Đường dẫn truy cập

Chìm xuồng vụ giết ngư dân Bảy: Dàn lãnh đạo mới ‘đối ngoại’ ra sao?


Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Tết nguyên đán 2016. Các phòng khách bóng lộn ở Hà Nội ầm ỹ tiếng chúc tụng “Đại hội XII thành công rực rỡ” cùng những chức vụ béo bở được phân chia lại trên bàn cờ kim tiền. Còn nơi gió cát mặn khô vì nước mắt, người đàn bà ôm con ngóng chồng, trải mắt vô hồn vào lòng biển vẫn mãi từ chiều này sang chiều khác…

Dạ tiệc chìm xuồng

Sau trận bể dâu tranh đoạt cùng cơn đau thốn xung đột lục phủ ngũ tạng, tổng bí thư mới cùng Bộ Chính trị của ông sẽ “đối ngoại” ra sao?

Đáp từ cho người dân trong nước, giới quan sát và báo chí quốc tế lập tức hiện hình: những quan chức giành chiến thắng hớn hở mở dạ tiệc sau Đại hội XII của đảng cầm quyền không chỉ quên bẵng hình ảnh lật ngửa u uất của Cụ Rùa Hồ Gươm, mà còn như phủi tay với cái chết oan khuất trước đó của ngư dân Trương Đình Bảy - bị giết bởi “tàu lạ”.

Tiếp Tống Đào, đặc sứ của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngay sau Đại hội XII, người “bất ngờ” quá hồn nhiên trước việc được tái cử vào chức vụ tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam nói rằng Hà Nội sẽ hợp tác với Bắc Kinh để thúc đẩy “tư tưởng xã hội chủ nghĩa và duy trì hòa bình và thịnh vượng ở khu vực”.

Một lần nữa, tổng bí thư mới được tái bầu lại tuyên bố Việt Nam “sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc để củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” giữa hai bên.

Người đứng đầu đảng cầm quyền ở Việt Nam còn bày tỏ sự “biết ơn chân thành” tới ông Tập, và nói rằng Việt Nam “sẵn sàng làm việc với Trung Quốc để củng cố mối quan hệ truyền thống”.

Bữa tiệc máu người

“Mối quan hệ truyền thống” tiếp tục được hiện thực hóa bằng Biển Đông đổ máu và máy bay Trung Quốc quần đảo ngay trên vùng trời Sài Gòn.

Tháng 11/2015, chỉ hai tuần sau vụ một tàu Trung Quốc chĩa súng AK vào tàu hải quân Việt Nam, một ngư dân Việt đã bị “tàu lạ” bắn chết ở khu vực Trường Sa. Hai vụ việc này lại xảy ra ngay sau chuyến đi thăm đầy bất trắc của Tập Cận Bình tại Hà Nội.

Một khả năng rất lớn là những kẻ trên “tàu lạ” gây ra cái chết của ngư dân Trương Đình Bảy vào ngày 28/11 chính là người Trung Quốc, cho dù một tờ báo nhà nước đã mau mắn đưa tin rằng ngư dân Việt nhận thấy những người lạ mặc quần áo giống người Philippines.

Nhưng báo nhà nước vẫn chỉ được đưa theo tin của những cơ quan thông tấn quốc gia như Thông tấn xã Việt Nam, Nhân dân hay Quân đội nhân dân. Và lẽ đương nhiên trên những cơ quan ngôn luận của đảng này, hiếm khi từ “Trung Quốc” được dùng để chỉ đích danh “tàu lạ”.

Song một chính quyền khác - Đà Nẵng - lại phát hiện ra bằng chứng đầu tiên: “tàu lạ” bắn giết ngư dân Việt treo cờ Trung Quốc.

Còn người dân lại thừa hiểu rằng sau hiệp ước “đối tác chiến lược” giữa Việt Nam và Philippines vào tháng 10/2015, một thủ đoạn không thể loại trừ là phía Trung Quốc cho quân mặc giả người Phi để gây chia rẽ giữa Việt Nam và Philippines.

“Quan hệ” Việt - Trung đang tăng tốc thấy rõ. Nếu trước đây, tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc chỉ dừng ở mức độ áp sát, ngăn cản, hoặc tấn công đánh đập ngư dân Việt, húc lật thuyền Việt… chứ không trực tiếp bắn thẳng vào ngư dân Việt, thì đến tháng 11/2015, hành vi “đám người lạ” nhảy thẳng sang tàu cá Việt Nam để bắn chết người là chưa từng thấy.

Tháng 11/2015 lại là một thời gian xáo trộn trong quan hệ Trung - Việt. Được khai hội bằng chuyến phủ dụ của Tập Cận Bình ngay trong hội trường Quốc hội Việt Nam, nhưng lại kết thúc bằng bữa tiệc máu người mà đám “thủy thủ” rất có thể mang quốc tịch Bắc Kinh đã tặng cho Hà Nội.

Cái chết của ngư dân Trương Đình Bảy còn tiếp thêm một lời tố cáo đẫm máu đối với những kẻ đã ra lệnh cho các lực lượng công an và thanh niên xung phong đánh đập, đàn áp dã man các công dân biểu tình phản đối Tập Cận Bình ở Sài Gòn vào đầu tháng 11/2015.

Nước mắt vẫn chảy ngược

Giờ đây, hơn 2 tháng sau khi ngư dân Trương Đình Bảy bị giết trên biển, các cơ quan chức năng Việt Nam vẫn không công bố được bất kỳ manh mối nào về kẻ thủ ác, vẫn cấm khẩu đến mức đáy lương tâm.

Cái chết đầy oan khuất ấy đang có nguy cơ bị “chìm xuồng”. Khi nước mắt người thân và ngư dân phải nuốt vào lòng, lại một lần nữa hải quân và cảnh sát biển Việt Nam như buông xuôi tất cả.

Tổng bí thư Trọng cùng Bộ Chính trị mới sẽ “cân bằng lợi ích với Trung Quốc” thế nào đây?

Hơn hai tháng qua, mọi hứa hẹn “sẽ điều tra làm rõ” của chính quyền về cái chết không hiểu tại sao chết của ngư dân Bảy đều theo gió tốc ngược về phương Bắc.

Những hứa hẹn “cho ngư dân vay tiền đóng tàu sắt” từ giữa năm 2014 cũng trôi ngược lên Trung Nam Hải. Bị giới ngân hàng chỉ biết “còn đảng còn tiền” bày ra vài chục loại thủ tục và ngâm hồ sơ đến cả năm trời, chỉ có khoảng 10% ngư dân được giải ngân. Nhiều người đã phải nuốt giận rút hồ sơ vay vốn.

Một năm rưỡi đã bặt tăm từ vụ giàn khoan Hải Dương 981, nhưng hồ sơ “kiện Trung Quốc” ra tòa án quốc tế vẫn bị giới lãnh đạo Việt Nam khóa chặt trong ngăn kéo. Hoàn toàn ngược với thái độ quá nhu nhược ấy, chính quyền Philippines đã chẳng hề ngần ngại bắt giam và xử án nhiều ngư dân Trung Quốc xâm phạm lãnh hải nước này vào năm 2014, sau đó tiến hành một vụ kiện thành công đối với “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh tại tòa quốc tế vào năm 2015.

Vậy thì làm thế nào để tổng bí thư và các thuộc cấp mới lẫn cũ của ông ta khỏi bị mang tiếng là “Lê Chiêu Thống” hay “thân Tàu”, khi mọi hứa hẹn cho ngư dân và người dân Việt chỉ như “đến cuối thế kỷ này không biết có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay không”?

*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Phạm Chí Dũng

    Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh 'Anh hùng thông tin'. Các bài viết của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG