học thêm là một minh chứng), nên chắc gì ba mẹ dạy cho con hiểu đúng tinh thần “chủ tịch” theo mô hình mong muốn chuyển tải. Chung quy lại, khi môi trường sư phạm còn chịu ảnh hưởng từ quá nhiều yếu tố và chưa thể cải cách đồng bộ (gia đình, giáo viên, chương trình học…) thì các ý kiến tỏ ra lo lắng rằng “chủ tịch” sinh “lạm quyền” là hoàn toàn có lý.

Nhìn chữ gọi tên chưa hoàn hảo

Việc Viêt Nam học hỏi mô hình tiến bộ từ thế giới hiện đang có vấn đề, như chính giáo dục Việt Nam, chính học “chưa tới nơi tới chốn”. Đơn cử nhất là việc viết đề án. Hiện nay đề án dường như chỉ được “dịch” chứ không phải “biến của người ta thành của mình”. Đây là một hạn chế đang gây tranh cãi gay gắt torng xã hội, và ít nhất cho đến lúc này cái chức danh “chủ tịch”, “phó chủ tịch”, “Hội đồng tự quản” khiến dư luận phân rõ hai chiều tranh cãi ít nhiều cho thấy người đưa ra đề án vẫn chưa thực sự hiểu đúng hoàn toàn tinh thần của mô hình trường học mới tại Mỹ La-tinh. Điều này làm tôi nhớ lại chương trình “Giọng hát Việt”.

Phiên bản gốc tiếng Anh của chương trình khi huấn luyện viên bấm đèn xanh chính là “I want you” (tạm dịch: Tôi muốn có bạn/Tôi cần bạn) vốn mang tính bình đẳng, thậm chí là huấn luyện viên còn “thấp hơn một ít” khi phải mượn đến chữ “cần”. Trong khi đó khi dịch qua tiếng Việt, chương trình dịch thành “tôi chọn bạn” – mang tính trên-dưới. Thầy-trò phương Tây vẫn tôn sư trọng đạo nhưng bình đẳng về học thuật và ứng xử. Còn ở mình vẫn nặng tính phong kiến hơn là bình đẳng trao đổi học thuật, khoa học để phát triển con người. Tôi chưa được xem bản gốc của đề án trường học mới, nhưng nếu việc dịch “President” thành Chủ tịch; hay việc chọn cụm từ “Hội đồng tự quản” khiến người ta liên tưởng đến những thứ đao to búa lớn (ở Việt Nam), thì việc gây tranh cãi là điều hoàn toàn dễ hiểu. Chẳng lẽ tiếng Việt nghèo nàn đến nỗi không có những cụm từ vừa hài hòa, vừa đúng nội dung đề án hay sao?

Phải lấy học sinh làm trọng tâm

Cái hạn chế quan trọng trong việc cải cách giáo dục tại Việt Nam thường rơi vào tình trạng “không nghe học sinh nói, thầy cô chia sẻ, phụ huynh tâm sự”. Thường thì nhiều nhà làm chính sách ban hành đề án dựa trên ý kiến của các giáo sư hay chuyên gia là chủ yếu – những người học cách đây mấy chục năm trong khi môi trường giáo dục, cảm giác ngồi trên lớp, áp lực học tập, mục tiêu học tập đến nay ít nhiều đã có những bước tiến khác.

Trong đề án trường học mới đầy tranh cãi này, tôi vẫn chưa thấy ý kiến của các em học sinh, các thầy cô đã được thí điểm mô hình mới vốn là những người trong cuộc. Cơ quan quản lý cần có nhưng khảo sát về mặt hiệu quả và hạn chế của mô hình này tại các trường thí điểm để giới chuyên gia, thầy cô, gia đình, dư luận có thể nhận định một cách khách quan hơn, từ đó cùng thảo luận để “biến cái của người ta thành cái của mình”.

Phải thí điểm và theo dõi các em trong một thời gian đủ lâu để xem diễn biến và hiệu quả lâu dài trước khi phát động một cuộc cải cách đại trà như những cuộc cải cách trước đây, để rồi hiệu quả vẫn chỉ là những điều xa xỉ mà phụ huynh, thầy cô, các em học sinh vẫn chưa thể nhìn thấy, ngay cả khi họ nằm mơ – một giấc mơ đẹp.

* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Cao Huy Huân

    Sinh trưởng ở Việt Nam và học tập tại Hoa Kỳ. Là một đại diện cho thế hệ sinh ra và lớn lên sau bước ngoặt lịch sử 1975. Luôn theo dõi sao sát những diễn biến xảy ra trong nước và nêu lên cảm nghĩ của một thế hệ hậu bối thông qua blog dưới một lăng kính trong vắt và đa chiều.

VOA Express

XS
SM
MD
LG