Đường dẫn truy cập

Chính phủ Mỹ ngưng hoạt động sang tuần thứ hai


Thông báo đóng cửa Quảng trường Quốc gia Washington. Phía sau là Trụ sở Quối hội Mỹ.
Thông báo đóng cửa Quảng trường Quốc gia Washington. Phía sau là Trụ sở Quối hội Mỹ.

Giới hạn trần nợ của Mỹ

Giới hạn trần nợ của Mỹ

- Là tổng số tiền mà chính phủ Mỹ có thể vay mượn để làm tròn các nghĩa vụ pháp lý hiện thời.
- Những nghĩa vụ này gồm An sinh xã hội, chương trình bảo hiểm xã hội Medicare, tiền lương quân đội, lãi suất nợ quốc gia, tiền thuế hoàn lại.
- Nâng giới hạn trần nợ không cho phép những khoản cam kết chi tiêu mới.
- Không nâng giới hạn trần nợ sẽ khiến chính phủ mất khả năng thực hiện nghĩa vụ pháp lý
-Từ năm 1960, Quốc hội đã nâng giới hạn trần nợ 78 lần.

Nguồn: Bộ Tài chính Mỹ
Vào lúc vụ đóng cửa từng phần các hoạt động chính phủ tại Hoa Kỳ bước sang tuần lễ thứ nhì, các đảng đối nghịch tại quốc hội dường như đang tỏ ra cứng rắn hơn nữa trong lập trường của họ về vấn đề chi tiêu của liên bang. Vụ giằng co nay đang đe dọa sẽ còn đào sâu thêm cuộc khủng hoảng chính trị trước hạn chót vào trung tuần tháng 10, lúc mà chính phủ Mỹ phải tăng mức trần nợ.

Hoa Kỳ cần tăng mức trần nợ sau khi món nợ quốc gia vượt quá giới hạn 16,7 nghìn tỉ đôla hồi đầu năm nay, thêm một vấn đề khác nữa mà các thành viên của Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ không đồng ý với nhau. Nếu không nâng mức trần nợ trước ngày 17 tháng 10, Hoa Kỳ có thể không thanh toán các món nợ đáo hạn đúng kỳ hạn, lần đầu tiên trong lịch sử.

Giới lãnh đạo chính trị và các kinh tế gia đã cản báo sẽ có những hậu quả tai hại đối với Hoa Kỳ và đối với thế giới, nếu tình huống ấy xảy ra. Nhưng Chủ tịch Hạ viện John Boehner hôm qua ra tỏ dấu cho thấy nguy cơ Hoa Kỳ không trả được nợ đúng kỳ hạn không làm dịu được lập trường của phe Cộng Hòa.

“Tôi không muốn Hoa Kỳ mất khả năng thanh toán nợ, nhưng tôi sẽ không nâng mức trần nợ nếu không có một cuộc đối thoại nghiêm túc về việc giải quyết các vấn đề đã đẩy món nợ quốc gia lên cao.”

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài truyền hình ABC hôm qua, ông Boehner lên án Tổng Thống Obama là đã từ chối, không thảo luận các đề nghị của Đảng Cộng Hòa về cách thức cắt giảm chi tiêu.

“Không có một gia đình hay doanh nghiệp nào ở Mỹ có thể tồn tại với một mức thâm hụt ngân sách lên tới 700 tỉ đôla trong một năm. Đã tới lúc chúng ta phải giải quyết những vấn đề gốc rễ về chi tiêu của chúng ta.”

Tổng Thống Obama lên án ông Boehner và một nhóm nhỏ các nhà lập pháp bảo thủ là tạo ra cuộc khủng hoảng bằng cách ngăn chận cuộc biểu quyết về ngân sách tại Hạ viện, mà ông Obama cho là sẽ chấm dứt vụ đóng cửa chính phủ. Ông Obama nhắc lại ý kiến đó của ông trong trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn AP.

“Tôi sẵn sàng đánh cuộc là có đủ phiếu bầu tại Hạ viện ngay trong lúc này để bảo đảm Hoa Kỳ không bị đẩy vào tình trạng không thanh toán được nợ.”

Hồi tuần trước, Tổng Thống Obama đã nhắc nhở công chúng Mỹ rằng các cuộc giằng co chính trị cách đây hai năm về vấn đề nợ quốc gia đã khiến cho Cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poors, lần đầu tiên trong lịch sử, hạ mức tin cậy về tín dụng của Hoa Kỳ. Ông nói quốc hội không thể từ chối, không chuẩn y việc trả những món tiền đã chi tiêu.

“Tôi sẽ không thương lượng về trách nhiệm của quốc hội để trả những hóa đơn đã tích lũy. Tôi sẽ không cho phép bất cứ ai bôi bẩn uy tín của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, chỉ để chống lại một cuộc bầu cử đã có kết quả, hay để khai thác những đòi hỏi về ý thức hệ.”

Các vụ tranh cãi về ngân sách thường xuyên xảy ra giữa các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa kiểm soát Hạ Viện, và các nhà lập pháp của Đảng Dân Chủ chiếm đa số tại Thượng viện. Từ năm 2010, khi Đảng Dân Chủ mất thế đa số tại Hạ viện, các chính đảng chưa hề đồng thuận về một ngân sách thường niên, nhưng đã thông qua một số biện pháp tạm thời, gia hạn ngân sách thêm vài tháng mỗi lần. Tổng Thống Obama nói cách “cai trị theo lối đi từ cuộc khủng hoảng này sang cuộc khủng hoảng khác” như thế, không có lợi cho nền kinh tế Mỹ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG