Đường dẫn truy cập

Cây đàn quý hiếm tìm lại sau hơn 3 thập niên


Cây vĩ cầm đã được trao lại cho ba cô con gái của nghệ sĩ vĩ cầm Roman Totenberg hôm 6/8/2015.
Cây vĩ cầm đã được trao lại cho ba cô con gái của nghệ sĩ vĩ cầm Roman Totenberg hôm 6/8/2015.

Đàn violon Stradivarius là loại đàn rất quý, trên toàn thế giới hiện nay chỉ có khoảng 550 cây đàn violon do Antonio Stradivari, nhà làm đàn người Ý đại tài, thiết kế và thực hiện từ vài thế kỷ trước. Giá bán của mỗi cây đàn violon loại này giờ đây lên tới nhiều triệu đôla trong các cuộc bán đấu giá. Cây đàn violon trong câu chuyện được đặt tên là ‘Ames’ theo tên của người sở hữu nó vào thế kỷ thứ 19 George Ames. Cây đàn này lúc bấy giờ thuộc quyền sở hữu của danh thủ đàn vĩ cầm Roman Totenberg, khi nó ‘không cánh mà bay’ sau một buổi hoà nhạc vào năm 1980. Từ đó cho tới nay, cây đàn violon do Stradivarius hoàn thành vào năm 1734, không còn xuất hiện trước công chúng. Nghi can duy nhất là một nghệ sĩ vĩ cầm tên Philip Johnson, tuy rằng các cơ quan điều tra lúc bấy giờ không có bằng chứng để có thể khám xét hay điều tra ông.

Vào đầu tháng 8 năm nay, sau 35 năm, gia đình Totenberg cuối cùng đã được trao lại món vật gia bảo sau khi cây đàn quý qua tay của một người Việt Nam, bà Thanh Trần. Theo tường thuật của hãng tin AP, thì khi Philip Johnson biết mình không còn sống bao lâu nữa vì chứng bệnh ung thư quái ác, ông đưa vợ cũ, bà Thanh, xuống tầng hầm của căn nhà của ông ở Venice, bang California. Dưới một tấm trải nhựa được đè nặng bằng gạch là một hộp đàn violon cũ kỹ có ổ khoá.

Ông Johnson trao lại hộp đàn cho người vợ cũ, nhưng ông không giải thích gì và bà Thanh tưởng rằng trong chiếc hộp ấy là cây đàn violon cổ thời thế kỷ thứ 18 do Đức chế tạo, mà bà đã mua cho ông trong thập niên 1990 với giá 4.500 đôla để tặng lại ông, sau khi Johnston vì túng thiếu phải bán đi cây đàn yêu quý.

Phải tới gần 4 năm sau khi được Philip trao lại hộp đàn, bà Thanh mới nhận thức được rằng cây đàn mà bà có trong tay không phải là cây đàn mà bà đã mua, mà là một cây đàn quý hiếm hơn nhiều. Trong lúc dọn dẹp để tân trang lại nhà cửa, bà Thanh cùng các con gái đâm ra tò mò muốn mở hộp ra xem. Hôn phu của bà Thanh phải nạy nắp hộp. Bà kể lại với phóng viên AP:

“Cây đàn violon trông tuyệt đẹp nhưng buồn bã làm sao, tất cả các giây đàn đều bị bật tung.”

Bà quyết định nhờ người hiểu biết đánh giá cây đàn, và mãi cho tới khi thực hiện ý định này bà mới khám phá ra nhãn hiệu Stradivarius được gắn bên trong cây đàn violon. Nhưng lúc bấy giờ, bà tin rằng đây là một chiếc Stradivarius giả mạo.

Vào tháng 6 năm nay, cuối cùng bà Thanh cùng người hôn phu đã đến gặp chuyên gia Phillip Injeian tại một khách sạn ở New York. Chuyên gia đánh giá các cổ vật đã nhận ra ngay chiếc đàn quý. Ông nói ông có tin vui và tin buồn cho bà Thanh, tin vui là vì cây đàn violon này là đàn Stradivarius chính hiệu. Nhưng tin buồn là, bà cần phải gọi cho Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ -FBI ngay lập tức, bởi vì đây là một cây đàn đã bị đánh cắp.

Bà Thanh kể rằng suýt nữa bà đã ngất xỉu vì lo sợ bị bắt giữ, bà lập tức tiếp xúc với các nhân viên FBI, mà không cần tới sự giúp đỡ của một luật sư. Bà kể tiếp:

“Họ hỏi tôi có bằng lòng cho họ lấy đi cây đàn hay không. Tôi trả lời ngay, vâng, các ông cứ mang nó đi, bởi vì cây đàn này không phải là của tôi. Nó đã bị đánh cắp. Thế rồi họ trao cho tôi một giấy chứng nhận đã nhận đàn.”

Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ sau đó báo cho bà Thanh biết rằng ông Johnson, chồng cũ của bà, từng được trông thấy ở gần nơi cây đàn bị trộm, ông là nghi can duy nhất, tuy nhiên nhà chức trách không có đủ bằng cớ để bắt ông hoặc yêu cầu toà ra trát để khám xét nhà ông.

Lúc đó, bà Thanh là một sinh viên theo học Đại học Maryland. Cách đó 5 năm bà đã cùng cha mẹ di dân sang Hoa Kỳ. Bà gặp ông Johnson vào đầu thập niên 1990 sau một buổi trình diễn ở Los Angeles. Hai người hò hẹn trong nhiều năm trước khi thành hôn. Ông bà Johnson có với nhau hai người con gái, nhưng ly dị vào năm 2008. Bà Thanh giải thích:

“Ông ấy là một con người phức tạp.”

Bà Thanh nói khi nhìn lại thời gian ấy chỉ có một điều đáng nghi, đó là ông Johnson không bao giờ rời cây đàn lâu. Bà nói nhìn lại những tấm ảnh cũ, bất kỳ đi tới đâu, cả trong những chuyến băng rừng lội suối, không lúc nào mà ông Johnson không mang theo cây đàn.

Bà Thanh cho biết là chắc chắn ông Johnson đã từng chơi cây đàn Stradivarius ở nhà, nhưng bà không biết liệu có bao giờ ông mang nó đi trình diễn hay không.

Bà Thanh cho biết là mãi tới giờ bà vẫn chưa hoàn hồn khi khám phá cây đàn là của bị đánh cắp. Bà nói niềm hối tiếc duy nhất của bà là không được biết sớm hơn, để có thể trả lại cho khổ chủ.

Một người bạn của Johnson, nghệ sĩ đàn cello Michael Fitzpatrick cũng nhắc tới thói quen hơi lập dị đó của bạn mình. Michael nói ông tin rằng bạn của ông đã bị lương tâm cắn rứt trong suốt mấy thập niên qua.

Cây đàn Stradivarius đắt tiền nhất từng được mang ra đấu giá là chiếc violon tên Lady Bunt, sản xuất vào năm 1721, cây đàn này đã được Quỹ Âm nhạc Nippon mang ra đấu giá vào năm 2011 và sau cùng được trao tay với giá 16 triệu đôla. Quỹ Nippon đã dành một phần số tiền bán đàn để giúp các nạn nhân trong thảm họa động đất và sóng thần tại Nhật Bản vào năm 2011.

Hiện không biết giá của cây đàn violon Ames trên thị trường là bao nhiêu, nhưng cây đàn quý đã ‘trở về nhà’ sau chuyến phiêu lưu dài 35 năm, là một bảo vật vô giá đối với các ái nữ của sở hữu chủ cuối cùng của nó, nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng Roman Totenberg. Là một thần đồng âm nhạc ở Ba Lan, sự nghiệp của danh cầm Roman Totenberg gắn bó với cây đàn Stradivarius mà ông đã mua từ năm 1943, với giá 15.000 đôla.

Bà Nina Totenberg, người con cả trong gia đinh, là một ký giả đang cộng tác với Đài Phát thanh Quốc gia NPR ở thủ đô Washington. Trên một chương trinh của đài phát thanh này hồi gần đây, Nina cho biết là cây đàn luôn luôn theo ông đi lưu diễn khắp nơi. Việc cây vĩ cầm bị đánh cắp là một mất mát lớn không hề nguôi ngoai đối với cha của bà tới khi ông qua đời ở tuổi 101 vào năm 2012.

Đến đây cũng đã kết thúc chương trình ‘Đời sống văn hóa’ của đài VOA phát thanh từ thủ đô Washington. Hoài Hương xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại quý vị trong chương trình tối thứ Bảy tuần tới, cũng trên làn sóng này của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG