Đường dẫn truy cập

Chính phủ Mỹ cấp giấy nhập cảnh để... gỡ cua


Khoảng 66 ngàn công nhân vẫn đến Hoa Kỳ làm việc hợp pháp theo mùa với loại visa H2B hàng năm
Khoảng 66 ngàn công nhân vẫn đến Hoa Kỳ làm việc hợp pháp theo mùa với loại visa H2B hàng năm

Mùa hè cũng là khoảng thời gian mà loại cua xanh (blue crab) sinh sôi rất nhiều trong vịnh Chesapeake thuộc bang Maryland. Thịt của loại cua này rất ngọt và được chế biến thành nhiều món ăn khoái khẩu thu hút được khách hàng cho nhiều tiệm ăn trong vùng cũng như tạo được công ăn việc làm cho những người dân ở xứ khác đến đây theo mùa chỉ để làm công việc gỡ thịt cua rất tốn nhân công nhưng người dân địa phương lại không muốn làm. Mời quí vị nghe những chi tiết về những lao động nhập cư theo mùa để gỡ cua và nhân tiện thưởng thức... hàm thụ một vài món Mỹ, Việt ngon lành được chế biến từ thịt cua xanh trong vùng với Lan Phương trong Câu Chuyện Nước Mỹ tuần này.

Mexico, quốc gia sát cạnh nước Mỹ, cũng là nơi mà từ đó một số công nhân vẫn đến Hoa Kỳ để làm việc hợp pháp theo mùa với loại visa H2B. Chương trình cấp loại visa này do chính phủ liên bang điều hành mỗi năm giúp cho 66 ngàn công nhân ở các nước nghèo muốn đến Mỹ kiếm đồng lương tối thiểu, làm những công việc không thuộc lãnh vực nông nghiệp. Nếu không có những công nhân như vậy thì các chủ hãng có lẽ đành phải đóng cửa vì người Mỹ thường chê, không làm, vì đấy là những công việc trả đồng lương thấp, việc làm chỉ có theo mùa và thường vất vả, nhàm chán. Trong số 66 ngàn visa loại này được cấp hàng năm, có chừng 1 ngàn nữ công nhân đến từ Mexico, dùng xe buýt lên phương bắc đến bang Maryland trong vùng vịnh Chesapeake để nhận làm những công việc trong ngành hải sản.

Cô Raquel Trejo Rubio, 28 tuổi, từ Mexico đến, làm một công việc mà ít người Mỹ nào muốn làm: đó là gỡ thịt cua.

Cô nói cô đến đây vì ở Mexico không có việc làm nên tiền bạc cũng chẳng có và cô có một con gái phải nuôi.

Công ty thuê mướn cô là G.W. Hall & Son, một công ty cung cấp hải sản quan trọng tại bang Maryland. Vào giờ làm việc cô ngồi tại một cái bàn dài, trên đó xếp cả chồng cua cao ngất, vừa đem về sáng nay, được đem luộc và sẵn sàng để cho cô gỡ lấy thịt.

Cô làm việc 8 tiếng mỗi ngày, đồng lương là 7 đô la 25 cents một giờ, đôi khi được hơn nếu gỡ nhanh tay. Bất chấp có thể bị trầy sước tay vì vỏ cua cứng và sắc, cô Trejo cứ thoăn thoắt gỡ từng con xong ném vỏ cua vào những thùng rác đặt ở gần. Cô nói về công việc này như sau :

"Công việc chẳng có gì khó, làm mãi quen tay thôi. Điều khó cho cô là phải sống xa con gái mới 10 tuổi nhiều tháng trong một năm."

Trước đây công ty G.W. Hall & Sons từng thuê mướn các công nhân Mỹ. Nhưng thời đó đã qua rồi. Công ty cho biết công việc chỉ làm theo mùa không đủ hấp dẫn với người Mỹ. Vì vậy chủ công ty, ông Brian Hall nói rằng ông làm tất cả những gì có thể làm để cho các công nhân người Mexico này được vui lòng.

Ông nói: "Chúng tôi có xe đưa đón họ đi làm. Họ có chỗ ở, có truyền hình vệ tinh xem đủ mọi đài, có máy lạnh, bất cứ thứ gì mà họ muốn là chúng tôi cung ứng cho họ. 90% công việc của chúng tôi là gỡ cua, và nếu không có mấy cô công nhân như thế này thì không những chỉ mình tôi mà tất cả những hãng cung cấp hải sản quanh đây cũng phải dẹp tiệm từ lâu rồi."

Cô Trejo thuê một căn nhà 3 phòng ngủ của công ty cho mướn cùng với mấy chị em đồng nghiệp làm chung hãng. Cô giải thích tại sao lại sẵn sàng ở đây 8- 9 tháng mỗi năm.

Cô cho biết tại Mexico cô kiếm được 1400 peso mỗi 2 tuần (khoảng 110 đô la). Ở đây cô kiếm được số tiền đó trong vòng 3 ngày!

Mặc dù với điều kiện tương đối tốt đẹp như thế, lại có phúc trình mới nói rằng những công nhân làm loại công việc như cô Trejo bị chủ nhân bóc lột. Phúc trình này, căn cứ trên các cuộc phỏng vấn với 40 người trước đây từng là công nhân tại các xưởng gỡ cua, đã được Trường Luật của đại học American University ở Washington và Trung tâm Bênh vực Quyền của Di Dân, công bố.

Công nhân gỡ thịt cua Elisa Martinez Tovar thuật lại câu chuyện của cô tại một cuộc họp báo diễn ra cùng một lúc khi bản phúc trình được công bố.

Cô nói: "Nếu không biết gì về quốc gia này thì người ta nghĩ chuyện gì cũng đẹp cả, nhưng một khi đến đây rồi thì thực tế lại là một chuyện khác."

Theo cô Martinez thì cô đã bị một loạt những vụ bóc lột, từ người trung gian bất lương đến nhà ở có chuột và ngày giờ làm việc không đủ.

Khi đụng với thực tế như vậy, cô muốn đi hãng khác làm thì chủ nói rằng cô đến đây để làm cho ông ta chứ không được đi sang hãng khác. Ông ta nói rằng ông đã phải trả 1000 đô la phí khoản để thuê mướn cô thì cô buộc phải ở lại đây làm. Chủ hăm rằng nếu tìm cách đổi sang hãng khác, cô sẽ bị trục xuất (đây là lời hăm dọa không đúng với sự thực).

Những cáo buộc này khiến ông Brian Hall chủ nhân công ty hải sản G.W. Hall & Sons Seafood quan ngại:

"Bất cứ ai đối xử với những nữ công nhân này tệ như vậy cần phải bị loại bỏ khỏi chương trình H2B. Con sâu làm rầu nồi canh và nó làm tôi xấu lây, tôi không muốn chuyện như thế xảy ra."

Ông Bill Sieling, giám đốc chấp hành Hiệp Hội ngành Hải Sản vùng Vịnh Chesapeake cũng đặt nghi vấn về những gì mà bản phúc trình nêu lên:

Ông nói: "Chúng tôi không có một ý niệm gì về những điều mà bản phúc trình nêu ra. Và rất nhiều điểm trong đó không chính xác. Chắc chắn là với tiêu chuẩn của chúng tôi và những điều kiện của thời buổi bây giờ, phần lớn bản phúc trình không phản ánh đúng sự thực."

Theo tác giả chính của bản phúc trình, ông Jayesh Rathod, một phó giáo sư luật tại đại học American University, thì phúc trình này kêu gọi cải tổ cung cách tuyển mộ công nhân tại Mexico sang làm tại Mỹ, và cải thiện điều kiện làm việc tại Hoa Kỳ, chứ không đòi dẹp bỏ chương trình cấp loại visa được rất nhiều người ủng hộ.

Ông cho biết: "Những nữ công nhân này nói với chúng tôi rằng chương trình làm việc này vô cùng quan trọng cho sinh kế của họ. Nó giúp tạo được một sự khác biệt to lớn cho đời sống và việc học của con cái họ. Họ không muốn chương trình cấp visa làm việc loại này bị dẹp bỏ. Họ chỉ muốn bảo đảm là họ có được sự linh động và quyền thay đổi công việc để kiếm đủ tiền qua chương trình này để không phải trở về Mexico mà vẫn còn mắc nợ."

Quay trở lại trường hợp của cô Trejo, đó chính là điều mà cô muốn. Cô đã kiếm đủ tiền và mở một cửa hàng nhỏ ở Mexico rồi, nhưng phải đợi cho đến khi cơ sở kinh doanh lớn mạnh, có thể giúp gia đình cô sống thoải mái và bảo đảm cho tương lai tốt đẹp hơn cho con gái cô; còn bây giờ, hằng năm cô vẫn phải trở lại Mỹ làm công việc gỡ thịt cua 8-9 tháng một năm.

Và thịt cua xanh được gỡ từ những bàn tay của các nữ công nhân này đã giúp cho nhiều nhà hàng trong bang Maryland, thủ đô Washington và bang Virginia cung ứng những món ăn rất ngon miệng cho thực khách.

Nổi tiếng là nhà hàng G & M tại Linthicum, bang Maryland, với món chả cua (crab cake). Theo như người làm việc tại nhà hàng này cho biết thì mỗi ngày nhà hàng đón tiếp cả ngàn thực khách. Bà Quỳnh Phạm, một khách hàng thường đến thưởng thức món ăn này, cho biết về mùa cua xanh năm nay trong vùng vịnh Chesapeake, bang Maryland:

"Năm nay được mùa cua. Cũng một hang cua, năm ngoái người ta chỉ bắt được 1 con, năm nay kiếm được đến 7 con. nhiều như vậy nên giá cua ngoài chợ năm nay hạ xuống nhiều. Người ta nói là cua năm nay ngon hơn năm ngoái, nó chắc hơn, mà vị của nó cũng ngon hơn nữa. Ra chợ thấy người ta mua rất nhiều."

Những món khác chế biến từ cua của người Mỹ phải kể đến món súp cua, tôm nhồi cua, cua lột chiên v..v..

Nhưng những món ăn của người Việt, như món chả giò cua và miến xào cua dưới tay những bà nội trợ đảm đang theo đúng lối nấu ăn cổ truyền của miền bắc, hay món cua rang muối của miền nam mà được đưa vào những nhà hàng Mỹ giới thiệu thì có lẽ chẳng mấy chốc món chả cua crab cake lừng danh trong vùng vịnh Chesapeake sẽ phải đương đầu với các đối thủ hết sức nặng ký, phải không, thưa quí vị?

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG