Đường dẫn truy cập

Chủ nghĩa đế quốc Tây phương bị lên án tại lễ kỷ niệm hội nghị Bandung


Các nhà lãnh đạo Á châu và Phi châu dự lễ kỷ niệm 60 năm Hội nghị Á Phi ở Bangdung, Indonesia, 24/4/14
Các nhà lãnh đạo Á châu và Phi châu dự lễ kỷ niệm 60 năm Hội nghị Á Phi ở Bangdung, Indonesia, 24/4/14

Tại lễ kỷ niệm 60 năm Hội nghị Á Phi ở Indonesia, các nhà lãnh đạo cực lực bênh vực các nguyên tắc tự quyết chống lại chủ nghĩa đế quốc hiện đại nhưng không hề đề cập đến dân chủ và nhân quyền. Indonesia là nước đầu tiên quy tụ các nhà lãnh đạo từ nhiều quốc gia vừa giành được độc lập tại hội nghị ở Bandung để thảo luận về hòa bình, an ninh và các ván đề kinh tế tập thể. Thông tín viên VOA Brian Padden tường thuật từ Jakarta.

Hôm nay, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đi bộ bên cạnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dọc theo con đường chính của Bandung. Các nhà lãnh đạo của Swaziland, Madagascar, Sierra Leone, Đông Timor, và Zimbabwe cũng tham gia đoàn khác tham dự lễ kỷ niệm hội nghị Á Phi năm 1955 đem lại một tiếng nói thống nhất cho nhiều nước vừa giành được độc lập từ tay các cường quốc thuộc địa Tây phương.

Cũng đi đầu đoàn có cựu tổng thống Indonesia Megawati Sukarnoputri, lãnh tụ chính đảng của Tổng thống Widodo và là ái nữ của cố Tổng thống Sukarno, người đứng ra tổ chức hội nghị năm 1955.

Tại một buổi lễ ở viện bảo tàng Tòa nhà Merdeka, nơi diễn ra hội nghị đầu tiên, Tổng thống Widodo kêu gọi các nhà lãnh đạo từ các quốc gia đang phát triển lặp lại cam kết của họ đối với các nguyên tắc của Bandung đã được thiết lập từ 60 năm trước:

“Chúng ta hãy hồi sinh cuộc đấu tranh Bandung của chúng ta. Chúng ta tiếp tục cuộc đấu tranh của các bậc tiền bối 60 năm trước. Chúng ta phải tăng cường lòng kiên nhẫn và gắng sức hướng tới hòa bình”.

10 nguyên tắc Bandung rút ra được từ hội nghị đầu tiên bảo vệ cho quyền tự quyết của một quốc gia, chống lại sự can thiệp từ bên ngoài vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền, và cổ súy nhân quyền và hòa giải các tranh chấp.

Các nhà lãnh đạo của Zimbabwe, Miến Điện, Ai Cập và Venezuela cũng lên phát biểu. Họ được lựa chọn để đại diện cho các khu vực khác nhau trên thế giới nhưng tất cả họ đều đang chịu các biện pháp chế tài quốc tế vì đàn áp đối lập dân chủ và những tiếng nói bất đồng khác tại quê hương.

Ông Robert Mugabe, tổng thống 91 tuổi của Zimbabwe đả kích Hoa Kỳ và các nước Tây phương mà ông nói là vẫn đang vi phạm chủ quyền của nhiều quốc gia, thông qua quyền lực và các biện pháp trừng phạt tài chánh:

“Nhiều người trong chúng ta ở đây đều có thể xác nhận những vụ tấn công không ngừng vào chủ quyền quốc gia của chúng ta và vào các nền kinh tế của chúng ta bởi các “bố già” khai sinh ra các nghị trình thay đổi chế độ.”

Năm nay, cả Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đều tái tục các biện pháp trừng phạt chống lại các lãnh đạo hàng đầu của chính quyền Zimbabwe. Các biện pháp trừng phạt đã được áp đặt từ năm 2002 vì cuộc bầu cử gian lận và những đàn áp nhân quyền.

Ông Jorge Arreaza, phó tổng thống của Venezuela, người năm nay bị các biện pháp trừng phạt mới của Hoa Kỳ vì các vi phạm nhân quyền và cách đối xử với đối lập chính trị, nói rằng phải chống lại chủ nghĩa đế quốc Mỹ.

Ông nói rằng hôm nay, thách thức chính là liên kết những thành phần bị gạt ra ngoài lề để đối mặt với sự bất công, để chống lại tình trạng không tôn trọng chủ quyền và chống lại chủ nghĩa thực dân mới.

Các lãnh đạo khác cũng đề cập đến những chủ đề chính của hội nghị. Thủ tướng Ai Cập Ibrahim Mahlab lên tiếng ủng hộ độc lập cho người Palestine.

Tổng thống Thein Sein của Myanmar tập trung vào phát triển kinh tế thông qua tăng cường hợp tác.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG