Đường dẫn truy cập

Căng thẳng ngoại giao Nhật-Hàn gia tăng


Nhóm đảo Nam Triều Nam Triều Tiên gọi là Dokdo và Nhật Bản gọi là Takeshima
Nhóm đảo Nam Triều Nam Triều Tiên gọi là Dokdo và Nhật Bản gọi là Takeshima
Hôm nay Nhật Bản gửi một văn kiện ngoại giao cho Nam Triều Tiên đề nghị hai nước nên đưa vụ tranh chấp lãnh thổ liên quan đến một nhóm đảo nhỏ ra trước cơ quan tư pháp chính của Liên Hiệp Quốc. Theo tường trình từ Seoul của thông tín viên VOA, Steve Herman, thì lời yêu cầu của Nhật Bản đã được các giới chức Nam Triều Tiên tiếp nhận một cách lạnh nhạt.

Nam Triều Tiên đã thẳng thắn trả lời dứt khoát trong một loạt trao đổi ngôn từ gay gắt giữa Seoul và Tokyo.

Một đặc sứ Nhật Bản tại Seoul đã đến Bộ Ngoại giao với một văn kiện mà giới ngoại giao gọi là “note verbale”. Ðó là một thông tư không mang chữ ký, không mang tính cách chính thức như một công hàm ngoại giao, nhưng lại có tính cách chính thức hơn là một công văn.

Các nhà ngoại giao Nam Triều Tiên nói thẳng với các nhà lập pháp và phóng viên báo chí rằng văn kiện đó không đáng để cứu xét.

Phát ngôn viên chính của Bộ ngoại giao Nam Triếu Tiên Cho Tai-young tuyên bố Dokdo, khu vực mà người Nhật gọi là Takeshima và tuyên bố là có chủ quyền, rõ ràng là lãnh thổ của nước Cộng hòa Triều Tiên theo lịch sử, địa lý và chiếu theo luật quốc tế.

Phát ngôn viên Cho nói rằng đề nghị của Nhật Bản đưa vấn đề ra trước Tòa án tư pháp quốc tế không có giá trị bởi vì không có sự tranh chấp lãnh thổ và vì vậy không cần phải thương nghị.

Cuộc tranh chấp âm ỉ từ nhiều thập kỷ đã hầu như chìm lắng cho tới hồi gần đây.

Những đề cập mới được đưa ra trong các sách giáo khoa được chính phủ Nhật chấp thuận và các tài liệu chính thức đã khiến người dân Nam Triều Tiên bất bình. Hành động đó được tiếp nối bằng một chuyến thăm chưa từng có của Tổng thống Lee Myung-bak hồi tháng trước tới nhóm đảo nhỏ có tên Liancourt Rocks, rộng chưa tới 19 hectare.

Nam Triều Tiên đã duy trì sự hiện diện tại nhóm đảo nhỏ này từ năm 1952 khi lực lượng tuần duyên của họ được bố trí tại nhiều mỏm đá gần như có khoảng cách bằng nhau đến bán đảo Triều Tiên và đến hòn đảo chính của Nhật Bản là Honshu.

Nhật Bản cũng đang lâm vào các vụ tranh chấp lãnh thổ kéo dài với Bắc Kinh và Ðài Loan về một nhóm đảo tí hon do Nhật chiếm đóng mà họ họ gọi là Senkaku và người Trung Quốc gọi là Ðiếu ngư và dãy đảo Kuril mở rộng hơn về phía nam mà người Nhật gọi là Lãnh thổ phía Bắc và bị đặt trong tay của Moskow kể từ khi Thế chiến thứ hai chấm dứt.

Một cựu phát ngôn viên bộ ngoại giao Nhật là ông Tomohiko Taniguchi, nói rằng các chính trị gia và các nhà ngoại giao Nhật nhận thấy “một xu hướng nguy hiểm đang hình thành” và đang đáp lại bằng đường lối ngoại giao mạnh mẽ chống lại việc đả kích Nhật Bản.

Ông Taniguchi nói: “Ðã có khái niệm dần dà ăn sâu vào đầu óc các nhà lãnh đạo Nhật Bản rằng nhiều hành động khiêu khích đã diễn ra, không phải chỉ từ phía chính phủ Nam Triều Tiên mà cả từ phía Trung Quốc, Hong Kong và Nga, dứt khoát là vì Nhật Bản đã trở nên yếu thế hơn cả về mặt chính trị, nhưng quan trọng hơn là về mặt kinh tế.”

Lời kêu gọi mới đây của tổng thống Nam Triều Tiên đề nghị Nhật hoàng công khai xin lỗi về hành động xâm lược của nước ông trong quá khứ đã gây bực bội thậm chí cả một số người ở Nhật Bản đã vận động cho quan hệ chặt chẽ hơn với Seoul.

Ông Taniguchi, nay là một giáo sư thỉnh giảng đặc biệt tại trường Ðại học Keio, nói rằng đó lần lần thứ nhì trong tháng này Nhật Bản coi Nam Triều Tiên đã vượt quá giới hạn của một lằn ranh đỏ.

Ông Taniguchi nói tiếp: “Ðó gần như là họ đổ thêm dầu vào lửa.”

Chính phủ Nam Triều Tiên không tỏ ý quan tâm về việc tìm cách xoa dịu tình hình.

Ngoại trưởng Kim Sung-hwan hôm nay coi việc Nhật Bản phản đối các nhận định của ông Lee có liên quan đến Nhật hoàng Akihito là bất công.

Trả lời một câu hỏi trong cuộc họp của một uủ ban tại Quốc Hội, ông Kim nói rằng tổng thống đã đáp lại một câu hỏi được đặt ra trong một cuộc gặp mặt các giáo viên – vì vậy mà lời kêu gọi Nhật hoàng xin lỗi không phải là một yêu cầu mà Seoul chính thức đạo đạt với Tokyo.Trong khi đó, các giới chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói rằng một nhà ngoại giao cấp cao của Nhật bản hôm nay đã tường trình qua điện thoại với đối tác phía Seoul về những cuộc đàm phán sắp tới với Bắc Triều Tiên.

Các giới chức ở Tokyo từng cho biết các cuộc đàm phán của Hội Chữ thập Ðỏ, định tổ chức vào ngày 29 tháng này ở Bắc Kinh, sẽ tập trung vào các vấn đề nhân đạo, trong đó có vấn đề chưa được giải quyết là việc các điệp viên Bắc Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật trong thập niên 1970 và 1980. Nhưng các cơ quan truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên đã tố cáo Nhật Bản là “gây băng giá bầu không khí” bằng cách đề nghị nêu vấn đề tế nhị này ra trước cuộc họp có thể coi là cuộc họp đầu tiên như thế từ 4 năm nay giữa các giới chức Nhật Bản và Bắc Triều Tiên.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG