Đường dẫn truy cập

Chiến tranh biên giới - 33 năm trước


Chiến tranh biên giới - 33 năm trước
Chiến tranh biên giới - 33 năm trước

Đúng 33 năm trước, ngày 17-2-1979, chiến tranh nổ ra trên biên giới 6 tỉnh phía Bắc nước ta. Năm nay, trong nước không có bài báo nào nhắc nhở bài học lịch sử chống bành trướng Trung Quốc, cũng không có tưởng niệm, thăm viếng nghĩa trang các liệt sỹ đã hy sinh.

Dạo ấy, hai cuộc chiến tranh biên giới, một ở biên giới Tây Nam giáp Campuchia, một ở biên giới phía Bắc, gắn bó chặt chẽ với nhau và đều do Bắc Kinh dạo diễn nhằm thôn tính và nô dịch nước ta, thực hiện mục tiêu chiến lược bành trướng xuống phương Nam.

Cần chỉ rõ dã tâm của thế lực bành trướng Bắc Kinh dùng nhóm Khmer đỏ Pol Pot ngay từ khi nhóm này chiếm Phnom Penh vào tháng 4-1975, gây nên phong trào tàn sát người Việt (cáp Duôn) rất man rợ, và thực hiện những cuộc lấn chiếm biên giới liên tiếp ở phía Tây Nam nước ta. Chiến sự biên giới gia tăng cường độ từ năm 1975 đến cuối năm 1978, theo nhịp độ Trung Quốc viện trợ vũ khí quy mô lớn gồm súng đạn, mìn, cối, pháo, tàu thuyền, máy bay và huấn luyện cho quân đội Pol Pot.

Tuần lễ cuối cùng năm 1978, khi quân đội nhân dân Việt Nam đánh thẳng vào Pnom Penh, cả 8.000 cố vấn và chuyên gia quân sự Trung Quốc vội bỏ chạy sang Thái Lan. Lúc ấy, sỹ quan Trung Quốc hầu như là người nước ngoài duy nhất có mặt ở Campuchia, ngài con số hơn một trăm chuyên gia thủy lợi Bắc Triều Tiên, còn lại là nhân viên ngoại giao của 5 sứ quán Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Lào, Rumania và Nam Tư. Sứ quán Trung Quốc to lớn, bề thế bao nhiêu - gồm 282 người - thì 4 sứ quán còn lại lèo tèo chỉ dăm ba người.

Những tài liệu của phe Pol Pot để lại chưa kịp hủy cho thấy 1 bản Hiệp định quân sự giữa 2 bộ tổng tham mưu về viện trợ quân sự của Trung Quốc cho Campuchia trong 2 năm 1978 và 1979, gồm hàng trăm hạng mục, từ áo quần, trang phục đến súng đạn cho bộ binh, pháo binh, lựu đạn, bom, mìn, máy ra-đa, truyền tin, máy bay các loại, tàu tuần tiễu... Cố vấn Trung Quốc trước đó đều có mặt ở 18 sư đoàn bộ binh của Pol Pot để kềm cặp và chỉ huy.

Tập san “Cờ đỏ” của Pol Pot trong khi ca ngợi Mao hết lời, bình luận rằng lúc này là thời cơ tốt nhất để đánh bại Việt Nam, vì Việt Nam đang đói to, hỗn loạn do chiến tranh mới chấm dứt, nhất là theo Nga Xô, phản bội Trung Quốc, ắt sẽ bị trừng phạt rất nặng. Campuchia sẽ nhân dịp này giành lại đất của mình ở đồng bằng sông Cửu Long.

Cái nham hiểm của Đặng Tiểu Bình thật rõ ràng. Sự tàn bạo của Đặng cũng không có giới hạn. Đặng đã cho bộ hạ là Trần Vĩnh Quý – phó thủ tướng - và Đặng Dĩnh Siêu - phó chủ tịch nước, lần lượt sang tận Phnom Penh, ca ngợi cuộc cách mạng triệt để của chế độ này. Đó là xóa bỏ mọi vết tích của văn hóa tư sản bóc lột, đốt hết sách vở, hỏa thiêu thư viện quốc gia, xóa tiền tệ, ngân hàng, trường học, bệnh viện, đuổi hết dân về nông thôn làm ruộng, nêu cao khẩu hiệu “ có lúa là có tất cả”, dùng gậy gộc cuốc xẻng đập chết mọi kẻ chống đối, không bắn để khỏi phí đạn.

Cái ác của Đặng về sau thể hiện càng rõ trong đêm 4 tháng 6 năm 1989 khi nhân danh bí thư Quân ủy trung ương, Đặng trực tiếp ra lệnh cho 2 lữ đoàn xe tăng xông vào quảng trường Thiên An Môn, chà xích sắt lên hàng ngàn nam nữ sinh viên không vũ trang đòi tự do, trong đó có thanh niên trí thức vô danh tay cầm túi sách đứng trước đoàn xe tăng, được chụp ảnh và được báo Hoa Kỳ The New York Times coi là Nhân vật năm 1989, và cũng là Nhân vật Thế kỷ XX.

Về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nước ta, Đặng Tiểu Bình là kẻ đề ra chủ trương và đích thân chỉ đạo từng bước. Tháng 1- 1979, đang ở thăm Hoa Kỳ, Đặng đã tuyên bố rằng “bè lũ côn đồ Việt Nam” đã hiếp đáp nước nhỏ Campuchia và Trung Quốc “có trách nhiệm dạy cho chúng một bài học.” Khi về nước chính Đặng phát biểu khi giao nhiệm vụ cho 2 tướng Hứa Thế Hữu và Dương Đắc Chí rằng đây là đòn trừng phạt cho nên phải đánh mạnh, giáng thẳng tay, tuy rằng hạn chế trong không gian và thời gian.

Đặng giải thích cuộc chiến tuy nhỏ nhưng nhằm 5 mục tiêu rất lớn, đó là: trừng phạt Việt Nam, đe dọa Liên Xô, kết than với Hoa Kỳ, cứu nguy Khmer đỏ và hiện đại hóa quân đội Trung Quốc.

Trận đánh khởi đầu sáng 17-2-1979, đến ngày 16-3 Đặng ra lệnh lui quân, với phương châm 4 chữ “cách sát vật luận”, nghĩa là giết sạch không chút đắn đo phân vân. 30 vạn quân Tàu đang bị mắc kẹt trong núi rừng lạ lẫm bị bao vây, chia cắt, tiêu hao, lo sợ…sung sướng được lệnh lui binh. Theo lệnh trên chúng lao vào tội ác như điên dại.

Có thể khẳng định suốt mấy chục năm chiến tranh trên đất nước ta, chưa bao giờ và chưa ở đâu có cảnh giết người man rợ và phá hủy tài sản điên loạn như tại 6 tỉnh biên giới những ngày tháng 2 và tháng 3 năm 1979. Khói bom đạn chưa tan, chúng tôi lên Lạng Sơn, qua Đồng Đăng, lên Đông Khê, rồi Cao Bằng, một cảnh phá hoại triệt để vừa diễn ra. Chúng tôi lên Hà Giang rồi sang Quảng Ninh, đều thấy như vậy.

Đường sắt từng quãng ngắn bị đặt bộc phá cắt đứt. Dinh thự đổ nát tận nền móng. Nhà trẻ bị phá hủy đến từng chiếc nôi cũng bị chặt từng mảnh. Nhà trường, bàn ghế, bảng đen đều chẻ nát thành đống củi. Xí nghiệp thổ cẩm mấy trăm máy dệt không một máy nào còn nguyên. Mỗi gia đình cùng chung số phận. Bàn ghế giường tủ tanh bành. Áo quần, sách vở ra tro. Nồi niêu, soong chảo, bát đĩa bị đâm thủng, đập vỡ. Nghĩa là sự phá hủy có hệ thống mọi phương tiện của đời sống…Tất cả thúng mủng, thùng, chậu, lu, vại, chai, hũ…để đựng gạo, đậu, ngô, nước đều bị đập nát, chọc thủng, tan tành. Chúng vứt chuột, gà, vịt chết cho đến xác người xuống giếng nước trong, hồ ao, bể đựng nước ăn, làm cho cuộc sống thêm bội phần kinh khủng.

Nhưng kinh hoàng hơn cả là chúng kéo phụ nữ, từ bà già đến em bé 12, 13 tuổi vào hang, thay nhau hãm hiếp rồi bắn chết, vứt xác xuống vực thẳm, giếng khơi hòng phi tang. Đây là bộ mặt thú vật nhất của cái gọi là quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc của những Đặng Tiểu Bình, Hứa Thế Hữu, Dương Đắc Chí…rất nên trưng ra tại Bảo tàng quân đội ở Bắc Kinh.

Bộ Chính trị Đảng CS Việt Nam các khóa VII, VIII, IX, X, XI bị bùa mê thuốc lú ở Thành Đô – Trung Quốc (tháng 9-1991) làm cho mê muội rất nên xem kỹ lại những đoạn phim về các cảnh trên đây do các tổ làm phim phóng sự ghi lại, và ngẫm nghị về 16 chữ vàng mà họ cứ ôm giữ mãi.

Chính trong không khí kinh hoàng sôi sục căm thù uất hận nói trên mà Quốc hội họp tháng 12-1980 đã ghi trong Lời nói đầu bản Hiến Pháp năm 1980 câu sau đây: “ Vừa trải qua 30 năm chiến tranh giải phóng, đồng bào ta thiết tha mong muốn có hòa bình để xây dựng Tổ quốc nhưng lại phải đương đầu với bọn bá quyền Trung Quốc xâm lược cùng bè lũ tay sai của chúng ở Campuchia. Phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, quân và dân ta đã giành được thắng lợi oanh liệt trong 2 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chống bọn phản động Campuchia ở biên giới Tây Nam và chống bọn bá quyền Trung Quốc ở biên giới phía Bắc, bảo vệ độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình”.

Theo yêu cầu của phía Trung Quốc tại Thành Đô, cả đoạn trên đã biến mất trong bản Hiến pháp năm 1992. Nhưng làm sao họ xóa được những tội ác rõ ràng trên đây.

Về chiến công của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu chống Trung Quốc và bọn tay sai diệt chủng của chúng ở Campuchia, không gì bằng là dẫn ra lời thú nhận của chính Đặng Tiểu Bình hồi ấy. Đặng cay đắng thú nhận quân Trung Quốc đã bị thua thiệt khi rút chạy nặng hơn là khi tiến vào đất đối phương. Rằng phía Trung Quốc không dám dùng một chiếc máy bay hay trực thăng nào, dù rằng có hàng ngàn máy bay đủ loại. Rằng bộ binh không có sức đột phá, không biết đánh hợp đồng binh chủng, lạc hậu tột cùng khi xung phong theo tiếng kèn thổi. Do đó đưa bao nhiêu xe tăng vào cũng bị diệt; tuy mới chỉ đọ sức với chủ lực của quân khu Việt Bắc, của bộ đội địa phương các tỉnh, với dân quân du kích các xã thôn mà đã chịu thương vong nặng nề, không thể ở lâu hơn, sau 2 tuần lễ đã phải tính chuyện bỏ chạy.

Đặng đã tỏ ra khôn ngoan, phê bình nặng nề Hứa Thế Hữu và Dương Đắc Chí, thú nhận sự yếu kém toàn diện của quân giải phóng với mục đích là đòi tăng ngân sách quốc phòng trên quy mô lớn, đề cao sự cấp bách của phương châm 4 hiện đại hóa, trong đó cần ưu tiên cho hiện đaị hóa quốc phòng, cấp bách nhất là bộ binh, tiếp đó là phát triển hải quân cực kỳ trọng yếu nhưng còn rất yếu kém, trong khi không quân, tên lửa và thông tin quân sự đều còn ở xa mức hiện đại, tiên tiến.

Sau 33 năm cuộc chiến tranh biên giới, thế và lực quốc phòng của Trung Quốc vẫn ở trong trạng thái “ lực bất tòng tâm “. Chỗ yếu chí mạng vẫn là kỹ thuật quân sự còn có quá nhiều lỗ hổng và bất cập. Mới đây, Tập Cận Bình khi gặp Tổng thống Barack Obama cũng chỉ mong phía Hoa Kỳ nới lỏng một số phong tỏa kỹ thuật. Không thì Trung Quốc không có lối thoát.

Dư luận thế giới hầu như nhất trí cho rằng đường lối 4 hiện đại hóa của Đặng xét cho kỹ chỉ là con đường tự sát, vì kinh tế bắt đầu khó khăn, chạy đua vũ trang mù quáng, dốc tiền của vào chiếc thùng không đáy sẽ lắp lại con đường của Liên Xô thời Brezhnev, tự mình ghè vào chân mình, khi mức sống của dân Trung Quốc vẫn đang ở vào hàng thứ 97 của thế giới.

Nhân dịp này những chiếc loa rè ở Bắc Kinh ba hoa về sức mạnh Trung Quốc, đe dọa sẽ cho “bọn Việt Nam vô ơn” một bài học nữa, sẽ nghiền nát Việt Nam, sẽ chiếm Việt Nam trong 11 ngày…Thật ra đây chỉ là những tiếng la toáng lên để tự trấn tĩnh của những kẻ yếu bóng vía sợ ma.

Bài học 33 năm trước ở cả 2 đầu biên giới cho bọn xâm lược bành trướng vẫn còn nguyên giá trị.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Bùi Tín

    Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG