Đường dẫn truy cập

Châu Âu chấp thuận dự luật về sự minh bạch của ngành khai khoáng


Theo tin của Global Witness trị giá xuất khẩu dầu và khoáng sản của châu Phi lên đến khoảng 393 tỉ đôla, gần gấp 9 lần ngoại viện, chỉ có 44 tỉ đôla. Nếu được sử dụng đúng mức số tiền này có thể giúp hàng triệu người dân thoát tình trạng nghèo khó
Theo tin của Global Witness trị giá xuất khẩu dầu và khoáng sản của châu Phi lên đến khoảng 393 tỉ đôla, gần gấp 9 lần ngoại viện, chỉ có 44 tỉ đôla. Nếu được sử dụng đúng mức số tiền này có thể giúp hàng triệu người dân thoát tình trạng nghèo khó
Châu Âu đã tiến một bước gần hơn đến việc kiềm chế nạn tham nhũng trong ngành công nghiệp khai khoáng ở các nước đang phát triển. Một ủy ban của Nghị viện châu Âu đã chấp thuận một dự luật được đề xuất mà theo đó sẽ buộc các công ty châu Âu công bố các khoản thanh toán mà họ chi trả cho chính phủ các nước. Dự luật này cũng tương tự như một bộ luật vừa trở nên có hiệu lực ở Mỹ.

Tổ chức giám sát Global Witness cho biết nhiều nước đang phát triển đang phải chịu đựng cái gọi là "lời nguyền tài nguyên". Mặc dù sở hữu rất nhiều dầu khí, gỗ hoặc khoáng sản, người dân những nước này ít khi hưởng lợi từ việc đào tài nguyên đem bán.

Ông Brendan O'Donnell, trưởng nhóm chiến dịch vận động trong lĩnh vực khai thác dầu thuộc tổ chức Global Witness, nói rằng dự luật này sẽ khiến ngành công nghiệp khai khoáng minh bạch hơn.

“Đây là bước tiến quan trọng đầu tiên trong việc đạt được một bộ luật của châu Âu mà theo đó người dân có thể biết được các công ty khai khoáng trả bao nhiêu tiền cho chính phủ [các nước đang phát triển] để đào lấy nguồn tài nguyên thiên nhiên ở nước họ.”

Bộ luật này tương tự như một bộ luật vừa đi vào hiệu lực tại Mỹ hồi tháng Tám rồi. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch cổ phiếu của Mỹ đã công bố những quy định mới trong khuôn khổ Cải cách Phố Wall của Dodd-Frank và Đạo luật Bảo vệ người tiêu dùng. Ông O’Donnell nói thêm:

“Các công ty khai khoáng sẽ phải báo cáo hàng năm là đã trả bao nhiêu tiền trên biểu liệt kê những giao dịch chứng khoán của mình, và phải báo cáo chính xác đã trả bao nhiêu tiền cho chính phủ các nước để khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên như dầu, khí đốt và khoáng chất trên cơ sở từng dự án một. Điều này rất quan trọng bởi vì nhìn vào dự án mới biết được họ thỏa thuận với nhau thế nào. Có như vậy người dân mới có thể theo dõi được các khoản thanh toán ở cấp độ đó.”

Ông O'Donnell cho biết khi các số liệu tài chính được gộp lại với nhau thì rất khó để "lần theo vết tiền" và khó xác định được bao nhiêu tiền đã được đổ vào các chương trình xã hội, y tế và giáo dục chẳng hạn. Ông cho biết:

“Tính minh bạch của các công ty hiện giờ không giống nhau. Rất, rất ít công ty báo cáo cụ thể như vừa nói. Cũng có những công ty làm như vậy, nhưng nhìn chung thì việc đó không bắt buộc. Không có quy định buộc phải làm thế.”

Ông cho rằng rất khó đưa ra một con số cụ thể về những khoản tiền lời của ngành công nghiệp khai thác, nhưng ông mô tả con số này là rất lớn.

“Dầu mỏ, khí đốt và khoáng chất của châu Phi trị giá khoảng 7 lần trị giá viện trợ quốc tế dành cho châu lục này trong năm 2010. Thế nên bạn thử nghĩ xem nếu người dân châu Phi huy động được ngần ấy tiền và đảm bảo số tiền đó được chi vào việc xây dựng trường học, bệnh viện, cơ sở hạ tầng, thì số tiền vô cùng lớn, vượt xa cả ngân sách viện trợ.”

Tổ chức Global Witness ước tính rằng kể từ lúc cơn sốt khai thác dầu mỏ rộ lên ở Nigeria từ những năm 1960, nước này đã thất thoát khoảng 400 tỉ đô la vì nạn tham nhũng. Ông O’Donnell nói:

“Đây là khoản tiền rất lớn ở một đất nước mà phần đông dân số sinh sống với khoản tiền chưa tới 1 đô la mỗi ngày. Điều tối quan trọng là, nếu muốn đất nước phát triển, người dân thoát cảnh đói nghèo thì những tài nguyên như thế này phải được dùng sao cho người dân được hưởng lợi.”

Dự luật của châu Âu cho ngành công nghiệp khai khoáng sẽ được bộ trưởng các nước mang ra bàn bạc và tranh luận. Dự luật này có thể còn được chỉnh sửa và tu chính trước khi được đem ra biểu quyết lần cuối ở Nghị viện châu Âu vào cuối năm nay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG